Kế hoạch chi 96.159 tỉ đồng chống kẹt xe và 1.508 tỉ đồng xây dựng nhà hát?

Tâm điểm của sự chú ý trong thời gian vừa qua là việc thành phố HCM thông qua kế hoạch chi 96.159 tỉ đồng chống kẹt xe và 1.508 tỉ đồng xây dựng nhà hát...

Sáng 8.10, tại kỳ họp bất thường khóa IX, HĐND TPHCM đã thông qua tờ trình của UBND thành phố về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng từ ngân sách TPHCM - nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Nhà hát này có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.

Theo lý giải của UBND TP, việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Nhà hát này sẽ đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân và hàng triệu du khách đến viếng thăm mỗi năm, với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Với việc xây nhà hát này, TPHCM cũng kỳ vọng đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố.

TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, tổng nguồn lực thực hiện chương trình này là 96.159 tỉ đồng, sẽ dùng để đầu tư vào 97 dự án (82 dự án từ nguồn ngân sách thành phố, 02 dự án từ nguồn vốn ODA - nguồn vốn chính thức từ nước ngoài, 03 dự án từ nguồn vốn trung ương và 10 dự án theo hình thức đối tác công tư).

Cụ thể, TP.HCM đặt ra mục tiêu theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu (đến hết năm 2018), TP.HCM sẽ làm mới và đưa vào sử dụng 33,5km đường bộ và 14 cây cầu; tăng mật độ đường giao thông lên 2,06km/km2; tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,97% đất đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 9,6% nhu cầu giao thông; giảm 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm trước đó.

Còn trong năm 2019, TP.HCM đề ra mục tiêu sẽ làm mới và đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 2,14km/km2; tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,01% đất đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 11,2% nhu cầu giao thông.

Kẹt xe tại TP. HCM nỗi khiếp sợ của người tham gia giao thông

Ở giai đoạn cuối, năm 2020, sẽ có thêm 81km đường và 18 cây cầu được làm mới và đưa vào sử dụng tại TP.HCM. Cùng với đó, mật độ đường giao thông sẽ đạt 2,2km/km2; tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 15% nhu cầu giao thông

Đồng thời, ở mỗi giai đoạn, TP.HCM đều đặt mục tiêu giảm 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm trước đó.

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian, các khâu trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với các dự án giao thông cấp bách, đảm bảo bàn giao mặt bằng trước tháng 7/2019 (đối với các dự án trong kế hoạch thực hiện vào năm 2020). Ngoài ra phải tăng cường các giải pháp công nghệ hiện đại, tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè,…

Q. Tuấn

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/ke-hoach-chi-96159-ti-dong-chong-ket-xe-va-1508-ti-dong-xay-dung-nha-hat-52881.htm