Kế hoạch năng lượng của Tổng thống Biden có quá tham vọng?

Trang tin Oilprice mới đây có bài viết phân tích về kế hoạch năng lượng của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, quy mô và tốc độ chuyển đổi năng lượng trong kế hoạch năng lượng của chính quyền Mỹ sẽ gặp nhiều thách thức nhằm đảm bảo an ninh năng lượng khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng được dự báo sẽ vẫn chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch.

Ngày càng có nhiều người dân toàn cầu nhận thức được những hậu quả tiêu cực liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đối với khí hậu và môi trường trái đất. Ví dụ như phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường biển và hệ sinh thái tại các khu vực sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, việc thay thế nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới đi kèm với sự rủi ro và đánh đổi riêng, buộc các chính phủ phải hiểu rõ và cân nhắc những đánh đổi này khi chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các loại hình năng lượng thân thiện với môi trường hơn. Hai vấn đề chính được quan tâm nhiều nhất là quy mô và độ tin cậy của các nguồn năng lượng mới. Hầu hết mọi người đang đánh giá thấp sự phụ thuộc liên tục của loài người vào nhiên liệu hóa thạch. Theo thống kê mới nhất của BP về năng lượng, nhiên liệu hóa thạch trong năm 2019 đã cung cấp 83,8% nhu cầu năng lượng tại Mỹ, năng lượng hạt nhân đáp ứng 8% nhu cầu, NLTT (bao gồm cả thủy điện) chỉ đáp ứng được 8,7%.

Mặc dù NLTT đang mở rộng nhanh chóng nhưng tỷ lệ năng lượng nhận được từ nhiên liệu hóa thạch tại Mỹ không thay đổi nhiều trong những năm qua. Trong thập kỷ vừa qua, có những thời kỳ tiêu thụ dầu sụt giảm do giá cao, song nhu cầu dầu lại phục hồi khi giá tăng (ngoại trừ sự sụp đổ giá dầu do đại dịch gây ra năm 2020). Mỹ đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêu thụ than trong thập kỷ qua do nước này chủ yếu chuyển sang sản xuất điện bằng khí thiên nhiên cũng như NLTT. Kết quả là, tiêu thụ khí đốt thiên nhiên đã tăng gần 40% trong giai đoạn 2011-2020 tại Mỹ.

Trong khi đó, hầu hết người dân vẫn dựa vào các trạm tiếp nhiên liệu địa phương để cung cấp nhiên liệu cho ô tô của mình và dựa vào các công ty tiện ích để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho sinh hoạt và kinh doanh. Thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp ngoại lệ, nhưng nhìn chung, khi cần năng lượng, con người có thể tin tưởng vào nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù có những khía cạnh tiêu cực về môi trường, nhưng nhiên liệu hóa thạch thực sự đáng tin cậy và có sẵn ở quy mô lớn.

Triển vọng trung và dài hạn cho thấy, sử dụng NLTT kết hợp với bộ lưu trữ năng lượng sẽ là nguồn thay thế tin cậy cho nhiên liệu hóa thạch của Mỹ. Chính quyền và nhiều doanh nghiệp Mỹ đang lên kế hoạch và chuyển dịch theo hướng đó. Tuy nhiên, sự chuyển dịch quá nhanh có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Rủi ro lớn nhất là kỳ vọng không thực tế về tải của các nhà máy NLTT và tốc độ ra sao, trong khi đầu tư vốn vào cơ sở hạ tầng và sản xuất nhiên liệu hóa thạch đang bước vào đà giảm. Thực tế cho thấy, nước Mỹ vẫn sẽ sử dụng rất nhiều dầu trong thập kỷ này. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ sẽ đạt độc lập năng lượng khi tự mình đảm bảo nguồn cung dầu trong nước hay quay lại thời kỳ phụ thuộc lớn vào các nguồn cung nước ngoài.

Đường ống dẫn dầu Keystone XL là một ví dụ. Đây là sự mở rộng của một dự án hiện có. Nó được thiết kế để vận chuyển nhiều dầu thô của Canada vào Mỹ, đồng thời sẽ vận chuyển dầu từ lưu vực Bakken, bang Montana và Bắc Dakota. Một trong những quyết định đầu tiên của Tổng thống Biden ngay sau khi nhậm chức là thu hồi giấy phép dự án này. Đây chính xác là hành động gây khó khăn cho các công ty năng lượng Mỹ trong việc thực hiện các dự án lớn mà có thể mất nhiều năm để hoàn thành. Do đó, các công ty năng lượng tại Mỹ luôn phải xem xét đến rủi ro chính trị trong thời gian tới.

Các nhà hoạt động môi trường bảo vệ quan điểm rằng, nước Mỹ không cần đường ống Keystone XL. Theo quan điểm này, giả sử dự án được một công ty tư nhân đầu tư, thuê nhân công để xây dựng đường ống trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu thô của người dân Mỹ thực sự giảm, điều này dẫn đến công suất vận hành của đường ống ở mức thấp hơn so với công suất cần thiết để chủ đầu tư có lợi nhuận. Cuối cùng, nhà đầu tư không tránh khỏi mất vốn trong dự án.

Mặt khác, giả sử nước Mỹ không xây dựng dự án và trong giai đoạn 2021 - 2030 NLTT không thể nhanh chóng thay thế nhiên liệu hóa thạch như những gì được kỳ vọng. Điều này khiến người Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn dầu thô nhập khẩu. Tuy nhiên, thay vì nhận dầu thô từ nước láng giềng Canada thông qua Keystone XL, Mỹ phải nhập khẩu dầu thô từ Venezuela, KSA hoặc Nga.

Một dẫn chứng cho điều này đã diễn ra thời gian gần đây. Bang California là một trong những địa phương tiến bộ nhất tại Mỹ trong phát triển NLTT, đồng thời, California cũng ghi nhận sự phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù, California là thị trường tiêu thụ xe điện phát triển nhanh nhất ở Mỹ, song mức tiêu thụ dầu của bang này trước đại dịch vẫn tiếp tục tăng đều đặn trong những năm gần đây. Hơn nữa, sự phụ thuộc của California vào nhập khẩu dầu thô đã tăng gấp 3 lần trong vòng 20 năm qua. Khối lượng dầu nhập khẩu của California từ OPEC chiếm hơn 50% nhu cầu tiêu thụ của tiểu bang này. Điều này hoàn toàn trái ngược với hầu hết các bang của Mỹ, những bang đã chứng kiến nhập khẩu dầu thô sụt giảm trong thập kỷ qua.

Do đó, nếu Mỹ không sớm khuyến khích đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và việc giảm phụ thuộc vào dầu mỏ không diễn ra như đúng kỳ vọng của chính quyền Tổng thống Biden sẽ dần đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Kết quả là, giá nhiên liệu trong nội địa tăng và sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô của Mỹ sẽ ngày càng nặng nề.

Có thể thấy việc hủy bỏ dự án Keystone XL liên quan đến cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu và hệ sinh thái. Đây là một tín hiệu cho thế giới thấy rằng, Mỹ đang nghiêm túc trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chính sách chuyển đổi năng lượng của chính quyền mới không tính toán một cách kỹ lưỡng giữa tốc độ chuyển đổi năng lượng hiện nay và tầm quan trọng trong đảm bảo năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, nước Mỹ sẽ phải trả giá đắt.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ke-hoach-nang-luong-cua-tong-thong-biden-co-qua-tham-vong-603059.html