Kẽ hở thẩm định giá

Kết luận thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa (CPH) cảng Quy Nhơn do Thanh tra Chính phủ ban hành mới đây đã chỉ ra một loạt những vi phạm trong việc CPH, thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn, trong đó có việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, việc thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn…

Góc nhìn

Theo kết luận thanh tra, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn thuế ATC (ATC), Công ty Hợp danh kiểm toán Việt Nam (CPA), khi sử dụng các phương pháp thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp đã không thực hiện đúng các quy định của Thông tư số 202/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, cũng như không thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá… Hệ quả là giá trị thực tế của doanh nghiệp được định giá không chính xác, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chỉ thu về vỏn vẹn 536,9 tỷ đồng từ việc CPH và thoái hết 75,01% vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn.

Quá trình CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua đã cho thấy nhiều trường hợp “bán rẻ” tài sản nhà nước, gây thất thoát vốn nhà nước. Một trong những lỗ hổng dẫn đến tình trạng này là việc xác định giá trị DN không thực hiện đúng các quy định pháp luật, trong đó có hoạt động thẩm định giá. Gần đây, trong kết luận thanh tra toàn diện việc Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua lại Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ tất cả đơn vị tư vấn thẩm định giá đều vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn thẩm định giá hiện hành, sử dụng tài liệu không khách quan, thiếu cơ sở để đưa ra các mức giá “trên trời”, vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp.

Theo quy định, các đơn vị thẩm định giá phải độc lập, khách quan, không phụ thuộc vào bên mua hay bên bán. Nhưng trên thực tế, thẩm định giá vẫn có thể đưa ra giá thẩm định thấp cho bên mua hoặc giá cao cho bên bán, tùy theo lợi ích của bên thuê thẩm định giá. Tại các nước, luôn có cơ chế giám sát doanh nghiệp thẩm định giá, nếu có hành vi thông đồng với khách hàng thẩm định giá để làm sai lệch kết quả thẩm định giá sẽ bị xử lý nghiêm và trong cơ chế cạnh tranh thị trường, doanh nghiệp đó tất yếu sẽ mất uy tín và bị khách hàng từ bỏ.

Trong cả hai kết luận thanh tra hai vụ việc nêu trên, Thanh tra Chính phủ đều kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính thực hiện đánh giá toàn diện hoạt động thẩm định giá, hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm định giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm; kiên quyết thu hồi giấy phép hành nghề, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi thông đồng, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước. Nhanh chóng triển khai thực hiện những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ là việc làm cấp bách nhằm ngăn chặn tình trạng “mua đắt, “bán rẻ” tài sản nhà nước trong quá trình CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và mua lại doanh nghiệp.

SƠN HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/37710402-ke-ho-tham-dinh-gia.html