JCCI: Việt Nam cần thu hút các tập đoàn 'ong chúa' từ Nhật Bản

Ông Takahisa Onose, Trưởng ban Tài chính - Thuế - Hải quan của JCCI, kỳ vọng Chính phủ mới của Việt Nam sẽ tạo nên 'bước nhảy vọt' về chính sách thu hút FDI trong 5 năm tới.

Ông Takahisa Onose, Trưởng ban Tài chính - Thuế - Hải quan của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCI), đã có 10 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn và thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Ông Takahisa Onose cũng là phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) và là chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng. Mới đây, ông có buổi trò chuyện với Zing và chia sẻ về những kỳ vọng mà doanh nghiệp Nhật Bản dành cho Chính phủ mới của Việt Nam.

Cần có "bước nhảy vọt"

- Dưới góc độ là một người trực tiếp tham gia vào hoạt động thu hút vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam 5 năm qua trong việc tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản?

- Trong 5 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ cũ đã làm rất tốt trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn. Nhờ điều này, chúng tôi đã thành công trong việc mời rất nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản qua Việt Nam để kinh doanh.

Mặc dù vậy, cũng cần thẳng thắn rằng chúng ta không nên hài lòng quá sớm với những kết quả này. So với các quốc gia trong khu vực, chúng ta vẫn còn đứng sau Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore.

Chính vì vậy, tôi kỳ vọng Chính phủ mới sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng đó và đồng thời có những chính sách mới để đẩy mạnh tốc độ phát triển của nền kinh tế một cách đột phá hơn.

- Theo ông, nền chính trị ổn định và sự cởi mở của Chính phủ đóng vai trò như thế nào trong thu hút dòng FDI?

- Việt Nam là một quốc gia có nền chính trị rất ổn định so với nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Philippines hay Myanmar. Các chính sách, bộ luật về thuế, đầu tư được duy trì và ngày một minh bạch hơn. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, sự ổn định trong các chính sách về đầu tư có vai trò rất quan trọng trong hoạt động phát triển kinh doanh của họ.

Ông Takahisa Onose kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tạo nên một bước "nhảy vọt" trong 5 năm tới cho nền kinh tế. Ảnh: Phương Lâm.

Đây là một cơ sở quan trọng khiến tôi có niềm tin về sự phát triển ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cần phải duy trì những chính sách ổn định này để tăng cường niềm tin đối với các nhà đầu tư.

Nhìn sang những nền kinh tế lớn trong khu vực ASEAN, họ phát triển hơn Việt Nam là do họ bắt đầu sớm hơn chúng ta. Chính vì vậy, ngay thời điểm này, Việt Nam cần phải suy nghĩ làm sao để bắt kịp họ ngay cả khi xuất phát điểm của chúng ta ở sau những quốc gia này rất nhiều.

Tôi hy vọng Chính phủ mới sẽ tạo ra một bước nhảy vọt trong 5 năm tới. Duy trì mức độ tăng trưởng ổn định là điều phải làm, song cũng cần tạo ra những phát triển đột phá về chính sách.

Cần khẳng định, 2021 là một cơ hội hiếm có của Việt Nam trong việc tạo ra sự phát triển đột phá. Trong khi các nền kinh tế khác vẫn đang phải xoay xở với những tác động tiêu cực của dịch bệnh thì Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Chính phủ mới.

Với những kinh nghiệm về phát triển kinh tế, tôi tin rằng tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đưa ra nhiều thay đổi lớn trong thời gian sắp tới.

- Việc kiềm chế tương đối thành công đại dịch Covid-19 có tác động như thế nào đến hình ảnh của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài?

Nhìn lại đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về kiểm soát dịch bệnh. Định hướng của Chính phủ Việt Nam đối với dịch Covid-19 rất đặc biệt. Trong khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đang cố gắng sống chung với dịch bệnh thì Việt Nam lựa chọn phương án loại bỏ Covid-19.

Đây là lý do mà chúng ta có thể ngồi đây, trò chuyện với nhau mà không cần phải đeo khẩu trang, các hoạt động kinh tế trong nước phần lớn vẫn diễn ra một cách bình thường.

Nhìn từ một quốc gia khác dưới góc độ đầu tư, có thể nói Việt Nam là "thiên đường" giữa đại dịch. Vấn đề của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là họ không biết khi nào Việt Nam mới mở cửa trở lại cho việc di chuyển giữa các quốc gia diễn ra thuận lợi hơn.

- Nói về vấn đề "mở cửa" với các nhà đầu tư, ông đánh giá thế nào về đề xuất áp dụng hộ chiếu vaccine tại Việt Nam?

- Ở góc độ kinh doanh, thời gian cách ly 14 ngày là trở ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, là một người đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, tôi cho rằng quy định cách ly đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo môi trường sống an toàn trong nước.

Việc cho phép người sở hữu hộ chiếu vaccine nhập cảnh mà không cách ly có thể mang đến nguy cơ nhiễm bệnh cao đối với những người chưa được tiêm vaccine tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều khiến tôi lo ngại nhất là nếu Việt Nam tiếp tục đóng cửa, thị trường sẽ không đủ lớn để các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh của mình.

Hướng đến một nền kinh tế trưởng thành hơn

- Hiện tại, đâu là những trở ngại lớn của doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam thưa ông?

- Một trong những vấn đề hiện nay mà các doanh nghiệp Nhật nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung đang gặp phải là quản trị tài nguyên. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, để thực hiện một dự án đầu tư, họ phải cử người lao động sang trước và và để phát triển quy mô kinh doanh, họ cũng phải tuyển thêm người lao động.

Tuy nhiên, hiện nay chính phủ Việt Nam đang thắt chặt hoạt động tuyển dụng của các doanh nghiệp nước ngoài thông qua vấn đề cấp giấy phép lao động. Không ít người đang cảm thấy e ngại trong việc đăng ký lại giấy phép lao động vì nhiều rủi ro, gây khó khăn cho các nhà đầu tư mới khi bước vào thị trường.

Có thể hiểu rằng Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy tỷ lệ người lao động Việt Nam trong các công ty nước ngoài. Điều này có thể hỗ trợ phần nào trong việc giải quyết vấn đề việc làm trong nước về ngắn hạn.

Các doanh nghiệp đều hiểu rõ chi phí của việc tuyển dụng nguồn lao động nước ngoài rất đắt đỏ, cao hơn gấp nhiều lần so với tuyển dụng nội địa. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang rất nỗ lực trong việc tuyển dụng lao động nội địa. Thực tế, có nhiều vị trí trong doanh nghiệp cần đến đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chuyên môn cao được đào tạo từ Nhật Bản.

Về dài hạn, nếu việc tuyển dụng nhân lực từ Nhật Bản gặp khó khăn, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc lại ý định đầu tư vào Việt Nam của họ. Sự mở rộng quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp trong nước.

- Các chính sách về thuế của Việt Nam hiện nay có hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài?

- Sau 10 năm làm việc tại đây, tôi phải khẳng định rằng các bộ luật, quy định về thuế của Việt Nam ngày càng trở nên rõ ràng và minh bạch hơn, đây là một điểm rất tích cực về môi trường đầu tư.

Đại diện JCCI khuyến nghị Việt Nam cần có những ưu đãi riêng để thu hút các tập đoàn lớn tiến vào thị trường. Ảnh: Quỳnh Danh.

Mặc dù vậy, thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam còn khá cao, lên đến 35%. Việt Nam đã cố gắng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% song thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn cao hơn so với các nước láng giềng như Malaysia hay Singapore.

Chính vì vậy, tôi hy vọng chính phủ mới cũng sẽ cân nhắc thêm về việc giảm thuế TNCN. Bên cạnh đó, thuế thu nhập đặc biệt cũng là vấn đề đáng cân nhắc trong thời gian tới.

- Theo ông, Chính phủ mới cần làm gì để nâng cao giá trị của Việt Nam trên chuỗi cung ứng toàn cầu?

- Trong năm 2020, EY và Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư) ký biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy cơ hội của các nhà đầu trên toàn thế giới có mong muốn đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Chúng tôi luôn thảo luận với Cục Đầu tư Nước ngoài về việc làm sao để thu hút các nhà đầu tư từ Nhật Bản, đặc biệt là những tập đoàn lớn hay còn được gọi là những "ong chúa". Sự xuất hiện của các tập đoàn này tại một quốc gia sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của họ.

Để mời các doanh nghiệp lớn này đến Việt Nam, chúng ta cần phải khích lệ họ mà chủ yếu là thông qua những ưu đãi về thuế. Việt Nam cần cho họ lý do để dịch chuyển đến đây thay vì tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng của họ ở các thị trường quen thuộc.

Có rất nhiều "ong chúa" từ Nhật đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên họ vẫn đang kỳ vọng Chính phủ có thêm nhiều khuyến khích đặc biệt dành cho những doanh nghiệp này trong việc xây dựng nhà máy tại đây.

Vào thời điểm tôi chuyển đến Việt Nam, các doanh nghiệp nhật đến đây chủ yếu đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tuy nhiên hiện nay họ đã bắt đầu mở rộng các lĩnh vực sang những ngành đòi hỏi tính chuyên môn, công nghệ và tay nghề cao hơn như sản xuất công nghệ cao.

Malaysia hay Indonesia là những nền kinh tế trưởng thành hơn nhiều so với Việt Nam, họ có lợi thế về hạ tầng của chuỗi cung ứng dù chi phí nhân công, nhà xưởng, nguyên liệu... cao hơn chúng ta.

Chính vì vậy, Việt Nam cần có sự chuẩn bị toàn diện để cho thấy mức độ sẵn sàng trong việc đón nhận dòng vốn FDI trong thời gian sắp tới.

Hà Bùi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/jcci-viet-nam-can-thu-hut-cac-tap-doan-ong-chua-tu-nhat-ban-post1202142.html