Jacques Chirac - Một người Pháp yêu mến Việt Nam

'Một phần của lịch sử nước Pháp' đã ra đi yên bình trong vòng tay yêu thương của gia đình vào ngày 26/9/2019. Đối với người Việt Nam, cố Tổng thống Jacques Chirac để lại dấu ấn khó phai với hai lần tới thăm đất nước mà ông từng chia sẻ rằng 'rất yêu mến'.

Cố Tổng thống Jacques Chirac (1932-2019). (Nguồn: AFP)

Hơn thế, tình cảm yêu mến và sự ủng hộ mà ông dành cho Việt Nam đã góp phần dệt nên mối quan hệ hữu nghị Việt - Pháp ngày càng tốt đẹp.

" Việt Nam lúc nào cũng đẹp"

Giáo sư lịch sử người Pháp Pierre Journoud cho rằng, đề cập mối quan hệ Việt – Pháp, không thể không nhắc đến chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Jacques Chirac năm 1997, thời điểm Việt Nam tổ chức hội nghị tầm cỡ quốc tế đầu tiên - Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội.

Ghi sổ tang mở tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam chiều 30/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã viết: “Chúng tôi luôn ghi nhớ những đóng góp của Ông cho sự hội nhập của Việt Nam với cộng đồng quốc tế cũng như cho sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Pháp”.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi đó cũng khẳng định, “chuyến thăm Việt Nam của Ngài Tổng thống là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mang đến cho nhân dân chúng tôi những tình cảm hữu nghị của nhân dân Pháp”.

Trở lại Việt Nam sau bảy năm, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức và tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5) tại Hà Nội, tháng 10/2004, Tổng thống Chirac đã chia sẻ rằng đối với ông, Việt Nam lúc nào cũng đẹp, “Việt Nam có vị trí đặc biệt trong lòng người dân Pháp” và “là đối tác ưu tiên đặc biệt của Pháp trong thế kỷ XXI”.

Ông nhận thấy Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực và Pháp hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thành công của Việt Nam trong giai đoạn mới, vào khả năng hòa nhập nhưng vẫn giữa nguyên vẹn bản sắc của mình. Tính đến thời điểm năm 2004, “đất nước hình lục lăng” là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai của Việt Nam.

Đặc biệt, dù rất bận với nhiều chương trình, song Tổng thống Chirac vẫn dành thời gian trò chuyện với các học sinh, sinh viên biết tiếng Pháp mà ông gọi là “tương lai của đất nước”. Và chắc hẳn, những cô cậu học trò may mắn được có mặt trong buổi nói chuyện của Tổng thống ngày 7/10 năm ấy sẽ không bao giờ quên kỷ niệm đẹp này.

Ông kể, trong chuyến thăm lần trước tới Việt Nam, ông đã rất ấn tượng với lời một bài hát: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Lời ca khiến ông suy nghĩ rằng mỗi người chúng ta đều đại diện cho một lịch sử, một nền văn hóa. Sự tôn trọng và hiểu biết văn hóa của mình là yếu tố căn bản bảo đảm sự cân bằng trong tính cách của mỗi cá nhân và trong sự phát triển của cả đất nước.

Sau đó, dù còn rất ít thời gian vì phải chuẩn bị ra sân bay, Tổng thống vẫn nán lại bắt tay và nói chuyện với các nhà báo, nhân viên phục vụ tại Trung tâm báo chí của Hội nghị cấp cao ASEM 5 trên đường ông ra xe. Khi thấy một nữ nhà báo luống cuống không bấm được máy ảnh, ông đã dừng lại và chỉ cô cách lấy hình ông sao cho đẹp!

Cử chỉ thân thiện này của vị Nguyên thủ Pháp khiến mọi người đều vui vẻ và thêm phần yêu mến ông...

Tổng thống Jacques Chirac trong chuyến thăm Việt Nam năm 2004. (Nguồn: TTXVN)

"Chiếc xe ủi" không ngừng nghỉ

Jacques Chirac sinh ngày 29/11/1932 tại Paris trong gia đình có bố là viên chức quản lý hành chính tại một công ty máy bay và mẹ là nội trợ. Trong hồi ký Chaque pas doit être un but (tạm dịch: Mỗi bước đi phải có mục đích) xuất bản năm 2009, ông nói về tình yêu vô điều kiện mà mẹ đã dành cho ông, về mối quan tâm đặc biệt với các giá trị truyền thống phương Đông.

Bên cạnh đó là một Chirac đam mê nghệ thuật và yêu thích các tác phẩm của hai tượng đài thi ca nước Nga - Leo Tolstoy và Alexander Pushkin.

Jacques Chirac được giáo dục một cách bài bản và toàn diện: tốt nghiệp Trung học Carnot Louis-le-Grand tại Paris, Học viện Nghiên cứu chính trị Paris, Đại học Harvard (Mỹ), rồi trường Hành chính Quốc gia Pháp (ENA).

Trước khi bước chân vào con đường chính trị, chàng trai trẻ từng làm những việc như rửa chén ở nhà hàng thời sinh viên, thủy thủ trên con tàu chở hàng, người lính trong quân đội Pháp và kiểm toán viên.

Khi mới 35 tuổi, ông Chirac đã chính thức được bổ nhiệm vào bộ máy chính quyền dưới thời Tổng thống Georges Pompidou với chức Tổng trưởng Bộ Xã hội. Chính trong thời gian này, ông gắn liền với biệt danh “chiếc xe ủi” do khả năng giải quyết công việc xuất sắc.

Bề dày kinh nghiệm chính trường của Jacques Chirac được tiếp nối với ba lần làm Bộ trưởng, 18 năm giữ cương vị Thị trưởng Paris (1977-1995), hai nhiệm kỳ Thủ tướng (1974-1976; 1986-1988), hai lần trở thành chủ nhân Điện Élyseé vào các năm 1995 và 2002 với thành tựu đối nội đáng ghi nhận là sự tiến bộ về an toàn giao thông và y tế.

Mười hai năm “thường trú” tại Điện Élyseé, ông để lại nhiều di sản đối ngoại to lớn. Ông có công đưa nước Pháp tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), truyền cảm hứng cho người dân Pháp về niềm tin vào một châu Âu liên kết, hùng mạnh, nhân văn dựa trên vận mệnh và các giá trị chung.

Một trong những di sản đáng kể nhất của ông trên trường quốc tế là việc phản đối cuộc tấn công vào Iraq do Mỹ dẫn đầu năm 2003. Chủ trương này đã khiến quan hệ giữa hai đồng minh chủ chốt ở hai bờ Đại Tây Dương xấu đi nghiêm trọng, song trong nước, thái độ phản chiến đã giúp tỷ lệ ủng hộ ông lên tới 90%. Người ta vẫn nhớ mãi câu nói nổi tiếng của ông: “Chiến tranh luôn là giải pháp cuối cùng. Nó luôn là minh chứng một sự thất bại”...

Cố Tổng thống cũng được nhớ đến với lời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện cam kết Nghị định thư Kyoto về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính: “Nhà chúng ta đang cháy, thế mà chúng ta cứ mãi nhìn đi đâu”, tại một hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg (Nam Phi) năm 2002.

Đặc biệt, ông là Nguyên thủ quốc gia đầu tiên thời hậu chiến thừa nhận vai trò của Pháp trong thảm kịch 76 nghìn người Do Thái bị gửi đến các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Hành động vĩ đại này được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một di sản để đời của cố Tổng thống.

Thăng tiến nhanh chóng và gặt hái nhiều thành công nhưng trong sự nghiệp chính trị hơn 40 năm, ông Chirac đã phải nếm trải vị đắng quyền lực với hai lần thất bại trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 1981 và 1988. Ông cũng không ít lần phải đối mặt với chỉ trích vì tình trạng thất nghiệp thường ở mức trên 10%, bê bối tài chính hay những chuyến du ngoạn xa hoa.

Ông thậm chí còn bị kết án hai năm tù treo hồi tháng 12/2011 vì tội lạm quyền và sử dụng công quỹ trái phép.

Vị Tổng thống tốt nhất

Với nhiều người Pháp, Jacques Chirac là chính trị gia lão luyện, rất hài hước, hòa đồng và gần gũi với người dân. Tổng thống có thể thoải mái đi dạo trên các con phố thủ đô Paris hoa lệ, thư thái uống bia ở một quán bên đường, hay thong dong cùng chiếc xe Vespa trên một con đường ngoại ô...

Kết quả thăm dò của báo Journal du Dimanche và Viện thăm dò ý kiến công luận Pháp (IFOP) công bố mới đây đều cho thấy người Pháp xem ông như “Tổng thống tốt nhất của nền Cộng hòa thứ năm”, ngang với “tượng đài” Charles de Gaulle.

Nhà sử học chính trị Jean Garrigues nhận xét: “Tính cách của Chirac khiến ông nổi tiếng. Ông biết cách giành thiện cảm từ người dân”.

Nhà báo John Lichfield trong bài viết trên Politico thì cho rằng, bất kể là ai - một nông dân đang giận dữ, nhà báo yếm thế hay tổng thống của một quốc gia châu Phi, ông Chirac đều có thể thuyết phục họ, trong năm giây hoặc năm phút, rằng họ luôn nhận được sự chú ý trọn vẹn của ông. “Gặp Chirac, bạn sẽ ngưỡng mộ ông ấy”, John Lichfield viết.

Anne Firmin - một người dân Pháp - thì bùi ngùi nói với phóng viên của hãng tin Reuters: “Trái tim tôi đang nặng trĩu nỗi buồn. Với tôi, ông là cả thời thanh xuân của mình”.

Trong bài phát biểu tưởng nhớ cố Tổng thống Jacques Chirac hôm 26/9, Tổng thống đương nhiệm của Pháp Emmanuel Macron khẳng định, “sự nghiệp lớn của ông là vì những người thấp kém nhất, những người dễ bị tổn thương nhất, những người yếu nhất… Ông đã đi vào lịch sử và từ nay, ông sẽ để lại nỗi nhớ trong mỗi chúng ta…”.

Ở tuổi 24, Jacques Chirac kết hôn với bà Bernadette Thérèse Marie Chodron de Courcel - người bạn đồng hành từ thời sinh viên.

Ngoài hai con gái là Laurence và Claude, ông bà Chirac còn nhận cô gái gốc Việt 21 tuổi Anh Đào làm con nuôi ngay tại sân bay Roissy vào năm 1979 khi ông làm Thị trưởng Paris. Thời điểm đó, có đồn đoán rằng việc nhận nuôi Anh Đào là cách ông Thị trưởng lấy phiếu của cộng đồng châu Á.

Nhật Nguyên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/jacques-chirac-mot-nguoi-phap-yeu-men-viet-nam-102107.html