Kẻ chăn trâu kiệt xuất nhất triều Nguyễn và bài học cho hậu thế

Dù có lúc công danh sự nghiệp rơi vào bước đường cùng, bằng ý chí, nghị lực, Đào Duy Từ đã phát huy tài năng của mình để lưu danh sử sách muôn đời.

Đào Duy Từ (1572-1634) quê ở xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Dù chỉ phục vụ chúa Nguyễn có 9 năm, với những đóng góp to lớn, về sau, Đào Duy Từ được vua Gia Long truy phong là bậc khai quốc công thần số 1 của họ Nguyễn.

Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, dưới thời chúa Trịnh, ông thi hương đỗ Á nguyên khi mới chỉ 21 tuổi. Nhưng sau đó bị triều đình ra lệnh lột mũ, xóa tên bảng vàng vì tội “đổi họ đi thi”, buộc ông phải lặn lội vào Nam lập nghiệp.

Kẻ chăn trâu anh hùng

Ngày mới vào Nam, vì chưa có chỗ trú chân nên Đào Duy Từ phải vào tận Hoài Nhơn (Bình Định) làm nghề chăn trâu cho phú ông. Chính tại đây, trong một lần giao lưu, ông đã bộc lộ được trí tuệ uyên bác của mình, khiến nhiều học giả phải nể trọng, tạo tiền đề cho con đường tiến thân sau này.

Chân dung Đào Duy Từ. Ảnh: Tư liệu.

Chân dung Đào Duy Từ. Ảnh: Tư liệu.

Sách Việt sử giai thoại kể rằng chép rằng một hôm, khi nhà phú nông đang vui vẻ đàm luận kinh sử, Đào Duy Từ dắt trâu về chuồng. Biết đó là đám quan Nho, ông đặt chân lên bậc thềm và nhìn chằm chằm không chào hỏi gì.

Khi bị gia chủ mắng là “kẻ chăn trâu không biết gì”, Đào Duy Từ cười vang rồi nói: “Trong làng Nho cũng có quân tử, cũng có tiểu nhân. Trong bọn chăn trâu cũng có kẻ chăn trâu anh hùng và kẻ chăn trâu tôi tớ”.

Khách nghe Đào Duy Từ đáp như thế rất lấy làm ngạc nhiên, bèn hỏi: “Ngươi bảo ai là Nho quân tử, ai là Nho tiểu nhân?”.

Đào Duy Từ cười đáp: “Nho quân tử thì phải thông hiểu tam tài. Ở nhà lo giữ đạo cha con, anh em và vợ chồng. Khi ra giúp việc cho nước nhà phải biết tìm mưu lược để giữ yên lòng dân và cứu chỗ hiểm, phò chỗ nguy, bày binh bố trận, phải lập công danh sự nghiệp, để tiếng thơm lại cho mai sau, đời đời còn rạng rỡ, ngàn năm không phai mờ”.

Còn như Nho tiểu nhân, tài học nhiều lắm cũng ở mức tầm chương trích cú, chỉ muốn thong dong nơi bút mực văn chương để cầu danh lợi, mượn Nho để cười gió giỡn trăng, coi thường những kẻ hào kiệt ở đời.

Khách nhà Nho nghe nói thì cả kinh, bèn hỏi tiếp: “Thế nào là kẻ chăn trâu anh hùng, thế nào là kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ, ngươi thử nói tiếp cho rõ ràng xem?”.

Đào Duy Từ lại mỉm cười rồi nói: “Kẻ chăn trâu anh hùng thì như Ninh Thích phục hưng được nước Tề, Điền Đan dùng kế hỏa công mà thu phục những thành trì bị người nước Yên chiếm cứ, Hứa Do dắt trâu ra khe uống nước mà cũng biết được lẽ hưng vong và thịnh loạn, Bách Lý Hề đi chăn dê vùng miền trung nước Tần mà cũng nắm vững sự thịnh suy, bĩ thái...

Còn như kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ thì chỉ biết đói thì ăn, no thì bỏ, ngày bỏ mặc trâu để đi ăn trộm quả, đêm ngủ say mà quên cả việc bỏ rơm cho trâu bò ăn thêm.

Bọn ấy chỉ biết thân mình, dầm mưa dãi gió, ra không biết kính sợ quỷ thần, vào không biết làm gì cho mẹ cha nhờ cậy, lêu lổng chơi bời vô độ, khi vui thì mặc sức reo hò múa hát, khi giận thì chẳng kể ruột thịt thân sơ, làm xấu cả cha anh, gieo oán hờn cho làng xóm. Bọn ấy chẳng cần hỏi tới làm gì”.

Khách nghe Đào Duy Từ ứng đối lưu loát, đã bác cổ lại thông kim, nên ai nấy đều ngồi nhìn và lòng thì lấy làm kinh hãi. Không ai bảo ai, tất cả đứng dậy khoanh tay thưa rằng: “Ông quả là bậc thầy cao minh”.

Nói rồi, xuống mời Đào Duy Từ lên ngồi chiếu trên. Từ đó, gia chủ may sắm quần áo mới cho Đào Duy Từ, mời ngồi giảng sách, không bắt đi chăn trâu nữa.

Vang danh muôn đời

Năm 1627, sau khi đọc bài Ngọa Long cương vãn của Đào Duy Từ, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nhận ra đây là người có chí lớn liền cho gọi ông đến.

Trong lần gặp gỡ này, Đào Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời, thời thế. Chúa mừng lắm, phong cho ông làm Nha úy Nội tán, trông coi việc quân cơ, tham lý quốc chính. Từ đây, Đào Duy Từ chính thức bước vào con đường quan lộ.

Đền thờ Đào Duy Từ ở Bình Định. Ảnh: Báo Bình Định.

Khi được chúa Nguyễn tin dùng, Đào Duy Từ đã từng bước củng cố vững chắc cơ đồ họ Nguyễn, trở thành bậc quân sự xuất chúng, được chính chúa Nguyễn Phúc Nguyên ca ngợi không khác gì Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị.

Vào các năm 1630 và 1631, Đào Duy Từ khởi xướng, tổ chức việc đắp lũy Trường Dục và lũy Thầy ở Quảng Bình. Nhờ có hai trường lũy trên, chúa Nguyễn đã ngăn chặn được quân Trịnh trong bảy lần giao tranh.

Sau khi dò la biết được Đào Duy Từ bày mưu cho chúa Nguyễn, chúa Trịnh tiếc người tài, tìm cách lôi kéo ông theo về với triều đình Lê - Trịnh, nhưng Đào Duy Từ đã từ chối.

Ngoài việc giúp chúa Nguyễn đánh lui quân Trịnh, Đào Duy Từ còn có công mở đất phương Nam, giúp Đàng Trong phồn thịnh, xây dựng một định chế chính quyền rất được lòng dân, đặt nền móng vững chắc cho họ Nguyễn.

Nhờ những kế sách đúng đắn của Đào Duy Từ, chính quyền của chúa Nguyễn bước sang trang mới, từng bước dứt hẳn khỏi sự lệ thuộc vào chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, trở thành thế lực phong kiến hùng mạnh, độc lập ở Đàng Trong.

Đào Duy Từ - bậc khai quốc công thần của họ Nguyễn Với tài năng của mình, Đào Duy Từ đã có những đóng góp to lớn cho hậu thế trên nhiều lĩnh vực, trở thành danh nhân muôn đời.

Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ke-chan-trau-kiet-xuat-nhat-trieu-nguyen-va-bai-hoc-cho-hau-the-post837779.html