Kế hoạch cải tạo và nâng cấp lưới điện lớn nhất từ trước đến nay của Pháp

Theo một kế hoạch được công bố tuần trước bởi RTE, nhà quản lý lưới điện cao thế, lưới điện Pháp sẽ cần được hiện đại hóa với chi phí ước tính khoảng 100 tỷ euro cho đến năm 2040. Kế hoạch này bao gồm việc kết nối các tuabin gió ngoài khơi, xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới và thay thế các đường dây điện đã 70 năm tuổi.

Pháp đầu tư 100 tỷ euro cho đến năm 2040 để cải tạo lưới điện. Ảnh AFP

Kế hoạch đầu tư 100 tỷ euro

RTE giải thích, Kế hoạch phát triển lưới điện 10 năm (TYNDY) “được thiết kể để đảm bảo rằng mạng lưới truyền tải điện công cộng phù hợp với các mục tiêu năng lượng do nhà nước đề ra”.

Năm 2019, RTE dự kiến ngân sách 33 tỷ euro cho đến năm 2035.

Kể từ đó, Nhà nước Pháp đã định hướng lại chiến lược, bao gồm việc thúc đẩy năng lượng hạt nhân, đẩy nhanh năng lượng tái tạo và tái công nghiệp hóa thông qua phát triển các khu công nghiệp ít carbon.

Theo kế hoạch, “chi phí đầu tư dự kiến đến năm 2040 là khoảng 100 tỷ euro, bao gồm cả việc đổi mới cơ sở hạ tầng, vốn là khoản đầu tư lớn nhất của RTE hiện nay”.

Các khoản chi phí này bao gồm thuế vận chuyển điện (Turpe), được người tiêu dùng thanh toán thông qua hóa đơn. Chúng được cộng thêm vào các khoản chi phí do Enedis dự kiến, công ty quản lý mạng lưới phân phối trung thế và hạ thế (96 tỷ euro từ năm 2022 đến năm 2040).

Thiết bị lão hóa

Pháp có 106.000 km đường dây điện từ 63.000 đến 400.000 volt, trong đó 6.000 km là cáp ngầm và 2.800 trạm điện.

Hơn 20% đường dây đã 70 năm tuổi và tuổi thọ trung bình chung là 55 tuổi (cao hơn các mạng lưới khác ở châu Âu).

Quá trình xây dựng lưới điện trải qua ba giai đoạn: sau Chiến tranh thế giới thứ hai tập trung vào tái thiết hệ thống tổn hại do chiến tranh (mạng lưới điện 225.000 volt). Từ những năm 1970, với sự bùng nổ của sản xuất điện tập trung (than và đặc biệt là năng lượng hạt nhân), điện áp được nâng lên 400.000 volt. Và từ những năm 2010, với quá trình chuyển đổi năng lượng.

Thiết bị điện cần được thay thế sau 85-90 năm sử dụng do đã xuống cấp.

Chương trình đổi mới này đã được triển khai. Một "kế hoạch chống ăn mòn" đã được thực hiện từ năm 2020 để thay thế các cột điện.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Vấn đề không chỉ nằm ở các công trình tương lai mà còn ở các thiết bị hiện có. Biến đổi khí hậu với sự gia tăng nhiệt độ và bão, ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng của đường dây điện, trong khi lũ lụt có thể ảnh hưởng đến các trạm điện.

Sau các cơn bão năm 1999, RTE đã triển khai “chương trình an toàn cơ học” kéo dài 15 năm với kinh phí 2,7 tỷ euro. Chương trình này đảm bảo khả năng chịu gió mạnh lên đến 180 km/h và “đã chứng minh hiệu quả khi đối mặt với các cơn bão Ciaran và Domingos vào năm 2023”.

RTE hiện dự kiến sẽ ưu tiên cải tạo các công trình vừa xuống cấp vừa cần thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người tiêu dùng mới

Một phần khác của dự án là chương trình kết nối "chưa từng có tiền lệ" nhằm cung cấp điện cho các ngành công nghiệp mới (nhà máy sản xuất pin...) tại Dunkerque, Fos-sur-Mer, Le Havre-Port-Jérôme... Với mục tiêu là tăng cường mạng lưới điện cao thế trước năm 2030.

Đối với năng lượng tái tạo trên đất liền (gió và năng lượng mặt trời), cơ sở hạ tầng kết nối đang được xây dựng trên toàn lãnh thổ trước năm 2035.

Đối với năng lượng hạt nhân, theo RTE, dự kiến trong nửa sau của thập niên 2030 sẽ kết nối bốn lò phản ứng (Penly và Gravelines) và các lò phản ứng nhỏ (SMR) đang được thiết kế.

Về điện gió ngoài khơi, tính đến cuối năm 2023 đã có bốn nhà máy được kết nối, nhưng dự kiến sẽ có sự tăng tốc mạnh mẽ với 18 GW (khoảng 20 nhà máy) được đưa vào vận hành từ nay đến năm 2035, đòi hỏi phải có “chương trình công nghiệp” để kết nối.

Thách thức

RTE cảnh báo rằng “việc trì hoãn việc tăng cường cơ sở hạ tầng mạng lưới điện sẽ dẫn đến nguy cơ không thể kết nối các dự án năng lượng mới”.

Trong cuộc tham vấn dành riêng cho các khu vực, nhà cung cấp vật liệu và người thực hiện dự án. Người quản lý mạng lưới cũng kêu gọi các bên liên quan dự đoán tốt hơn để chia sẻ thiết bị.

Theo RTE, “sẽ cần một kế hoạch công nghiệp nhằm tăng cường năng lực cho ngành công nghiệp châu Âu nói chung và Pháp nói riêng trong việc sản xuất các thiết bị cần thiết”. RTE cũng lưu ý rằng thời gian cung cấp cáp hoặc máy biến áp đã tăng gấp ba lần từ năm 2021 đến năm 2023.

Một khi quá trình tham vấn kết thúc vào ngày 30 tháng 4, kế hoạch của RTE sẽ được trình lên một số tổ chức, bao gồm Nhà nước, Ủy ban điều tiết năng lượng và Cơ quan môi trường.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ke-hoach-cai-tao-va-nang-cap-luoi-dien-lon-nhat-tu-truoc-den-nay-cua-phap-707617.html