Jemaah Islamiyah vẫn là mối đe dọa khủng bố lớn nhất Đông Nam Á

16 năm sau khi gây ra vụ đánh bom Bali khiến hơn 200 người thiệt mạng, nhóm cực đoan Jemaah Islamiyah (JI) có liên kết Al-Qaeda vẫn là nhóm khủng bố lớn nhất và đáng sợ nhất ở Đông Nam Á hiện nay. Mặc dù đã bị sa sút từ năm 2009 sau cái chết của nhà lãnh đạo chủ chốt và việc nhiều thành viên bị bắt giữ, JI vẫn gây ảnh hưởng lớn. Sự nổi lên của nhóm Hồi giáo IS kể từ năm 2014 là điều kiện thuận lợi cho JI, vì IS đã thu hút sự chú ý của bộ máy an ninh, cho phép JI mở rộng địa bàn, đặt ra mối đe dọa cho nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Indonesia. Các thủ lĩnh chủ chốt của nhóm tin rằng, JI đang ở trong trạng thái sẵn sàng để tiến lên.

Abu Bakar Bashir, thủ lĩnh tinh thần của Jemaah Islamiyah. Ảnh: Long War Journal

JI hồi sinh

Ngày nay, khu vực trọng điểm chính của JI là Indonesia. Tuy nhiên, nhóm vẫn giữ mối liên kết với các nhóm và cá nhân ở Philippines (như Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) và Tập đoàn Abu Sayyaf), ở Thái Lan (nhóm Gerakan Mujahidin Islam Pattani) và Malaysia (nhóm Kumpulan Mujahidin Malaysia) thông qua mạng lưới khu vực.

Khu vực Đông Nam Á được chia thành 3 chức năng: đào tạo ở Philippines, gây quỹ ở Malaysia và Singapore, tổ chức các hoạt động ở Indonesia. JI thu hẹp khu vực hoạt động là do sự thành công của hệ thống an ninh Đông Nam Á trong việc xóa bỏ mạng lưới thông qua các vụ bắt giữ các thủ lĩnh của nhóm cũng như việc tiêu diệt và giam giữ các thành viên trong khoảng thời gian 2002-2009. Hơn 150 tên bị giết và 1.500 tên bị giam giữ, chỉ riêng ở Indonesia.

Tuy nhiên, JI thành công trong việc hồi sinh và duy trì do một số lý do. Đầu tiên là sự tồn tại liên tục của các thủ lĩnh Al-Qaeda và JI. Bất chấp cái chết của Osama bin Laden, Ayman Zawahiri đã tiếp quản vai trò thủ lĩnh, cũng giống như thời hậu Abdullah Sungkar, các thủ lĩnh JI như Abu Bakar Bashir, Abu Rusydan, Zarkasih và Adung tiếp tục hoạt động. Chỉ có Abu Bakar Bashir gia nhập IS và hiện đang bị giam giữ. Hầu hết các thành viên JI vẫn trung thành với Al-Qaeda và nhiều tên đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Jabhat al-Nusra.

“Hệ thống” JI

Sự hiện diện liên tục của “hệ thống” JI là chìa khóa cho sự lớn mạnh của JI tại Indonesia ngày nay. Đầu tiên, các thủ lĩnh JI tiếp tục tuân theo các nguyên tắc cơ bản và PUPJI (hiến pháp của JI) vẫn là hướng dẫn quan trọng cho các hoạt động của JI. Hội đồng Shura (hội đồng quản trị) của JI vẫn nhóm họp thường xuyên một cách bí mật.

JI liên tục có tiểu vương. Một sự bất thường là hiện nay, JI có hai tiểu vương, một tiểu vương danh nghĩa và một người khác được công khai chào đón như là thủ lĩnh JI. Trong khi thủ lĩnh quân đội của JI được cho là Muhammad Khoirul Aman (còn gọi là Ustad Batar), người bị bắt vào năm 2017, kể từ năm 2009, tiểu vương JI được cho là Para Wiyanto, nhân vật cao cấp có quan hệ chặt chẽ với các thủ lĩnh như Hambali, Azahari, Dulmatin và Umar Patek. Có nguồn gốc từ Kudus và được đào tạo ở Mindanao, miền nam Philippines, Para Wiyanto được giả định là tiểu vương của JI hiện nay.

Truyền bá tư tưởng

Theo Diplomat, JI vẫn tích cực trong việc truyền bá tư tưởng và ý thức hệ của mình thông qua các trường nội trú tôn giáo, nhà thờ Hồi giáo, các tổ chức giáo dục và các nhà xuất bản. JI cũng được hỗ trợ bởi nhiều tổ chức giáo dục và nghiên cứu khác nhau.

Theo Sofyan Tsauri, JI đã đưa lời khuyên của Osama bin Laden vào tim. Cựu thủ lĩnh Al-Qaeda được cho là đã nói rằng nơi các chiến binh chiến đấu là ở các nước Hồi giáo, họ nên tiếp tục cuộc đấu tranh đến cùng. Tuy nhiên, ở các nước Hồi giáo chưa có “mặt trận thánh chiến”, các viện nghiên cứu nên giáo dục về tinh thần thánh chiến và trở thành người ủng hộ chủ yếu của tư tưởng này để đấu tranh, kể cả ở Indonesia ngày nay.

JI cũng điều hành nhiều nhà xuất bản và các phương tiện truyền thông. Hai trong số các ấn phẩm chính là Risalah Mujahideen và Symina, được xuất bản thường xuyên ở Jogjakarta và Kudus. Ar-Rahmah.com cũng là một trang web trực tuyến liên kết với JI, tuyên truyền các quan điểm hướng đến Al-Qaeda và JI.

JI cũng hoạt động trên mặt trận nhân đạo, hỗ trợ các tổ chức có cùng tư cách và những người Hồi giáo đang cần hỗ trợ. Trong số đó coa Hilal Ahmar Society Indonesia, hoạt động ở Trung Đông. Mỹ đã đưa tổ chức này vào nhóm có liên kết với Al-Qaeda và JI. JI cũng hỗ trợ nhân đạo những người chiến đấu ở những khu vực mà Jabhat al-Nusra đã hoạt động. Một nhóm nhân đạo hoạt động liên quan đến JI khác là Lembaga Kemanusian One Care.

JI luôn có một cánh quân sự, với nhiều thành viên tham gia vào nhiều vụ đánh bom khác nhau ở Indonesia từ năm 2000 đến 2009. Sau cuộc đàn áp của lực lượng an ninh Indonesia, các yếu tố quân sự đã không bị hủy bỏ mà chỉ đơn thuần là “không hoạt động” cho đến khi được yêu cầu tái xuất. Từ năm 2009, các thành viên quân sự của JI chỉ tham gia vào chiến đấu bên ngoài Indonesia, phần lớn ở Philippines, Iraq và Syria. Với việc bắt giữ Khoirul Aman vào năm 2017, Abu Husna và Abdul Manap là những thủ lĩnh quân sự chủ chốt của nhóm. JI tuyên bố chủ yếu tập trung vào giáo dục và đào tạo, chứ không phải bạo lực, song cũng cảnh báo rằng JI sẽ chỉ hòa bình “đến một điểm” và không nên bị khiêu khích.

Hưởng lợi từ IS

Cuối cùng, một yếu tố quan trọng dẫn đến sự mạnh lên của JI là phản ứng dữ dội đối với IS và hành động bạo lực của nhóm này ở Trung Đông, Đông Nam Á nói chung và Indonesia nói riêng.

Philippines được xem là tâm điểm các hoạt động của IS ở Đông Nam Á, rõ ràng nhất là cuộc vây hãm Marawi từ tháng 5 đến 10-2017 khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại lớn cho thành phố. Vì IS là quan trọng nhất đối với các nhà hoạch định an ninh, JI có cơ hội vận hành một cách hiệu quả. Một số cơ quan an ninh Indonesia cũng tin vào việc sử dụng JI để chống lại IS, như một phần của sự cân bằng quyền lực. Khi JI tiếp tục có một số lượng lớn các tù nhân khủng bố đang ngồi tù hoặc những người đã được thả, cũng như số lượng lớn các chiến binh được đào tạo và tư tưởng tăng cường về chiến đấu và làm bom, nó vẫn là mối đe dọa chính đối với an ninh Indonesia. Các nhà phân tích Sidney Jones và Rakyan ước JI ngày nay có từ 2.000-3.000 thành viên, cùng với hàng ngàn người ủng hộ.

Rõ ràng, JI có tất cả các điều kiện để phát triển. Những bài học từ quá khứ và tận dụng lợi thế địa chính trị hiện nay với sự tập trung vào IS, JI đã có thể hồi sinh và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Dù JI không phát động một cuộc tấn công lớn nào kể từ năm 2009, các quốc gia trong khu vực nên thận trọng vì tình hình có thể thay đổi nhanh chóng một khi môi trường bạo lực xuất hiện.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_196655_jemaah-islamiyah-van-la-moi-de-doa-khung-bo-lon-nh.aspx