Kế nghiệp công ty gia đình: Ít thời gian, nhiều thách thức

Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV và đa số hoạt động theo mô hình gia đình. Điều những người sáng lập lo ngại là làm thế nào để những người kế nghiệp - thế hệ F2 có thể duy trì và phát triển sản nghiệp họ đã tạo dựng.

Thế hệ F2

Các doanh nghiệp gia đình Việt đang bắt đầu với thế hệ F2 trẻ, có kiến thức và đầy nhiệt huyết. Điển hình là Đỗ Duy Hiếu, con gái ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt. Thuộc thế hệ trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, Đỗ Duy Hiếu trở về Việt Nam để nối nghiệp cha. Hơn 9 năm làm việc ở Thép Việt thì đã hơn 5 năm cô gái này cáng đáng nhiệm vụ vận hành Công ty. Những năm trước, dù thị trường có nhiều biến động nhưng Đỗ Duy Hiếu vẫn vững vàng đưa Thép Việt trở thành một trong những thương hiệu đứng đầu ngành thép.

Cũng thuộc thế hệ 8X, Trần Hùng Huy, con trai ông Trần Mộng Hùng - một trong những người sáng lập và giữ chức Chủ tịch Ngân hàng ACB, trở thành "chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam". Gia nhập ACB với vai trò chuyên viên nghiên cứu thị trường, chỉ sau 4 năm, Trần Hùng Huy được bổ nhiệm vào vị trí phó tổng giám đốc. Năm 2012, khi gặp sóng gió, ACB cần một người đứng ra đảm nhận chức chủ tịch để lèo lái Ngân hàng.

Nhờ có kiến thức (bằng tiến sĩ tại Đại học Golden Gate - Mỹ), có thời gian gắn bó với Ngân hàng, am hiểu nhân viên và có quan hệ mật thiết với các thành viên sáng lập, Trần Hùng Huy đã được đề bạt vào vị trí đứng đầu ACB. Nhờ nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, Trần Hùng Huy đã nhanh chóng đưa ACB thoát khỏi khủng hoảng và trở thành một trong những ngân hàng tăng trưởng mạnh những năm qua.

Trong khi đó, Trịnh Chí Cường trở thành "thuyền trưởng" của Nhựa Đại Đồng Tiến khi không có sự lựa chọn nào khác.

Năm 2007, cha anh - ông Trịnh Đồng, người sáng lập và sở hữu thương hiệu Đại Đồng Tiến bị tai biến và Công ty cần ngay một người thay thế. Tiếp quản Công ty khi hành trang chỉ có 7 năm du học và làm việc tại Singapore, nhưng với kiến thức học ở nước ngoài cộng với tư duy "Tây hóa", Cường đã thay đổi nhiều hoạt động quan trọng của Công ty như triển khai chiến lược marketing trực tiếp đến khách hàng, lập phòng nghiên cứu và phát triển, trẻ hóa đội ngũ quản lý...

Và chính những thay đổi đó đã khiến anh gặp khó khi đa phần lãnh đạo cốt cán, lớp lãnh đạo kế cận của cha là những người muốn giữ nếp cũ. Phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đến hôm nay, sau 10 năm điều hành, Trịnh Chí Cường đã thay đổi bộ máy sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, quy trình hóa khâu quản lý, đưa thương hiệu Đại Đồng Tiến phát triển lớn mạnh không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.

Vẫn chưa được toàn quyền quyết định "vận mệnh doanh nghiệp" như Đỗ Duy Hiếu, Trần Hùng Huy, Trịnh Chí Cường, nhưng Lý Huy Sáng - Phó tổng giám đốc Công ty Minh Long 1 cũng được nhắc đến nhiều trong doanh giới. Năm 2003, về Việt Nam sau 11 năm tu nghiệp ở nước ngoài và phải mất 3 năm thử việc như một nhân viên hành chính, công nhân trong xưởng, Lý Huy Sáng mới được tiếp quản vị trí quản lý Công ty.

Và ngay khi lên chức giám đốc, Lý Huy Sáng bắt đầu thay đổi bộ máy làm việc, chỉnh sửa mọi khiếm khuyến được gọi là "gia đình trị” để mọi người nhận thức Công ty là môi trường làm việc chuyên nghiệp. Không chỉ thay đổi tổ chức quản lý, Lý Huy Sáng còn ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu, sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm có giá trị. Hiện tại, với sự trợ lực của Lý Huy Sáng, Minh Long 1 đã trở thành một trong những công ty gốm sứ đứng đầu thị trường.

Mặc dù đã có những F2 nổi tiếng trên thương trường nhưng số lượng chưa nhiều và đa phần vẫn đang trong quá trình đào tạo. Chia sẻ tại Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC hồi tháng 3 năm nay, GS. Paul Brown, Trường Kinh doanh Monarch (Thụy Sĩ) cho rằng, đào tạo được người kế nghiệp trung bình mất từ 7 - 12 năm. Và trên thực tế, các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam vẫn đang mất rất nhiều thời gian chuẩn bị cho việc chuyển giao cơ nghiệp.

Điển hình là tại Công ty Minh Long 1, Lý Huy Sáng từ nhân viên lên chức phó tổng giám đốc mất gần 10 năm. Đỗ Duy Hiếu cũng mất gần 5 năm để từ nhân viên tài chính thành giám đốc điều hành. Còn tại An Phước, để có người kế nghiệp, mười mấy năm trước bà Nguyễn Thị Điền đã cho con trai Trần Minh Khoa ra nước ngoài học đại học.

Sau khi về nước, bà còn cho con thực tập tại nhà máy, xí nghiệp của Công ty và tham gia các khóa đào tạo ngắn ngày để nâng cao kiến thức cho người lãnh đạo. Bà Điền cho biết, người kế nghiệp của mình "đã đi được hơn 6 năm và chặng đường phía trước còn rất dài".

Có nhiều lý do khiến thế hệ đi trước chưa chuyển giao công ty cho thế hệ kế thừa, nhưng quan trọng nhất vẫn là chưa yên tâm giao toàn bộ sự nghiệp gầy dựng cả đời khi các "hậu bối" chưa có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để lèo lái doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hsu Yu Lin - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Đại Phát cho rằng người kế nghiệp không chỉ là nỗi lo của các doanh nghiệp Việt Nam mà cả với các doanh nghiệp Đài Loan.

"Ở Đài Loan có rất nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với vấn đề này khi thế hệ kế tiếp không muốn tiếp quản sự nghiệp của cha ông. Tuy nhiên, tôi không thấy lo ngại vì hiện giờ dưới quyền tôi còn có rất nhiều cán bộ người Việt Nam làm rất tốt và tôi sẵn sàng trao lại doanh nghiệp cho người nào có đủ năng lực, phẩm chất", ông Hsu Yu Lin cho biết.

Theo GS. Paul Brown, để có một doanh nghiệp gia đình hoạt động hiệu quả, các thành viên thế hệ thứ hai phải được đào tạo về tất cả các mặt hoạt động của doanh nghiệp, gồm các yếu tố như lãnh đạo, văn hóa, phát triển doanh nghiệp, tuyển dụng, khách hàng, tiếp thị, bán hàng, tài chính, chiến lược, luật và hoạt động quản trị.

Theo DNSG

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ke-nghiep-cong-ty-gia-dinh-it-thoi-gian-nhieu-thach-thuc-119414.html