Julio López, người 'thổi' hồn thơ vào điêu khắc

Hôm 8-5, nhà điêu khắc đại tài Julio López Hernández, một trong những bậc thầy của nghệ thuật đương đại Tây Ban Nha, đã qua đời ở tuổi 88 tại một bệnh viện ở Madrid sau gần một tháng nhập viện vì cơn đột quỵ.

Theo những đồng nghiệp của Julio, ông sở hữu kho kiến thức khổng lồ về văn học, có lẽ vì vậy, mỗi tác phẩm điêu khắc của ông đều mang “hồn thơ”.

Sinh năm 1930, tại Madrid, từ nhỏ Julio đã được tiếp xúc với các tác phẩm điêu khắc, vì ông nội và cha ông là thợ kim hoàn. Khi đó, Julio cảm thấy điêu khắc là “cơ thể và tinh thần” của mình. Điều này đã biến ông trở thành nhân chứng đặc biệt của cuộc sống ở Madrid thời bấy giờ.

Một nữ sinh, một chú chó đi lạc, một người phụ nữ với chiếc túi... đều có thể trở thành cảm hứng để ông sáng tác. Tuy nhiên, những chủ đề nổi bật nhất trong mọi tác phẩm của ông là về người thân.

Để theo đuổi niềm đam mê của mình, ông bắt đầu theo học hội họa và điêu khắc tại trường Nghệ thuật và Thủ công mỹ nghệ Madrid. Ở tuổi 19, ông chuyển tới trường Mỹ thuật San Fernando. Năm 1962, ông kết hôn với họa sĩ Esperanza Parada (qua đời năm 2011) và có 2 người con gái là Marcela và Esperanza.

Ông trở thành viện sĩ của Học viện Mỹ thuật Hoàng gia San Fernando ở Madrid và là thành viên của Hội đồng Hoàng gia của Bảo tàng Prado.

Julio được các bạn bè miêu tả là “một người vô cùng khiêm nhường nhưng không hề ngây thơ”. Ông Guillermo Solana, Giám đốc nghệ thuật của Bảo tàng Thyssen-Bornemisza miêu tả lại nơi làm việc của Julio là một ngôi nhà nhỏ 2 tầng ở ngoại ô Madrid.

Trong hơn nửa thế kỷ, Julio đã “lấp đầy” nơi đây bằng hàng trăm mô hình điêu khắc hoành tráng, khiến nó “đông đúc” giống như phòng chờ của một nhà ga xe lửa hơn 100 năm trước.

Julio sở hữu kho kiến thức khổng lồ về văn học, có lẽ vậy mà mỗi tác phẩm điêu khắc của ông đều mang “hồn thơ”. Cũng có lần Julio chia sẻ rằng, sự nghiệp của ông gắn liền với thơ ca: “Mỗi khi người con gái lớn của tôi (cô Esperanza López Parada) sáng tác một bài thơ, tôi tự nhiên lại thấy có cảm hứng tạo ta một tác phẩm điêu khắc”.

Các đồng nghiệp của Julio tại Hiệp hội Các nhà điêu khắc và Họa sĩ Tây Ban Nha miêu tả về ông rằng: “Ông ấy là người đã mang sắc đẹp đến cho thế giới”.

Ông là tác giả của một trong những món quà mà Viện Hàn lâm Hoàng gia Tây Ban Nha tặng Hoàng tử Felipe và quý cô Letizia Ortiz trong lễ cưới của họ. Các tác phẩm của ông được hình thành từ nhiều mảnh nhỏ có kích thước tự nhiên. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như “Kho báu của Marcela” (1970), “El Umbral” (1997).

Một tác phẩm của Julio.

Và không thể không kể đến những tác phẩm chính như tượng nhà thơ vĩ đại của thế kỷ XIV Jorge Manrique được đặt tại Paredes de Nava (thuộc tỉnh Palencia của Tây Ban Nha) - quê hương của nhà thơ này; tượng đài nghệ sĩ guitar lừng danh thế kỷ XX Andrés Segovia; tượng đài nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng Federico García Lorca; tượng đài họa sĩ Sebastían Munoz; tượng bán thân nhà chính trị, nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa người Fernando de los Ríos; nhà thơ và nhà văn Gerardo Diego...

Julio là một trong những nhân vật chính của Triển lãm “Realistas de Madrid” (tạm dịch: Những người theo chủ nghĩa hiện thực của Madrid) được tổ chức tại Bảo tàng Thyssen-Bornemisza từ tháng 2 đến tháng 5-2016. Ngoài Julio cùng vợ và anh trai, nhóm “7 con người tuyệt vời” của chủ nghĩa hiện thực, tỏa sáng trong thập niên 50, còn có Antonio López García cùng vợ là bà María Moreno; họa sĩ Isabel Quintanilla (1938-2017) và Amalia Avia (1930 - 2011). Julio giải thích rằng, chủ nghĩa hiện thực là một trong những biểu hiện thực tế của nghệ thuật.

Trong buổi phỏng vấn với hãng tin ABC năm 2016, ông nói: “Ngày nay, chủ nghĩa hiện thực luôn song hành cùng chủ nghĩa trừu tượng. Nó gần như là một loại ngôn ngữ định dạng cho những phong trào nghệ thuật hiện đại. Mặc dù, đã có khoảng thời gian nó bị choáng ngợp bởi sự háo hức và thăng hoa của chủ nghĩa trừu tượng”.

Kể từ sau triển lãm cá nhân đầu tiên được tổ chức vào năm 1955 tại Phòng trưng bày Juana Mordó ở Madrid với 40 tác phẩm điêu khắc, 10 bức vẽ và 30 huy chương, các tác phẩm của Julio được trưng bày tại hầu hết những hội trường quan trọng trên toàn Tây Ban Nha, từ Quỹ Rodríguez Acosta ở Granada đến Ngân hàng tiết kiệm Asturias, Tu viện San Francisco ở Cáceres, Bảo tàng Điêu khắc quốc gia Valladolid, hoặc Phòng trưng bày Leandro Navarro ở Madrid.

Tới năm 1980, Tổng cục Di sản Nghệ thuật, Lưu trữ và Bảo tàng Tây Ban Nha đã đứng ra tổ chức một cuộc triển lãm tại Palacio de Cristal của Công viên Retiro, trưng bày 130 tác phẩm nghệ thuật của Julio được sáng tác từ năm 1954. Năm 2004, các tác phẩm của Julio xuất hiện tại triển lãm được tổ chức tại Italy dành riêng cho nghệ thuật mang tính tượng trưng của thế kỷ XX.

Ngày 21-4-2004, trường Đại học Quốc tế Menéndez Pelayo (UIMP) đã vinh danh nhà điêu khắc cùng toàn bộ các tác phẩm của ông, trao tặng ông Huy chương Danh dự của trường. Và nhà thiết kế của tấm huy chương này chẳng phải ai khác mà chính là Julio.

Năm 2016, ở tuổi 86, ông tổ chức triển lãm cuối cùng của mình, mang tên “El camino inverso”, tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia San Fernando. Buổi triển lãm quy tụ những tác phẩm điêu khắc quan trọng nhất của vị nghệ nhân này.

Ngày nay, tác phẩm của Julio xuất hiện trên nhiều đường phố và địa điểm công cộng tại Tây Ban Nha. Ngoài ra, các tác phẩm của ông còn có thể được tìm thấy tại Bảo tàng Trung tâm Nghệ thuật quốc gia Reina Sofía ở Madrid, Bảo tàng Tiền tệ quốc gia, Bảo tàng Figueira de Foz, Bảo tàng Atheneum Helsinki, Bảo tàng Anh, Bảo tàng Vatican, Bộ sưu tập Quỹ Juan March , Bảo tàng ngoài trời Hakone (Nhật Bản), Bảo tàng Prado, Palais de l'Europe (Strasbourg), Ngân hàng Chase Manhattan (New York), và nhiều nơi khác.

Với sự ra đi của Julio, Tây Ban Nha đã mất đi một nhà điêu khắc hàng đầu và hơn thế nữa, một trong những nhân vật quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện thực và nghệ thuật đương đại.

Hà Linh (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/julio-lopez-nguoi-thoi-hon-tho-vao-dieu-khac-490901/