JH-7: 'Nhà máy chế tạo...quả phụ' hay 'Quan tài bay' Trung Quốc?

Tỷ lệ tai nạn 12/300 đã khiến tiêm kích bom JH-7 của Trung Quốc được mệnh danh là 'Nhà chế tạo quả phụ' hay 'Quan tài bay' JH-7A.

Máy bay JH-7A Trung Quốc gặp tai nạn

Chinanews của Trung Quốc ngày 29/3 đưa tin, bình luận về việc gần đây một chiến đấu cơ Trung Quốc gặp nạn, Cục trưởng Cục thông tin, Bộ Quốc phòng Trung Quốc là ông Ngô Khiêm đã nói rằng: “Không quân Hải quân anh hùng, vĩnh viễn không bao giờ gãy cánh!”.

Trong buổi họp báo, giới phóng viên đã đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc về việc một chiến đấu cơ của lực lượng Không quân-Hải quân bị rơi khi đang huấn luyện ở đảo Hải Nam.

Ông Ngô Khiêm đã thừa nhận rằng, chiếc máy bay này đã bị rơi trong khi huấn luyện. Khi máy bay gặp trục trặc, hai phi công Nhậm Vĩnh Đào và Niêm Kim Hâm vì muốn lái máy bay tránh xa khu dân cư, giảm thiểu thương vong cho dân thường nên đã dũng cảm hy sinh.

Vào sáng ngày 12/3, một chiến đấu cơ Trung Quốc không rõ chủng loại đã bị rơi ở cạnh một trường tiểu học của huyện Lạc Đông, đảo Hải Nam khiến 2 phi công thiệt mạng, nhưng không có thương vong dân thường. Nguyên nhân của vụ tai nạn chưa được công bố.

Theo tin của tờ “Đa Chiều”, sự việc chiếc máy bay chiến đấu của Không quân-Hải quân Trung Quốc bị rơi đã thu hút sự chú ý của công luận, bất kể việc Bộ Quốc phòng nước này không công bố loại máy bay gặp nạn và nguyên nhân khiến nó bị rơi.

“Đa Chiều” nhận định rằng, xét đến việc sân bay Lạc Đông hiện chỉ triển khai hai loại máy bay là tiêm kích một chỗ ngồi (một phi công) J-11BH và tiêm kích bom hai người lái JH-7A “Phi Báo” (“Báo bay”), giới phân tích cho rằng, chính “Báo bay” của Trung Quốc đã bị rơi.

Theo một người thân trong gia đình một quân nhân ở huyện Lạc Đông, máy bay gặp nạn chính là chiếc JH-7A, hai phi công thiệt mạng một người sinh năm 1982, người còn lại trẻ hơn 10 tuổi.

Theo “Đa Chiều”, Không quân Trung Quốc trong những năm gần đây đã đẩy mạnh huấn luyện sát với yêu cầu thực chiến, đẩy máy bay và phi công tới cực hạn sự chịu đựng, nên thường xuyên gây ra các tai nạn thương tâm; hơn nữa, tiêm kích bom JH-7A của Trung Quốc còn được mệnh danh là “Nhà chế tạo…quả phụ” (“寡妇制造者”).

Những tai nạn kinh hoàng của tiêm kích bom dòng JH-7

Theo thống kê từ nguồn số liệu công khai, tính từ năm 1988 đến nay, mặc dù tiêm kích bom thuộc dòng JH-7 chỉ sản xuất tổng cộng 300 chiếc nhưng đã bị rơi tới 12 chiếc, làm ít nhất 17 phi công thiệt mạng. Điển hình là một số vụ việc sau:

Ngày 4/4/1994, một nguyên mẫu thử nghiệm JH-7 bị rơi, khiến các phi công bay thử đều thiệt mạng.

Máy bay tiêm kích bom Trung Quốc JH-7A “Phi Báo”

Đầu năm 1996, một chiếc JH-7 của Trung đoàn 16, Sư đoàn 6 Không quân Hải quân đã lao khỏi đường băng với tốc độ cao, sau đó bốc cháy.

Ngày 12/8/1996, tại sân bay Hưng Thành - Liêu Ninh, phi công thử nghiệm Dương Hiểu Bân, hoa tiêu Đường Thuần Văn điều khiển một chiếc JH-7, máy bay bị rơi và lật ngược. Trọng lực khi máy bay rơi và lực quán tính đã khiến toàn bộ nửa người phía trên của 2 phi công bị mài mòn.

Ngày 19/7/2009, trong cuộc tập trận chung Nga-Trung mang tên “Sứ mệnh Hòa bình 2009”, một chiếc tiêm kích bom JH-7A của Trung đoàn 15, Sư đoàn 5 Không quân Trung Quốc đã bị rơi ở Căn cứ Thao Nam - Cát Lâm, cả 2 phi công đều thiệt mạng.

Cũng trong tháng 9/2009, một chiếc JH-7A của Quân khu Nam Kinh cũng bị rơi; phi công ngồi buồng lái trước là Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 83, Sư đoàn 28 Không quân là Dư Bân đã thiệt mạng, phi công ngồi khoang lái sau thoát chết.

Ngày 15/4/2010, một chiếc JH-7A của Sư đoàn 6 Không quân - Hải quân bị rơi, khiến Trung đoàn trưởng Trung đoàn 80, Sư đoàn 6 là Mục Hoa và phi công cấp I Lại Triều Dương thiệt mạng.

Ngày 14/10/2011, phi công thử nghiệm của Không quân Trung Quốc điều khiển 1 chiếc JH-7A trong chuyến bay biểu diễn đã bị rơi. Phi công ngồi khoang trước là Dư Cẩm Vượng thiệt mạng, phi công trong khoang sau thoát chết.

Ngày 07/11/2011, một chiếc JH-7A của Trung đoàn 80, Sư đoàn 6 Không quân Hải quân Trung Quốc bị rơi. Sư đoàn trưởng Sư 6 Diệp Bân và Hoa tiêu cấp I, phó đại đội trưởng Đại đội hoa tiêu Minh Kiện đều thiệt mạng.

Ngày 05/6/2014, một chiếc JH-7A của Trung đoàn 80, Sư đoàn 6 Không quân Hải quân Trung Quốc bị rơi, khiến Thượng úy Hải quân Hoa Bằng và Thiếu TÁ Hải quân Triệu Bằng đều thiệt mạng.

Ngày 22/12/2014, một chiếc JH-7A đã rơi ở Vị Nam-Thiểm Tây, khiến Thượng tá phi công không quân Lư Chí Vĩnh, thuộc biên đội máy bay chiến đấu đầu tiên trên hàng không mẫu hạm, cùng phi công thử nghiệm các thiết bị hoa tiêu trên máy bay là Ôn Trí Bình thiệt mạng.

Ngày 22/10/2016, một chiếc JH-7A đã bị rơi ở Quảng Tây, hai phi công đều sống sót.

Ngày 12/3/2019, 1 chiếc JH-7A rơi ở Lạc Đông - Hải Nam khiến 2 phi công thiệt mạng.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/jh-7-nha-may-che-taoqua-phu-hay-quan-tai-bay-trung-quoc-3377277/