KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ HAI TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Kế hoạch số 736/KH-UBTVQH15 về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo kế hoạch, Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra trong 01 buổi sáng ngày 07/3/2024 theo hình thức trực tiếp tại Phòng Thăng Long (Nhà Quốc hội), kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương.

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ HAI TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA KỲ HỌP THỨ 6 VÀ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, để kịp thời triển khai, bảo đảm hiệu lực thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân tiến hành giám sát, theo dõi, đánh giá.

- Tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

2. Yêu cầu

- Bám sát chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan trong tổ chức triển khai, thi hành và giám sát việc tổ chức triển khai, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội.

- Hội nghị tổ chức bảo đảm khoa học, thiết thực, hiệu quả, trang trọng, tiết kiệm.

II. CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ

- Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

- Các đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì.

III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, HÌNH THỨC TỔ CHỨC

1. Thời gian: dự kiến 01 buổi sáng, thứ Năm, ngày 07/3/2024.

2. Địa điểm: Phòng Thăng Long, Nhà Quốc hội.

3. Hình thức tổ chức: Tổ chức Hội nghị trực tiếp tại Phòng Thăng Long (Nhà Quốc hội), kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương.

IV. THÀNH PHẦN THAM DỰ

1. Tại Phòng Thăng Long (Nhà Quốc hội) (khoảng 150 đại biểu)

- Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Phó Chủ tịch nước.

- Phó Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

- Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

- Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

- Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

- Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

- Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp; Công an; Quốc phòng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

- Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước.

- Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.

- Đại diện lãnh đạo các Bộ; đại diện lãnh đạo các cơ quan ngang Bộ (Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ).

- Đại diện lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.

- Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Đại diện lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

- Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Văn phòng Quốc hội: Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam; Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân; các Vụ phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Vụ Phục vụ hoạt động giám sát, Vụ Thông tin.

- Đại diện lãnh đạo một số Cục, Vụ, đơn vị có liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật, Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương và Đoàn thể thuộc Văn phòng Chính phủ; Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Bộ Tư pháp).

- Các cơ quan thông tấn, báo chí: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Báo Đại biểu nhân dân, Báo Nhân dân...

2. Tại điểm cầu trực tuyến ở 63 địa phương

- Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố.

- Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại địa phương.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh/thành phố.

- Các Sở (Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...) và ban, ngành có liên quan tại địa phương.

V. NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGHỊ

1. Nội dung

Quán triệt các điểm mới, nội dung quan trọng, các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, đặc biệt là trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết luật, nghị quyết.

(Danh mục các luật, nghị quyết của Quốc hội thuộc phạm vi Hội nghị tại Phụ lục 1 kèm theo Kế hoạch).

2. Chương trình Hội nghị

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu khai mạc.

- Báo cáo (tóm tắt) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những điểm mới, nội dung trọng tâm và các yêu cầu, nhiệm vụ, công việc chủ yếu cần tiến hành để triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

- Báo cáo (tóm tắt) của Chính phủ về việc chuẩn bị, triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

- Một số Báo cáo tham luận của các cơ quan:

+ Về dự kiến hoạt động giám sát và một số nội dung thuộc trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc triển khai các luật, nghị quyết thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách (dự kiến 02 cơ quan của Quốc hội: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế hoặc Ủy ban Quốc phòng và An ninh).

+ Về công tác chuẩn bị triển khai các luật, nghị quyết thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách (dự kiến 02 cơ quan của Chính phủ: Bộ Tài chính; Ngân hàng nhà nước Việt Nam hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường).

- Đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận.

- Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc Hội nghị.

(Chương trình chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo Kế hoạch).

VI. KINH PHÍ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ

Kinh phí tổ chức Hội nghị từ nguồn kinh phí hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị các cơ quan chuẩn bị báo cáo, tham luận, các tài liệu Hội nghị, cụ thể như sau:

1.1. Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những điểm mới, nội dung trọng tâm và các yêu cầu, nhiệm vụ, công việc chủ yếu cần tiến hành để triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong đó, Báo cáo tóm tắt trình bày tại Hội nghị không quá 15 trang A4 (tối đa 40 phút)) hoàn thành chậm nhất là ngày 26/02/2024 để chuẩn bị bộ tài liệu phục vụ Hội nghị (đề cương báo cáo tại Phụ lục 4 kèm theo Kế hoạch).

1.2. Chính phủ chuẩn bị Báo cáo về công tác chuẩn bị, triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV (kèm theo danh sách dự kiến các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV).

(Đề nghị lưu ý báo cáo cả tiến độ chuẩn bị, triển khai các nội dung trong các nghị quyết của Quốc hội có yêu cầu phải nghiên cứu, ban hành hoặc báo cáo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các yêu cầu cần hoàn thành trong năm 2024 theo thống kê sơ bộ tại Phụ lục 3).

Báo cáo của Chính phủ (trong đó, Báo cáo tóm tắt trình bày tại Hội nghị không quá 07 trang A4 (tối đa 20 phút)) gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội chậm nhất là ngày 26/02/2024 để chuẩn bị bộ tài liệu phục vụ Hội nghị (đề cương báo cáo tại Phụ lục 4 kèm theo Kế hoạch).

1.3. Các cơ quan hữu quan chuẩn bị báo cáo tham luận như sau:

- (1) Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chuẩn bị báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát việc triển khai Luật Nhà ở; việc tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; việc theo dõi, đôn đốc Chính phủ thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 về “tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV”; tình hình, tiến độ triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (bao gồm các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 ngày 22/01/2024 bổ sung Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15);

- (2) Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chuẩn bị báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát việc triển khai Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ;

- (3) Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chuẩn bị báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát việc triển khai Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự;

- (4) Bộ Tài chính chuẩn bị tham luận về công tác triển khai Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; việc hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) theo yêu cầu tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 và chuẩn bị xây dựng nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác theo yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV;

- (5) Ngân hàng nhà nước Việt Nam chuẩn bị tham luận về công tác chuẩn bị triển khai Luật Các tổ chức tín dụng;

- (6) Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị tham luận về công tác chuẩn bị triển khai Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.

Báo cáo tham luận của các cơ quan có dung lượng không quá 10 trang A4, trong đó bản tóm tắt trình bày tại Hội nghị không quá 05 trang A4 (tối đa 15 phút) gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội chậm nhất là ngày 26/02/2024 để chuẩn bị bộ tài liệu phục vụ Hội nghị (đề cương báo cáo tại Phụ lục 4 kèm theo Kế hoạch).

1.4. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị các nội dung liên quan thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu khai mạc, phát biểu bế mạc Hội nghị và các tài liệu khác của Hội nghị.

1.5. Đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan chuẩn bị ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội nghị. Trong đó:

- Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị ý kiến về tình hình triển khai các nhiệm vụ lập pháp thuộc lĩnh vực phụ trách;

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuẩn bị ý kiến về kế hoạch triển khai quy định của Luật Nhà ở về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuê;

- Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chuẩn bị ý kiến về kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội gắn với việc triển khai thi hành Luật Nhà ở; Luật Đất đai;

- Các địa phương khác chuẩn bị ý kiến trao đổi, thảo luận về những vấn đề đặt ra trong công tác chuẩn bị, triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương (trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu Quốc gia).

2. Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị các văn bản phục vụ điều hành (bao gồm: (1) Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; (2) Chương trình chi tiết Hội nghị; (3) Phát biểu khai mạc, bế mạc và kịch bản điều hành Hội nghị); (4) Tập hợp, hoàn thiện bộ tài liệu Hội nghị.

3. Văn phòng Quốc hội xây dựng Kế hoạch phục vụ Hội nghị; triển khai công tác thông tin, truyền thông, lễ tân, hành chính, bảo đảm cơ sở vật chất, an ninh, an toàn, đường truyền, kết nối... phục vụ tổ chức Hội nghị; xây dựng kỷ yếu hội nghị theo quy định; chủ trì mời đại biểu theo thành phần tham dự tại Nhà Quốc hội.

4. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì mời đại biểu theo thành phần tham dự tại điểm cầu địa phương./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84760