James Rodriguez: Đừng gọi là James, hãy gọi anh là Bond

'The name is Bond, James Rodriguez', báo chí Anh từng viết về James Rodriguez như vậy, với dụng ý so sánh cầu thủ này với chàng điệp viên '007' James Bond huyền thoại.

Từ những sân bóng sình lầy ở Nam Mỹ đến những sân bóng đèn điện sáng choang ở Âu châu, “James Bond Rodriguez” luôn luôn là nhân vật chính. Chuyện về James Rodriguez không phải là câu chuyện về nàng Lọ Lem rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Anh chưa bao giờ phải sống trong nghèo khó, thứ nghèo khó điển hình kiểu Nam Mỹ.

Nhưng tuổi thơ của anh không êm đềm trôi theo dòng nước. James từng chứng kiến không ít bi kịch của gia đình và sinh ra trong giai đoạn loạn lạc của nền bóng đá Colombia. Vượt qua tất cả để trở thành biểu tượng của đất nước Nam Mỹ là một hành trình dài đầy nỗ lực.

Tuổi thơ của James Rodriguez không giống Carlos Tevez, Ronaldinho hay thậm chí là người đồng đội Carlos Bacca trên tuyển Colombia, người từng phải bán vé xe buýt để kiếm sống.James không trưởng thành từ bóng đá đường phố. Câu chuyện của anh hơi giống Kaka, người cũng đến từ tầng lớp trung lưu Nam Mỹ, có rất nhiều lựa chọn trong cuộc đời, nhưng đã chọn bóng đá.

"James chưa bao giờ muốn thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng nó sinh ra là để dành cho môn thể thao vua ", bà Maria de Pilar Rubio, mẹ anh nói.

Tuổi thơ của anh không êm đềm trôi theo dòng nước. James từng chứng kiến không ít bi kịch của gia đình. Từ nhỏ James thiếu vắng bóng hình người cha ruột. Ảnh hưởng lớn lên sự nghiệp bóng đá của anh là người cha dượng, ông Juan Carlos Restrepo.

Lên 5 tuổi, James được ông gửi vào học viện. Đôi giày bóng đá đầu tiên của James cũng được chính ông, người từng là thành viên đội dự bị Tolima (CLB chuyên nghiệp của Colombia) trước khi chuyển nghề công nhân tặng.

Bà Maria là người quản lý đầu tiên khi James bước vào đời cầu thủ chuyên nghiệp. HLV thời thơ ấu của James, Hugo Castano từng kết luận: "Thành công của cậu ta đến từ những bậc phụ huynh gương mẫu".

Ngay từ khi còn bé, James Rodriguez đã ý thức được phải làm việc, phải sống để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. "Tôi chưa từng thấy một đứa bé nào ở tuổi đó luyện tập hai lần một ngày mà không hề than phiền ", ông Hugo Castano nói.

"Trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp có nghĩa là bạn phải ăn uống khoa học, đi ngủ sớm trong lúc bạn bè cùng trang lứa thể hiện cá tính. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đó là sự hy sinh", James cho biết. Cũng nhờ có những sự chỉ dẫn đó, mà James có thể vượt qua những bi kịch khủng khiếp tuổi ấu thơ.

Một mùa hè năm 2004, tại trung tâm huấn luyện ở El Dorado thuộc thị trấn nhỏ thuộc miền nam Colombia, khi những cậu bé đã tất tưởi về nhà, dưới ánh nắng vàng nhạt, trên sân sót lại một cậu bé. James Rodriguez khi đó 13 tuổi, tập luyện một mình.Những đồng đội và HLV ngày ấy bảo rằng anh hiếm khi nói mạch lạc một từ nào. James bị một chứng bệnh được gọi là "hội chứng nhút nhát". Cầu thủ người Colombia hiếm khi nói trôi chảy trước mọi người.

Khi James Rodriguez lên ba, người cha ruột Wilson James Rodriguez, từng là một cầu thủ chuyên nghiệp, bỏ đi. Biến cố đó dường như đã góp phần tại nên một James Rodriguez dè dặt và ít nói.

Trong trí nhớ của anh, Colombia những năm 90 thế kỷ trước tràn ngập máu và những vụ thanh trừng trên đường phố.

Bóng đá, ma túy cùng các băng đảng Mafia ở Colombia có mối liên hệ kỳ lạ. Pablo Escobar, trùm ma túy từng tài trợ cho nền bóng đá nước này, bị giết. Nửa năm sau, tới lượt Andres Escobar, đội trưởng đội tuyển quốc gia Colombia bị bắn chết trên đường phố vì bàn phản lưới nhà nổi tiếng vào ở World Cup 1994.

Cái chết của hai Escobar gây rúng động Colombia. Nhưng bi kịch với James của chúng ta chỉ mới bắt đầu.

Một năm sau cái chết của Andres Escobar, chú của James Rodriguez trở thành nạn nhân thứ hai. Arley Rodriguez, tài năng trẻ 19 tuổi đầy hứa hẹn của CLB Independiente Medellin, bị bắn 6 phát đạn vào người khi đang trên đường rời bệnh viện.

Arley và người bạn của mình đến bệnh viện để chữa trị vết thương, sau khi chống trả một băng đảng cố gắng cướp xe của họ. Khi cả hai rời bệnh viện, bọn cướp đã chờ sẵn.

"Đầu tiên là Andres, giờ tới Arley. Không ai biết cầu thủ Colombia nào sẽ là nạn nhân tiếp theo" , cựu cầu thủ Juan Pablo Angel, người từng chơi cho Aston Villa, nói.

Đó là cơn bão kinh khủng quét qua làng bóng đá Colombia. James Rodriguez khi ấy chỉ mới 4 tuổi. Vào thời điểm chú Arley bị giết, cả gia đình kỳ vọng James sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, vì tiềm năng của anh là quá lớn.

Diego Norona, đồng đội cũ ở đội trẻ Tolimens, bảo ban đầu anh thường được giao trọng trách đá phạt. Nhưng khi thấy James thực hiện nó vài lần, Diego đã không nghi ngờ gì về việc sẽ trao nhiệm vụ (sút phạt) đó cho James, vĩnh viễn.

Những quả sút phạt thần sầu với quỹ đạo bóng lượn cong vào góc xa đã trở thành thương hiệu của James Rodriguez ngay từ lúc đó. "Mọi người đều nhanh chóng hiểu, James là một đứa trẻ đặc biệt ", Diego Norona kể lại.

Nhưng không có thiên tài nào không có điểm yếu. Tuổi thơ được đắp đầy bởi tình thương của người cha dượng không thể khiến James hoạt bát hơn so với chúng bạn. James từng chơi cho một CLB của Colombia tên Tolimense trong vòng 4 năm (2001-2004) và họ đã phải nhờ tới bác sỹ tâm lý để chữa bệnh nhút nhát cho James.

"Bác sỹ tâm lý đã đến, chỉ vì thằng bé quá rụt rè và nhút nhát ", cựu HLV Tolimense Jose Cortes kể lại.

Lên 11, James vô địch Ponyfutbol Cup - giải trẻ hàng đầu Colombia. Cầu thủ sinh năm 1991 ghi 13 bàn sau 9 trận, bao gồm hai quả đá phạt góc thành bàn trong trận chung kết. Cậu bé nhút nhát ngày nào đã để đôi chân tài hoa lên tiếng.

Chứng kiến màn trình diễn của James, Gustavo Adolfo Upegui, chủ tịch CLB Envigado FC, bạn thân của Pablo Escobar, thốt lên: "Chúng ta phải ký hợp đồng với cậu bé này ".

Upegui Lopez chính là người đã trao cơ hội đầu tiên cho James trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Đến lúc này, bi kịch thứ hai ập đến. Tháng 7/2006, 35 ngày sau khi chứng kiến viên ngọc mình phát hiện có trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên, Upegui Lopez bị sát hại ngay tại trang trại của mình, bởi một nhóm sát thủ gồm 8 người.

"Những ngày tồi tệ bao trùm lên CLB của chúng ta. Cỏ xanh không có, chỉ cát bụi mù mịt và những điều tồi tệ lảng vảng xung quanh ", Edgar Ramirez, HLV trưởng Envigado, nhớ lại.

Đó là thời điểm James Rodriguez chỉ mới 14 tuổi, nhưng đã ghi tới 9 bàn sau 22 trận ra sân, giúp Envindago thăng hạng. Viên ngọc của bóng đá Colombia đứng trước nguy cơ lụi tàn.

Với một cậu nhóc chập chững bước vào đời cầu thủ chuyên nghiệp, đó là một cú sốc quá lớn. May mắn thay, CLB Banfield trong một lần chứng kiến tiềm năng cực lớn của James đã không ngần ngại đưa anh về.

Để vượt qua cú sốc, không cách nào hơn là hòa mình vào những trận bóng trên sân cỏ. Cho tới khi James sang Porto với giá kỷ lục 10 triệu USD, rồi sau này là AS Monaco (cũng với số tiền kỷ lục 45 triệu euro), người Banfield luôn coi James như một vị thánh, người đã đem lại mốc son đầu tiên và cũng là cuối cùng của CLB cho tới lúc này.

Các CĐV của Banfield gọi anh là "James Bond" của họ, vì biệt tài một mình thay đổi trận đấu. Vì những cú sút phạt thần sầu, những pha bóng ma thuật trên sân cỏ. James ghi 9 bàn sau 38 trận trong mùa giải 2009/2010, giúp Banfield có chức vô địch quốc gia Argentina duy nhất trong lịch sử.

Sau Envindago là Banfield. Anh đá như James Bond trong những bộ phim giải cứu thế giới, nhưng tên anh là James Rodriguez.

Dù vậy, khởi đầu của "James Bond " ở CLB Argentina không hề đơn giản. Thay vì tên trên áo đấu hay cái biệt danh tên điệp viên hấp dẫn, HLV trưởng Jorge Burruchaga quyết định gọi James Rodriguez bằng cái tên “thằng nhóc từ Colombia”, như một tính từ ám chỉ những điều không mấy tốt đẹp.

Cho tới trước khi bị thay bởi HLV Julio Cesar Falcioni (người sau này giúp Banfield vô địch và đi vào lịch sử), ông Jorge Burruchaga bộc lộ rõ việc không thích thú gì với một thằng nhóc James có lối chơi khéo léo từ Colombia.

Ngay cả khi anh thực hiện một siêu phẩm vô lê ở đội trẻ, giống tương tự bàn thắng vào lưới Uruguay ở World Cup 2014.

Nhận đường chuyền bổng của đồng đội, James hãm ngực, khống chế một nhịp rồi xoay người rất nhanh bắt vô-lê. Trái bóng đi vừa đủ vượt khỏi tầm với của thủ môn Uruguay, đập nhẹ vào mép dưới xà ngang rồi vào lưới."Một bàn thắng chỉ thường thấy ở những thiên tài ", Arsene Wenger, người khi đó đang làm bình luận viên cho kênh truyền hình beIN Sports (Pháp) thốt lên.

Trang thể thao Sportskeeda chọn bàn thắng kể trên nằm trong top 40 bàn thắng đẹp nhất lịch sử World Cup. Nó cũng được chọn trở thành bàn thắng đẹp nhất năm 2014 của FIFA, vượt qua cả cú đánh đầu siêu đẳng người Hà Lan bay Robin Van Persie trong trận gặp Tây Ban Nha.

Năm đó, James còn thâu tóm luôn danh hiệu bàn thắng đẹp nhất giải, vua phá lưới (6 bàn sau 5 trận).

Phẩm chất thiên tài đó đưa tiền vệ người Colombia đến Real Madrid. Chủ tịch Florentino Perez có niềm tin chắc nịch rằng James sẽ trở thành Galaticos thế hệ 2.0 của Real, đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ 20 và vừa có cú Decima (chức vô địch Champions League thứ 10) lịch sử.

Đẹp trai, tài năng và sở hữu những khoảnh khắc để đời, James khiến Real bỏ ra 63 triệu bảng mang anh về từ AS Monaco, trở thành cầu thủ Colombia đắt giá nhất mọi thời đại. James cũng là cầu thủ đắt thứ 4 thế giới khi đó, sau Gareth Bale, Cristiano Ronaldo và Luis Suarez.

3 năm ở Real mang lại nhiều cảm xúc trái ngược. Anh đã vô địch La Liga, 2 lần lên ngôi ở Champions League, nhưng chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu thương và tầm quan trọng. Cristiano Ronaldo vẫn là vua, Gareth Bale vẫn nhận được hy vọng.

Khát khao chứng tỏ giúp James kiếm được một bản hợp đồng sang Bayern theo dạng cho mượn 2 mùa giải, kèm điều khoản mua đứt. Bayern thất bại ở bán kết Champions League trước chính Real, nhưng James đã có một mùa giải thành công hơn mong đợi.

Bất chấp việc Carlo Ancelotti, người trực tiếp mang anh về bị sa thải chỉ sau 3 tháng đầu của mùa giải, James vẫn về đích với tư cách một trong những ngôi sao ấn tượng nhất Bayern.

39 trận, 8 bàn thắng và 14 pha kiến tạo, ngôi sao người Colombia trở thành phần quan trọng của Bayern Munich. James ra sân ở mọi trận đấu của Bayern tại Champions League, trở thành người có thành tích kiến tạo tốt thứ 3 ở Bundesliga, chỉ kém Thomas Müller và Philipp Max.

Tỷ lệ chuyền bóng chính xác lên tới 89,5% của James được trang chủ Bundesliga đánh giá là “của hiếm” khi mùa giải kết thúc, bởi anh thường nhận bóng trước vòng cấm đối thủ, và hay thực hiện những đường chuyền có độ khó cao.

"James giờ là cầu thủ quan trọng với Bayern", cựu HLV "Hùm xám" Jupp Heynckes nói khi mùa giải năm nay kết thúc. Sau đó, đích thân cầu thủ 26 tuổi tuyên bố muốn ở lại Bayern Munich, bằng một bản hợp đồng mua đứt.

Muốn được như vậy, không có gì tốt hơn là thêm một màn trình diễn hảo hạng nữa ở World Cup. 4 năm trước trên đất Brazil, James Rodriguez đã ghi dấu ấn trên bản đồ bóng đá thế giới. Đó cũng là giải đấu mà đội tuyển Colombia ghi dấu rực rỡ nhất, sau hàng nhiều năm.

4 năm sau nhiều thứ đã thay đổi, chỉ có tài năng thiên bẩm của anh còn ở lại, và khát khao thể hiện mình vẫn còn nguyên

Vũ Duy
Đồ họa: Nhân Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/james-rodriguez-dung-goi-la-james-hay-goi-anh-la-bond-post847348.html