Kế hoạch ảm đạm của đại gia phục vụ mặt đất ở Tân Sơn Nhất

Thu lợi nhuận 350 tỷ năm 2019, SAGS chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận vỏn vẹn 10 tỷ đồng cho năm 2020. Đây là doanh nghiệp phục vụ mặt đất cho hơn 50% số chuyến bay ở Tân Sơn Nhất.

Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 4/6 tới. Trước thiệt hại nặng nề của ngành hàng không do dịch Covid-19, công ty dịch vụ hàng không này đặt mục tiêu kinh doanh thấp nhất trong lịch sử.

Năm nay, SAGS đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất vỏn vẹn 10 tỷ đồng. Trước đó, năm 2019, SAGS đạt doanh thu lên tới 1.600 tỷ và lợi nhuận ròng 350 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này báo lãi gần 1 tỷ đồng.

So với kết quả năm liền trước, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2020 của SAGS giảm lần lượt 49% và 97%. Giai đoạn từ năm 2015 đến 2019 trước đó, doanh thu của SAGS tăng trưởng 16-46% mỗi năm, lợi nhuận tăng thấp nhất 20%/năm.

 Đồ họa: Việt Đức.

Đồ họa: Việt Đức.

SAGS là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất tại 3 cảng hàng không Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Khách hàng của SAGS là Vietjet Air, Bamboo Airways và các hãng hàng không nước ngoài khai thác tại 3 sân bay trên. Riêng Vietnam Airlines và Jetstar Pacific sử dụng dịch vụ mặt đất của VIAGS, công ty thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

SAGS cho biết đang cung cấp dịch vụ cho hơn 60 hãng hàng không trong nước và quốc tế. Tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất, SAGS cung cấp dịch vụ mặt đất cho hơn 50% tổng số chuyến bay khai thác ở sân bay lớn nhất cả nước. Đến cuối 2019, số lượng nhân sự của công ty là 2.426 người, cao gấp 3 lần so với 5 năm trước.

Dù có mức tăng trưởng ấn tượng, SAGS cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn như sự cạnh tranh từ VIAGS; công suất hoạt động của Tân Sơn Nhất đã đạt ngưỡng tối đa khiến việc các hãng mở thêm đường bay, tăng tần suất bay gặp khó; nhà ga quốc tế tại sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh quá tải vào một số thời điểm trong ngày; sản lượng khai thác của các hãng hàng không quốc nội tăng làm giảm tần suất khai thác của các hãng quốc tế do giới hạn về slot, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của công ty.

Trong cơ cấu sở hữu với SAGS, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là cổ đông lớn nhất với 48% cổ phần. Tiếp theo là Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI sở hữu 20% cổ phần. Cổ đông lớn thứ ba của SAGS cũng chính là khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp - Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet nắm 9% vốn.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-hoach-am-dam-cua-dai-gia-phuc-vu-mat-dat-o-tan-son-nhat-post1089073.html