Ít tiền khó mong vô địch?

(HNM) - Mùa giải chuyên nghiệp thứ 9 càng chứng minh "chân lý bóng đá chuyên nghiệp" là nhà nghèo chớ dại chơi V-League. Vô địch cực khó nhưng xuống hạng cực dễ. Hai đội xuống hạng TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, đội bóng phải đá trận tranh vé vớt Nam Định chính là nạn nhân của tình trạng ít tiền.

Hụt hơi vì thiếu kinh phí Dân trong nghề vẫn truyền tai nhau, cách đây 5 mùa giải, lãnh đạo đội Tiền Giang chỉ vì bùi tai nghe một số lời tán tụng rằng cơ hội… trăm năm có một để lên hạng chuyên nghiệp (Tiền Giang luôn dẫn đầu giải hạng nhất) mà quên lời thề "Tiền Giang nghèo, chỉ chơi hạng nhất cho vừa túi tiền". Giải chuyên nghiệp (V-League) năm sau, chưa hết lượt đi, Tiền Giang đã gần như xuống hạng. Chưa hết giải năm đó, trong tình cảnh lao đao về tiền bạc, đội xuống hạng thật. Từ đó đến nay, Tiền Giang cứ nhì nhằng ở hạng nhất, chưa thấy bộc lộ tham vọng trở lại chuyên nghiệp. Năm 2007, đội Halida Thanh Hóa sau 13 năm an phận ở hạng nhất bỗng… đổi ý khi thấy cơ hội đổi đời chợt đến. Lên hạng rồi, đội Thanh Hóa đối diện với kinh phí 10 tỉ đồng cho cả năm. Kinh phí ấy thuộc loại thấp nhất V-League, thậm chí còn thấp hơn cả kinh phí của 1 số đội hạng nhất, đội Thanh Hóa bất ngờ có thành tích xuất sắc ở lượt đi nhờ các đội khác coi thường. Nếu không có thành tích ấy bù trừ cho giai đoạn lượt về yếu kém thì Thanh Hóa đã xuống hạng rồi. Hai năm sau, một số trụ cột của đội không chịu nổi "phận nghèo" nên lần lượt đầu quân cho T&T.Hà Nội, Vinakansai Ninh Bình, Thể Công. Doanh nghiệp Xi măng Công Thanh Thanh Hóa nhảy vào tài trợ với kinh phí ít ỏi. Lực lượng kém, kinh phí kém, lương, thưởng nợ thường xuyên… đội bóng xứ Thanh lập tức bị điểm mặt là đội xuống hạng ở mùa giai V-League 2009. "Nhân bảo như thần bảo", hết lượt đi, đội xếp thứ 13/14 và chỉ vài vòng của lượt về, đội đã xếp 14/14 và duy trì tình trạng này đến vòng 23 thì chính thức xuống hạng. Bao giờ trở lại ngày xưa? V-League 2009 chứng kiến đội TP Hồ Chí Minh và Nam Định, những đội bóng từ xưa vốn không quá quay quắt với chuyện tiền bạc, đánh vật với vấn đề thiếu kinh phí như thế nào. TP Hồ Chí Minh có nền kinh tế mạnh nhất nước năm nay nhưng lại có đội bóng thuộc diện nghèo nhất giải. Mặc dù Đại hội Liên đoàn Bóng đá thành phố Hồ Chí Minh nêu khẩu hiệu phải giữ bằng được "niềm tự hào của bóng đá thành phố mang tên Bác" ở giải vô địch quốc gia nhưng điều then chốt là tiền thì không ai lo cho đội. Cái kết cục xuống hạng hiển hiện từng ngày mà thầy trò HLV Lư Đình Tuấn không sao ngăn được. Đội Nam Định cũng vậy. Chưa bao giờ địa phương vốn có tiếng về việc đào tạo VĐV trẻ này lại đối mặt với vấn đề tài chính như năm nay. Những năm trước, tuy kinh phí không thật dồi dào nhưng ổn định ở mức khá. Năm nay thì khác. Nhà tài trợ Sông Đà rút lui, đến phút cuối đội mới có nhà tài trợ chính là doanh nghiệp Mikado. Với kinh phí chưa bao giờ thấp như năm nay, dễ hiểu tại sao thành tích của đội Nam Định lại thụt lùi đến thế. "Giành được suất đá trận tranh vé vớt vẫn là may", người Nam Định nói vậy. Và chỉ nhờ may mắn mà Nam Định mới trụ hạng. Trụ hạng rồi, người Nam Định bắt đầu lo cho mùa bóng mới với những lo toan về kinh phí, lực lượng (hơn một nửa đội hình chính dự kiến sẽ ra đi đến những CLB giàu có hơn Nam Định). Giờ người hâm mộ TP Hồ Chí Minh và Nam Định vẫn chỉ mong đội bóng con cưng được trở lại ngày xưa chứ không cần hơn. Nhưng đến bao giờ? Nói đến bóng đá chuyên nghiệp là nói về tiền, rất nhiều tiền. Không có tiền sẽ không có cầu thủ xuất sắc (nội cũng như ngoại). Không tiền sẽ xảy ra tình trạng "chảy máu cầu thủ". Đội bóng nghèo Quân khu 4 đã thoát hiểm vào phút chót nhưng… hãy đợi đấy, mùa bóng 2010 đang chờ đội. Nếu túi tiền cứ eo hẹp như năm nay, cái kết cục buồn sẽ đến. Hà Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/45/219247/