Italy cân nhắc chuyển sang giai đoạn hai trong cuộc chiến chống Covid-19

Cuối tuần qua, Italy đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày thấp nhất trong hơn hai tuần qua, do đó giới chức nước này bắt đầu cân nhắc chuyển sang giai đoạn hai của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trong khi đó, Anh tuyên bố sẽ siết chặt biện pháp hạn chế nếu người dân không tuân thủ nghiêm quy định của chính phủ. Các nước châu Âu khác như Hy Lạp và Malta thì đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại các khu trại di cư.

Người phụ nữ đeo khẩu trang khi đi dạo trên cầu Rialto, Venice, Italy, ngày 5-4. (Ảnh: Reuters)

Người phụ nữ đeo khẩu trang khi đi dạo trên cầu Rialto, Venice, Italy, ngày 5-4. (Ảnh: Reuters)

NDĐT - Cuối tuần qua, Italy đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày thấp nhất trong hơn hai tuần qua, do đó giới chức nước này bắt đầu cân nhắc chuyển sang giai đoạn hai của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trong khi đó, Anh tuyên bố sẽ siết chặt biện pháp hạn chế nếu người dân không tuân thủ nghiêm quy định của chính phủ. Các nước châu Âu khác như Hy Lạp và Malta thì đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại các khu trại di cư.

Italy cân nhắc chuyển sang giai đoạn hai của cuộc chiến chống Covid-19

Theo thống kê mới nhất, đến nay, Italy đã ghi nhận 15.887 ca tử vong, chiếm gần 25% tổng số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu. Riêng ngày 5-4, nước này có thêm 525 ca tử vong, mức thấp nhất kể từ ngày 19-3. Cùng ngày, Italy xác nhận có thêm 4.316 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 128.948. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất trong năm ngày qua. Cuối tuần qua, số ca bệnh được điều trị tại các đơn vị điều trị tích cực của Italy cũng giảm.

Dựa vào số liệu nêu trên, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro đánh giá, dịch bệnh tại Italy đã đạt đỉnh và bắt đầu giảm. Ông cho rằng, đây là thành quả Italy đạt được sau nhiều ngày chiến đấu với đại dịch. “Nếu nhận định này được xác nhận, chúng ta cần nghĩ đến giai đoạn hai và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”, ông Brusaferro nói. Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy Angelo Borelli khuyến cáo người dân ở trong nhà và không nên hạ mức cảnh giác.

Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza đã đưa ra hàng loạt biện pháp, trong đó có đẩy mạnh làm xét nghiệm và tăng cường năng lực của hệ thống y tế địa phương, nhằm từng bước nới lỏng biện pháp hạn chế cho đến khi có vaccine ngừa bệnh. Lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài đến ngày 13-4 và có thể được gia hạn thêm. Ông Speranza cho rằng phía trước là những tháng khó khăn và vẫn còn quá sớm để nói về thời điểm gỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Bộ trưởng Y tế Italy cho biết, ông đã ra văn bản giải thích năm nguyên tắc của giai đoạn hai của tình trạng khẩn cấp do chính phủ ban bố. Giai đoạn này được hiểu là giai đoạn các biện pháp hạn chế được nới lỏng và Italy chuẩn bị quay trở lại cuộc sống bình thường. Trong giai đoạn này, giãn cách xã hội vẫn phải được duy trì, các thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang nên được sử dụng rộng rãi hơn, hệ thống y tế địa phương sẽ được tăng cường sức mạnh để điều trị các ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 nhanh chóng và hiệu quả hơn. Xét nghiệm và tìm kiếm những người tiếp xúc với người bệnh Covid-19 sẽ được mở rộng, trong khi hệ thống bệnh viện chuyên điều trị cho người bệnh Covid-19 cũng sẽ được thiết lập.

Tây Ban Nha ghi nhận đà giảm của các ca nhiễm mới và tử vong

Tính đến 7 giờ 30 phút sáng 6-4, với hơn 131.600 ca bệnh, số ca nhiễm SARS-CoV-2 của Tây Ban Nha đã vượt Italy và chỉ đứng sau Mỹ. Tỷ lệ ca nhiễm mới và tử vong tại Tây Ban Nha tiếp tục giảm vào ngày 5-4, đúng thời điểm nước này bước vào tuần thứ tư thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc. Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge lưu ý, Tây Ban Nha nên lạc quan một cách thận trọng về kết quả của các biện pháp mạnh mẽ, cách xử lý đổi mới và quyết định dũng cảm mà nước này đưa ra.

Trong bài phát biểu phát sóng toàn quốc ngày 4-4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo kéo dài lệnh phong tỏa khẩn cấp đến ngày 26-4 để giải quyết tình trạng khẩn cấp hiện nay. Ông cho biết, một số biện pháp hạn chế kinh tế như yêu cầu người lao động làm việc trong lĩnh vực không thiết yếu phải ở nhà sẽ được gỡ bỏ sau lễ Phục sinh, tuy nhiên, các cửa hàng, quán bar và hàng ăn sẽ vẫn đóng cửa.

Theo Bộ trưởng Giao thông Tây Ban Nha Jose Luis Abalos, nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây. Khi được hỏi về thời điểm Tây Ban Nha sẽ trở lại hoạt động bình thường, Bộ trưởng Kinh tế Nadia Calvino cho rằng: “Chúng ta không thể trở lại bình thường trong vòng 0-100 ngày. Chúng ta phải bảo đảm sự an toàn”.

Trong bài báo xuất hiện trên nhiều tờ báo châu Âu cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Sanchez kêu gọi: “Tình đoàn kết là nguyên tắc then chốt trong các thỏa thuận của Liên hiệp châu Âu (EU). Tinh thần đó phải được thể hiện vào những thời điểm như lúc này”.

Anh sẽ siết chặt biện pháp hạn chế nếu người dân không tuân thủ nghiêm

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định, Anh sẽ phải áp đặt thêm biện pháp hạn chế hoạt động ngoài trời nếu người dân không tuân thủ nghiêm các quy định nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Ông Hancock cho biết, chính phủ vẫn cho phép người dân ra ngoài tập thể dục hằng ngày (đi bộ, chạy, đạp xe,...) chừng nào họ vẫn thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các hoạt động như tắm nắng có thể đặt người dân vào nguy hiểm và khiến biện pháp phong tỏa bị kéo dài.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế Anh, phần lớn người dân nước này tuân thủ nghiêm quy định của chính phủ nhưng một bộ phận nhỏ vẫn tiếp tục vi phạm, do đó chính phủ có thể phải triển khai các biện pháp bổ sung.

Ông Hancock cho biết, chính phủ chỉ có thể nhất trí thời điểm nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại khi đã kiểm soát được sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Quan chức y tế cấp cao vùng England, bà Jenny Harries cho rằng, nếu chính phủ gỡ bỏ các biện pháp hạn chế quá sớm thì đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai có thể xảy ra. Giáo sư Neil Ferguson (Đại học Imperial, London), người hỗ trợ công tác ứng phó dịch Covid-19 của Chính phủ Anh, dự báo, dịch bệnh tại “quốc đảo sương mù” sẽ đạt đỉnh trong 7-10 ngày tới. Hiện, Anh đã ghi nhận hơn 47.800 ca nhiễm và 4.934 ca tử vong do virus SARS-CoV-2.

Nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các khu trại di cư

Bộ Di trú Hy Lạp ngày 5-4 cho biết, nước này sẽ cách ly thêm một khu trại của người di cư trên đất liền trong vòng 14 ngày sau khi một người 53 tuổi dương tính với virus SARS-CoV-2. Người đàn ông Afghanistan và gia đình sống trong trại Malakasa ở phía bắc Athens cùng với hàng trăm người xin tị nạn khác. Người bệnh đã được chuyển đến bệnh viện tại Athens và nhà chức trách đã tiến hành làm xét nghiệm cho những người tiếp xúc với người bệnh. Hiện, Hy Lạp đã phát hiện 1.735 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 73 người đã qua đời. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa xuất hiện ca bệnh trên các đảo của Hy Lạp.

Trong những năm gần đây, Hy Lạp đã trở thành cửa ngõ chính mà người di cư từ Trung Đông và một số khu vực khác thường tìm đến để vào các nước thành viên EU. Ít nhất 110 nghìn người di cư đang sống trong các khu trại di cư ở Hy Lạp, trong đó 40 nghìn người đang trú tại những khu trại đông đúc trên năm đảo của nước này. Tuần trước, giới chức Hy Lạp đã phong tỏa trại Ritsona ở miền trung nước này sau khi phát hiện 20 người di cư dương tính với virus SARS-CoV-2.

Các nhóm cứu trợ hối thúc Hy Lạp sơ tán các trại di cư, đồng thời cảnh báo nguy cơ virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng giữa những người sống trong điều kiện vệ sinh không bảo đảm là rất cao, do đó chính phủ có thể không ngăn được dịch bùng phát tại các khu trại này.

Cùng ngày, Malta đã cách ly 1.000 người di cư đến từ châu Phi sống tại trại di cư ở Hal Far, phía nam nước này. Bộ trưởng Y tế Malta Chris Fearne cho biết, Malta đã xác nhận tám ca nhiễm mới trong hai ngày qua và đánh giá nhiều người di cư có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 khi trại tị nạn của họ sắp quá tải. Theo Bộ trưởng Nội vụ Malta Byron Camilleri, cảnh sát sẽ giám sát tất cả các trường hợp mắc Covid-19 và những người vi phạm biện pháp cách ly có thể bị phạt tới 3.000 euro. Malta đã ghi nhận 227 ca bệnh Covid-19.

H.H

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43948702-italy-can-nhac-chuyen-sang-giai-doan-hai-trong-cuoc-chien-chong-covid-19.html