Kế hoạch Brexit mới – rắc rối mới

Hai bộ trưởng nội các Anh và hai phó chủ tịch đảng Bảo thủ đã từ chức. Trong thư từ chức của mình, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói giấc mơ Brexit 'đang hấp hối'.

Những người từ chức nổi giận vì bà Theresa May đã từ bỏ một chính sách rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) một cách cứng rắn (hard Brexit) mà lại lựa chọn một thỏa thuận mềm dẻo hơn, duy trì rất nhiều các ràng buộc về pháp lý và kinh tế.

Hiện tại, có vẻ rất khó để hạ bệ vị thế của bà May. Tuy nhiên, những động thái muộn màng của bà May nhằm hiện thực hóa Brexit chỉ vừa bắt đầu. Và khi thực tế được nhận thức một cách đầy đủ, sẽ còn xảy ra nhiều biến động. Nhiệm vụ của bà May và EU là phải đảm bảo kế hoạch Brexit không chìm vào hỗn loạn.

Kế hoạch Brexit của bà May đánh dấu một sự chuyển đổi mang tính quyết định. Phương hướng trước đây của bà May chủ yếu là các yêu cầu: rời khỏi thị trường chung châu Âu, không cho phép tự do dịch chuyển lao động, không chấp nhận thẩm quyền pháp lý của các thẩm phán nước ngoài. Bây giờ bà May đã nêu lên những điều bà muốn. Bà đề xuất trên thực tế thì Anh sẽ tiếp tục ở lại thị trường chung châu Âu đối với hàng hóa, còn đối với dịch vụ thì tạo ra một hệ thống lỏng lẻo hơn dựa trên các thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Để đáp lại, bà May hứa sẽ không cắt giảm các tiêu chuẩn của EU về môi trường, chính sách xã hội hay trợ cấp nhà nước. Bà đề xuất một cơ chế giải quyết tranh chấp, trong đó ngầm công nhận một phần vai trò của Tòa án công lý châu Âu. Bà May cũng đề nghị rằng Anh sẽ tiếp tục tham gia một liên minh hải quan với EU cho đến khi một cơ chế thu thuế quan mới được xây dựng.

Đây là một kế hoạch thực tế nhất của bà May từ trước đến nay, nhưng lãnh đạo EU vẫn yêu cầu bà phải đi xa hơn nữa. Họ nói bà vẫn chưa làm rõ nước Anh đã lên kế hoạch để không thực hiện kiểm soát biên giới tại Ireland như thế nào, đây là điều các lãnh đạo EU nhấn mạnh cần phải giải quyết. Nước Anh chắc chắn sẽ được báo rằng, nếu nước này muốn hưởng những lợi ích của thị trường chung châu Âu cho hàng hóa thì Anh sẽ phải tham gia như một thành viên, có nghĩa là Anh sẽ phải tuân thủ các quy định khác, bao gồm cả tự do dịch chuyển lao động. EU có thể còn muốn Anh tiếp tục trả các khoản đóng góp kinh phí.

Tất cả những điều này có thể dẫn đến một Brexit hầu như không thỏa mãn bất kì ai. Những người ủng hộ Brexit cứng vốn đã cảm thấy bị phản bội. Trong tuần này, ông Boris Johnson phàn nàn rằng nước Anh sẽ phải tuân theo các luật lệ của EU mà không có một tiếng nói nào về việc các điều luật ấy được tạo ra như thế nào. Và rằng tuân thủ các điều luật ấy sẽ khiến nước Anh gặp khó khăn hơn trong việc thỏa thuận giao thương với các nước khác. Đó là sự thật, cộng với việc chi trả kinh phí hoạt động và tự do di chuyển chắc chắn sẽ gây ra một đợt từ chức mới trong nội các cũng như “đảo chính nội bộ”.

Những người ủng hộ việc ở lại EU cũng không cảm thấy vui vẻ gì. Nhiều người cho rằng kịch bản Brexit tốt nhất có thể đạt được là rơi vào tình trạng như Na Uy, bị ràng buộc chặt vào EU nhưng hầu như không có tiếng nói trong việc khối này vận hành như thế nào. Dĩ nhiên như thế sẽ còn tốt hơn là kế hoạch Brexit cứng, điều sẽ mang lại tác hại lâu dài cho sự thịnh vượng của đất nước. Nhưng một kế hoạch Brexit “mềm” hiển nhiên sẽ tồi tệ hơn những gì Anh đang có hiện nay với tư cách là một thành viên EU.

Kết quả là sẽ rất khó cho bà May để khiến Nghị viện Anh thông qua thỏa thuận này, mặc dù đa số thành viên nghị viện có lẽ ưa chuộng một Brexit “mềm” hơn. Mặc dù các thành viên phe thực dụng của cả hai phe “Ra đi” và “Ở lại” có thể ủng hộ bà May, còn các thành viên cứng rắn có thể chờ đợi một thỏa thuận khó khăn hơn hơn hoặc là ngăn chặn Brexit hoàn toàn.

Nhiệm vụ của bà May càng trở nên phức tạp hơn bởi Công đảng dưới quyền của ông Jeremy Corbyn, vì đảng này vẫn chưa đưa ra một kế hoạch chặt chẽ nào. Đảng này có thể sẽ đặt đảng lên trước đất nước bằng cách bỏ phiếu chống bất kì thỏa thuận nào mà bà May đem về, với hi vọng sẽ lật đổ chính phủ. Điều đó có nghĩa là chỉ cần một cuộc nổi loạn nhỏ từ phe cứng rắn của Đảng Bảo thủ cũng đủ để phá vỡ kế hoạch của bà May.

Nước Anh sẽ ra sao?

Đừng tìm câu trả lời từ những người ủng hộ Brexit. Mặc dù họ phàn nàn là người dân đã bị phản bội, họ vẫn chưa giải thích được bằng cách nào để nước Anh có thể cắt đứt mọi liên hệ với EU trong khi vẫn duy trì các liên hệ thương mại với thị trường lớn nhất của nước này. Ông Johnson thậm chí còn không nhắc tới Ireland trong lá thư từ chức tuần trước.

EU có thể giúp – nhưng không có lý do gì để giúp cả. EU không muốn cho nước Anh một thỏa thuận được đặt riêng trước, vì lo ngại rằng các thành viên không chịu ngồi yên khác trong liên minh sẽ nhắm đến đòi hỏi được đối xử đặt biệt. Đây là lý do tại sao viên chức của cơ quan điều hành Cộng đồng châu Âu thề rằng không để thứ gì tổn hại đến thị trường chung châu Âu.

Nhưng nếu đàm phán Brexit thất bại và Anh thua cuộc với việc không có được thỏa thuận nào thì điều này sẽ gây tác hại khủng khiếp trên khắp châu Âu và xa hơn nữa. Trong một vài lĩnh vực, EU cũng có khuynh hướng đưa ra các đề nghị mang tính nhượng bộ. Rõ ràng nhất là lĩnh vực an ninh, khi mà lập trường cứng rắn chính là tự mình hại mình.

Nước Anh là một trong hai nước có lực lượng quân sự và năng lực tình báo lớn nhất EU. Giới hạn vai trò của Anh trong các dự án như hệ thống định vị Gallileo, trong lúc Mỹ đang lưỡng lự về vai trò của Anh trong NATO và việc Nga đang khuấy động nhiều rắc rối, có thể sẽ gây nguy hiểm cho khắp châu Âu. Tuy nhiên bẻ cong các quy định như tự do dịch chuyển lại khó hơn. Nhưng EU có thể cấp cho bà May một vỏ bọc mà bà cần để thông qua thỏa thuận mới này. Nếu bà May muốn thay “tự do dịch chuyển” chuyển thành “cơ cấu di động”, hai điều này hầu như giống nhau, hãy để bà làm. Nếu muốn tham gia thị trường chung với hàng hóa nhưng bỏ qua dịch vụ, cũng được thôi.

Vậy nếu bà May không thể chiến thắng trong một đợt bỏ phiếu về Brexit? Lúc đó EU sẽ phải chuẩn bị để cho Anh thêm thời gian, để tránh việc thất bại và không có một thỏa thuận nào. Để phá vỡ thế bế tắc tại Nghị viện, bà May có thể sẽ phải kêu gọi một cuộc bỏ phiếu khác, hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, xây dựng một kế hoạch vững chắc cho Brexit thay vì những lời hứa mập mờ, không phù hợp trước các cử tri như lần trước.

Minh Quang/The Economist

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ke-hoach-brexit-moi-rac-roi-moi-20180714080611532p145c151.news