KĐT Đình Trám: 'Mong người dân hiểu đúng về thu hồi đất'

Lý giải việc chậm giải phóng mặt bằng dự án KĐT Đình Trám - Sen Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho biết nguyên nhân do một số hộ dân hiểu chưa đúng về dự án, đòi hỏi đền bù vượt quá quy định của Nhà nước

Dự án khu B Khu đô thị mới (KĐTM) Đình Trám – Sen Hồ (Bắc Giang) được xem như dự án quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 3 năm, dự án liên tục gặp khó khăn trong quá trình đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB).

KĐT Đình Trám – Sen Hồ.

KĐT Đình Trám – Sen Hồ.

Người dân không đồng ý mức giá bồi thường GPMB thấp

Dự án Khu đô thị Đình Trám – Sen Hồ do Công ty CP xây dựng và Thương mại Lam Sơn làm chủ đầu tư nằm trong danh mục công trình dự án thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt theo Nghị quyết số 10/NQ-/HĐND ngày 10/7/2015; đồng thời nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của huyện Việt Yên đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 10/02/2015 và được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa tại Công văn số 1609/TTg-KTN ngày 08/9/2015. UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định về giá đất bồi thường đối với dự án này.

Một số hộ dân tại thôn Hùng Lãm 2, xã Hồng Thái (huyện Việt Yên) cho rằng chính quyền lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng áp giá bồi thường thấp; Không có đất ở và kinh doanh dịch vụ; Không công khai dự án...

Ông Thân Thế Đọc, người dân thôn Hùng Lãm 2 cho biết: “Giá đền bù đất ở Khu đô thị Đình Trám – Sen Hồ theo quy định của tỉnh là 78.192.000 đồng/sào, theo đúng chế độ chính sách Nhà nước, tuy nhiên với những hộ dân mất 100% diện tích đất thì tôi thay mặt người dân có 2 việc muốn kiến nghị: Một là xem xét giá tiền; Hai là cho chúng tôi có đất dịch vụ”.

Bà Hương, một người dân tại thôn Hùng Lãm 2 - nơi thực hiện dự án cũng chia sẻ: “Ngoài hỗ trợ trong công tác đền bù, GPMB, chủ đầu tư còn hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, đường xá cho bà con, cái này chúng tôi rất hoan nghênh. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn Nhà nước xem xét hỗ trợ thêm cho những hộ mất từ 70 đến 100% diện tích đất trồng lúa để bà con ổn định đời sống, bởi mức hỗ trợ 3,5 triệu đồng/lao động như hiện nay, nói thật, cũng chẳng đáng là bao”.

Về phía xã Hồng Thái, lãnh đạo địa phương cũng không khỏi băn khoăn, trăn trở khi các cấp chính quyền đã làm đủ mọi cách từ vận động, tuyên truyền, giải thích, đối thoại nhưng một số hộ dân vẫn chưa đồng thuận, buộc phải tổ chức cưỡng chế.

Ông Thân Văn Tuy - Trưởng thôn Hùng Lãm 1 cũng bày tỏ: “Theo chính sách cũ thì người dân có đất dịch vụ, còn hiện nay cơ chế đã khác. Tuy nhiên, do một số hộ dân không hiểu nên vẫn chưa có sự đồng thuận”.

“Thực lòng chỉ mong muốn nhân dân hiểu và đồng thuận, vì tất cả các dự án đều có thanh kiểm tra nên chúng tôi không thể làm sai”, ông Thân Quang Phương - Chủ tịch UBND xã Hồng Thái chia sẻ.

“Huyện Việt Yên đã làm đúng quy định pháp luật”

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, huyện Việt Yên đã làm đúng quy trình pháp luật, theo chính sách hỗ trợ, làm hết và làm đúng.

Lý giải việc chậm GPMB, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết nguyên nhân do một số hộ dân hiểu chưa đúng về dự án, đòi hỏi đền bù vượt quá quy định của Nhà nước. Ông Phương phân tích: Đây là dự án do Nhà nước thu hồi đất, do đó không phải thỏa thuận đền bù; Giá đền bù do Hội đồng định giá của tỉnh thẩm định ban hành. Do nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, UBND tỉnh đã giao cho Công ty Lam Sơn làm chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường GPMB, đầu tư cơ sở hạ tầng. Sau khi dự án hoàn thành, nguồn thu ngân sách từ dự án sẽ khấu trừ trả lại phần Công ty Lam Sơn đã đầu tư. Số còn lại được nộp về ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên.

Ông Nguyễn Văn Phương cũng khẳng định hoàn toàn không có việc chính quyền thu hồi lúa non như phản ánh. “Nếu phải cưỡng chế, chúng tôi đều cố gắng tiến hành vào lúc không có lúa và hoa màu, hoặc nếu có thì cũng phải thời điểm thu hoạch được” - ông Phương nói.

Lý giải về giá bồi thường, hỗ trợ GPMB thấp, ông Nguyễn Văn Phương cho rằng như vậy là phù hợp chứ không phải thấp so với làm nông nghiệp. Ông Phương đặt ra mức tính: “Bà con cấy lúa 1 năm sẽ thu về 4 tạ/sào. 10 năm là 4 tấn. Theo mức giá hiện tại thì 50 năm mới thu được 100 triệu. Đấy là chưa kể chi phí đầu tư vào sản xuất”.

Ông Ngô Văn Xuyên – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng mức giá hiện nay là phù hợp bởi mức giá này được xây dựng trên cơ sở khảo sát, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cũng như từng địa bàn cụ thể.

Ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang khẳng định dự án KĐT Đình Trám - Sen Hồ không có tiêu chí đất dịch vụ.

Có hay không đất dịch vụ?

Theo ông Ngô Văn Xuyên, bà con có cái hiểu chưa đúng về Quyết định 211/QĐ- UBND của UBND tỉnh trong việc phê duyệt dự án đầu tư khu B khu đô thị Đình Trám – Sen Hồ là “Nhà đầu tư cam kết thực hiện giao đất dịch vụ cho người dân”.

Trong quá trình thiết lập hồ sơ dự án, 2 xã Hùng Thái và Hoàng Ninh của Việt Yên, trong năm 2004 đến thời điểm triển khai dự án có diện tích đất nông nghiệp rất lớn bị thu hồi. Khi triển khai dự án này có tồn tại của việc giao đất dịch vụ cho bà con bị thu hồi đất của dự án khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp thời gian trước chưa được nhận. Đến khi có dự án này, nhà đầu tư thực hiện chủ trương UBND tỉnh là phải dành ra 1 quỹ đất để giao đất tiêu chí dịch vụ cho nhân dân 2 địa phương xã Hồng Thái và xã Hoàng Ninh khoảng 900 lố đất dịch vụ tiêu chí 72m2.

Trên thực tế cho đến thời điểm này chủ đầu tư đã đầu tư hạ tầng đồng bộ và giao 252 lô đất dịch vụ cho người dân xã Hồng Thái. Còn lại một số diện tích nữa thuộc thôn Hoàng Mai 1,2,3 xã Hoàng Ninh thì cũng đã có trong quy hoạch chi tiết được phê duyệt của khu đô thị này, nhưng do công tác bồi thường GPMB đang thực hiện nên chưa giao cho người dân.

Vậy tại sao không có đất tiêu chí dịch vụ nữa? Ông Xuyên cho biết: “Trước đây thu hồi đất ngoài việc bồi thường hỗ trợ theo giá đất còn có chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng đất ở kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay thực hiện Luật Đất đai năm 2013 việc chuyển đổi nghề được hỗ trợ bằng tiền theo quy định của Chính phủ là từ 2 đến 5 lần giá đất. Đối với tỉnh Bắc Giang, hiện quy định mức hỗ trợ này là 3 lần giá đất, như vậy là phù hợp với điêu kiện kinh tế xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo Sở TNMT Bắc Giang cho rằng, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, tỉnh Bắc Giang đã có chỉ đạo đến các cấp, ban, ngành, ngoài việc vận động tuyên truyền tích cực đến người dân từ phía chính quyền, điều quan trọng nhất là việc người dân cần nhận thức đúng đắn về đường lối, chính sách phát triển đô thị của tỉnh, tạo tiền đề cho một tiếng nói chung thống nhất giữa chính quyền và người dân.

Mặt khác Khu B, Khu đô thị Đình Trám - Sen Hồ là một dự án nằm trong định hướng phát triển lâu dài của tỉnh Bắc Giang do đó vấn đề bồi thường GPMB cần thực hiện nhanh chóng, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Dự án khu B, KĐT mới Đình Trám - Sen Hồ nằm trên địa bàn 2 xã Hoàng Ninh và Hồng Thái, huyện Việt Yên, UBND Tỉnh Bắc Giang giao cho Công ty CPXD&TM Lam Sơn (Gọi tắt là Công ty Lam Sơn) làm chủ đầu tư dự án, thời gian thực hiện từ tháng 3/2013 đến hết tháng 3/2018 và tiếp tục được gia hạn đến năm 2020; Quy mô dự án 121,96ha. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.287 tỷ đồng. UBND huyện Việt Yên đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB 9 đợt, với tổng số diện tích được phê duyệt là 24,65ha, tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ là trên 50 tỷ đồng; Hiện còn trên 20 hộ chưa nhận tiền bồi thường GPMB.

Diệu Hiền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/kdt-dinh-tram-mong-nguoi-dan-hieu-dung-ve-thu-hoi-dat-post273174.info