Kẻ giết người thầm lặng

Theo BS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, hiện tỉ lệ người có biểu hiện rối loạn tâm thần ở ta khá cao, trong đó trầm cảm chiếm 25%.

Cẩn trọng với căn bệnh mang tên trầm cảm.

Nữ giới mắc trầm cảm nhiều hơn

Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có khoảng 3,6 triệu người mắc căn bệnh này, chiếm 4% dân số (số liệu 2015). Trong đó có khoảng 5.000 người chết vì tự tử do người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác.

Người bị bệnh trầm cảm thường có những dấu hiệu nhận biết như buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, luôn cảm giác mệt mỏi, hay quên, không muốn làm việc, cảm giác có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng, mất ngủ (có những trường hợp) ngủ quá nhiều; hay cáu gắt, giận dữ, giảm thích thú trong các hoạt động hàng ngày, không ngon miệng, sụt cân (hoặc ăn quá nhiều). Những trường hợp nặng thường nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Nhiều bệnh nhân trầm cảm còn có những biểu hiện như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…

Chia sẻ về nguyên nhân của bệnh trầm cảm, theo TS Dương Minh Tâm- Viện Sức khỏe tâm thần, đó là do mất mát người thân, ly dị, sống độc thân, thiếu sự hỗ trợ chăm sóc từ xã hội, cộng đồng hoặc gien di truyền, lạm dụng rượu, bia, thay đổi môi trường sống, thay đổi công việc, thất nghiệp, bị lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục, xung đột cá nhân trong các mối quan hệ, áp lực cuộc sống…

Đặc biệt ở phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 2 lần nam giới. Theo các chuyên gia, áp lực phải sinh cho được con trai để nối dõi tông đường đang đè nặng lên tâm lý của nhiều gia đình. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính ngày càng gia tăng. Chính quan niệm này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Theo một nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Y Hà Nội, trung bình cứ 4 phụ nữ sau sinh thì có 1 phụ nữ trầm cảm, nhưng tình trạng trầm cảm càng trầm trọng (gấp 2 lần) ở lần mang thai thứ 2 trong trường hợp gia đình đã có con gái trước đó. Số phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai (bao gồm cả bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần) gấp 2 lần so với phụ nữ có con trai.

Tự giảm nguy cơ stress

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy có những dấu hiệu thực thể, khám nhiều nơi mà không tìm thấy bệnh thì nên đi khám chuyên khoa tâm thần. Trầm cảm là bệnh có thể chữa khỏi được hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Hiện nay các phương pháp điều trị chính là dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, shock điện, kích thích từ xuyên sọ.

BS Nguyễn Doãn Phương cho hay: “Trong thực tế điều trị, hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ tái diễn sau cơn thứ nhất, tỷ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn thứ 3 là 90%. Một số thuốc chống trầm cảm đạt được mức độ đáp ứng điều trị bệnh nhưng khi đó bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động khác nên vẫn phải tiếp tục điều trị. Một thứ thuốc điều trị chống trầm cảm lý tưởng là bên cạnh cân bằng giữa hiệu quả và tác dụng phụ, thì còn phải giúp bệnh nhân phòng ngừa tái diễn, tái phát, giải quyết các triệu chứng còn tồn tại… để bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và duy trì các chức năng xã hội của mình. Để điều trị được như vậy cần kiên trì”.

Bác sĩ Phương khuyến cáo với đồng nghiệp, khi gặp bệnh nhân trầm cảm, với những bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cần nhận biết được sớm các dấu hiệu trầm cảm, từ đó tư vấn và giới thiệu họ đến khám tại các cơ sở điều trị chuyên khoa tâm thần để được điều trị sớm nhất nhằm đạt hiệu quả nhất. Còn đối với các bác sĩ chuyên ngành tâm thần, đứng trước một bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm, cần phải đánh giá được mức độ nặng - nhẹ của bệnh, nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng liên quan tới xuất xứ của bệnh. Trên cơ sở đó, tư vấn, đưa ra hướng điều trị và theo dõi tình trạng bệnh nhân để có thể quyết định cho họ điều trị ngoại trú hay nội trú.

Với bệnh nhân, bác sĩ Phương chia sẻ: “Hãy chủ động trò chuyện với những người thân khi thấy mình có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Như vậy, bệnh nhân cũng dễ được phát hiện sớm để điều trị sớm”.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, để hạn chế sự gia tăng của bệnh trầm cảm quan trọng nhất là khâu phòng bệnh, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Việc cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi là vô cùng quan trọng để giảm các nguy cơ phát sinh các rối loạn tâm lý liên quan tới stress, trong đó có trầm cảm.

Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/ke-giet-nguoi-tham-lang-tintuc418582