Joaquin 'El Chapo' Guzman – tên tội phạm siêu đào tẩu (Phần 7)

Với những thủ đoạn tinh vi, băng nhóm của ông trùm Joaquin 'El Chapo' Guzman đã thống trị thị trường buôn lậu ma túy từ Mexico sang Mỹ và kiếm được khoản lợi khổng lồ, khiến ông ta từng có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Guzman là một cái tên khét tiếng không chỉ ở Mexico mà còn trên thế giới. Ông ta là người đứng đầu băng nhóm Sinaloa, chuyên buôn lậu ma túy thu lợi hàng tỷ USD.

Thủ đoạn buôn lậu

Theo bài viết của NY Times năm 2012, Băng nhóm Sinaloa có thể mua một kg cocaine ở vùng cao nguyên Colombia hay Peru với giá khoảng 2.000 USD và bán một kg đó với giá hơn 10.000 USD tại Mexico. Khi chuyển sang biên giới Mỹ, giá bán buôn được đội lên đến 30.000 USD/kg. Còn nếu bán lẻ theo gram thì một kg có thể thu về 100.000 USD.

Ban đầu, tổ chức của Guzman chỉ kiểm soát một tuyến đường buôn lậu duy nhất, từ tây Mexico vào Arizona, Mỹ. Nhưng đến năm 1990, băng nhóm đã tuồn được ba tấn cocaine mỗi tháng qua biên giới đến Los Angeles.

Dùng máy bay riêng để chở ma túy

Dùng máy bay riêng để chở ma túy

Các đầu mối cocaine Colombia chuyển hàng sang Mexico bằng máy bay riêng và hành lý lậu trên các chuyến bay thương mại. Để chuyển từ Mexico sang Mỹ, chúng sử dụng tàu container, tàu đánh cá, ca nô cao tốc và tàu ngầm.

Những con tàu có giá trị lớn nhưng những kẻ buôn lậu có thể dễ dàng vứt bỏ chúng trong trường hợp nguy hiểm. Có lần, nếu bị lực lượng tuần duyên đánh chặn, một tên trên tàu sẽ kéo đòn bẩy, khiến nước tràn vào trong tàu để cuốn trôi đi bằng chứng. Thủy thủ đoàn thoát ra ngoài, chờ đợi các nhà chức trách cứu lên.

Ngoài cocaine, cần sa được coi là hái ra tiền với các băng nhóm Mexico do nguồn hàng có sẵn trong nước và không cần xử lý. Tuy nhiên, nó cồng kềnh và dễ phát hiện hơn cocaine. Vì thế, băng nhóm phải lẩn tránh các điểm kiểm tra của giới chức. Chúng làm cầu bao cát qua sông Colorado, và thậm chí còn dùng máy phóng để phóng những kiện cần sa từ Mexico sang Arizona, Mỹ.

Những năm 1990, khi thị trường methamphetamine bùng nổ tại Mỹ, băng nhóm Sinaloa đã nhanh chóng khai thác nguồn lợi này. Methamphetamine có thể được sản xuất với giá rẻ và nhập lậu tương đối dễ dàng.

Ban đầu, băng nhóm Sinaloa giao hàng mẫu miễn phí cho khách buôn. "Nếu họ chuyển hơn 200 kg cần sa, thì họ sẽ 'tặng' thêm hai kg methamphetamine miễn phí", Jack Riley, đặc vụ Cơ quan Bài trừ Ma túy (DEA) cho biết. "Chúng chào mời để có thị trường. Khi nhu cầu tăng lên thì chúng xây dựng các phòng điều chế công suất lớn hơn".

Khối lượng ma túy khổng lồ của băng tội phạm khét tiếng do Guzman cầm đầu

Đóng góp lớn nhất của Chapo với đế chế buôn ma túy là đường hầm. Vào cuối những năm 1980, Chapo thuê một kiến trúc sư thiết kế một lối đi ngầm từ Mexico sang Mỹ. Một vòi nước tưởng như bình thường ở bên ngoài một căn nhà ở thị trấn biên giới Agua Prieta thực chất là đòn bẩy bí mật, dùng để kích hoạt một hệ thống thủy lực, mở ra cửa sập ẩn bên dưới bàn billard trong nhà. Lối đi dẫn sang một nhà kho tại Douglas, Arizona.

Khi đường hầm bị phát hiện, Guzman chuyển chiến thuật bằng cách ngụy trang ma túy là ớt và hạt tiêu. Ông ta mở một nhà máy đồ hộp ở Guadalajara, cho cocaine vào trong sản phẩm rồi vận chuyển đến cửa hàng tạp hóa Mexico ở California. Ông ta còn nhồi ma túy vào bên trong ngăn làm lạnh của xe tải hay giấu lẫn hàng vào trong cá để qua mặt thanh tra.

Ước tính tài sản

Ước tính quy mô đế chế ma túy của Guzman là một việc khá khó khăn. Thống kê về thế giới ngầm chủ yếu chỉ mang tính suy đoán. Băng nhóm Sinaloa không có báo cáo tài sản hàng năm và cũng không có kiểm toán viên kiểm tra sổ sách. Thay vào đó, các chuyên gia phải tính toán dựa trên số liệu phỏng đoán, phần nhiều được các cơ quan chính phủ cung cấp.

Khi tạp chí Forbes đặt Guzman ở vị trí 701 trong danh sách của những người giàu nhất thế giới năm 2009, khiến Chính phủ Mexico đã rất giận dữ. Tổng thống Felipe Calderon lên án việc này, nói rằng đây không chỉ là hành vi "công kích và nói dối về tình hình ở Mexico, mà còn là ca ngợi tội phạm".

Tên trùm ma túy Guzman đi lại bằng máy bay riêng

Forbes cho biết họ định giá tài sản của Guzman bằng cách tương tự như khi họ định giá tài sản của những người đứng đầu doanh nghiệp tư khác. Họ phỏng vấn chuyên gia, các quan chức chính phủ và các học giả am hiểu việc kinh doanh của El Chapo.

Guzman vẫn tiếp tục có mặt trong danh sách của tạp chí những năm sau đó. Guzman cũng đứng thứ 63 và 67 lần lượt trong hai năm 2012 và 2013 trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới.

Có sự chênh lệch khi tính toán tài sản của băng nhóm tội phạm. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các băng nhóm Colombia và Mexico thu về 18 - 39 tỷ USD/ năm từ việc buôn ma túy tại Mỹ. Còn theo cơ quan nghiên cứu độc lập RAND, tổng doanh thu mà các băng đảng Mexico kiếm được từ việc này là khoảng 6,6 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, theo hầu hết các ước tính thì Sinaloa rõ ràng là một thế lực khổng lồ trong thị trường chợ đen toàn cầu. Nhóm này thống trị khoảng 40 - 60% thị trường, hưởng doanh thu hàng năm khoảng 3 tỷ USD. Ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhóm vẫn phát triển mạnh. "Dù ở bất cứ đâu, Guzman luôn nói về việc kinh doanh ma túy", một cựu thân tín của ông trùm nói.

Tội ác của tên trùm ma túy

Trong các hoạt động củng cố đế chế của mình, Guzman đã dính dáng trực tiếp hoặc gian tiếp gây ra cái chết của khoảng 70.000 người (theo tạp chí Forbes) từ các vụ bạo lực súng đạn giữa các băng đảng chủ yếu tại Mỹ và Mexico.

Riêng năm 2012, Ủy ban chống Tội phạm của Chicago, có 506 người thiệt mạng trong cuộc chiến giữa các băng đảng có liên quan tới Guzman. Còn theo tờ Time, Guzman là kẻ chịu trách nhiệm cho cái chết của khoảng 34.000 người.

Đặc biệt, vào năm 2006, đã có nhiều cuộc tắm máu giữa quân đội Mexico và các băng đảng trên khắp bang Sinaloa khiến rất nhiều người chết. Chính vì tội ác mà tên trùm ma túy gây ra, sau khi Guzman đào tẩu, chiến dịch săn lùng tên trùm ma túy khét tiếng thế giới đã được mở ra để truy bắt bằng được tên tội phạm ma túy khét tiếng này.

Hòa Thu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/joaquin-el-chapo-guzman-ten-toi-pham-sieu-dao-tau-phan-7-307151.html