Kẻ xâm hại trẻ em có thể chính người thân

Liên quan đến vụ việc xảy ra tại Trung tâm hỗ trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH TP HCM, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Tiến Dũng, nhân viên Trung tâm để điều tra làm rõ hành vi 'dâm ô đối với người dưới 16 tuổi'.

PV Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ (TS) Đoàn Văn Báu, chuyên gia về tâm lý tội phạm quanh thực trạng dâm ô, xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em – một thực tế nhức nhối gây bức xúc trong dư luận tại nhiều địa phương.

“Có đến 93% kẻ XHTD trẻ em là người mà nạn nhân quen biết; chỉ có 7% là người lạ; và 47% là người thân với nạn nhân. Ngoài ra, pháp luật của ta mới chỉ qui định một số hành vi được coi là XHTD hay là hành vi “dâm ô”. Còn nhiều những hành vi xâm hại vô thức hay những hành vi mà Ủy ban Dân số Liên hợp quốc qui định là hành vi XHTD thì pháp luật của ta chưa chú ý đến. Do đó, nhiều vụ việc tương tự sẽ còn bị “ẩn” đi nhiều và chưa được lôi ra ánh sáng”, TS Đoàn Văn Báu cho biết.

PV: Trước thực trạng được xem là báo động nạn xâm hại trẻ em, ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

TS Đoàn Văn Báu: Trước hết phải khẳng định với nhau rằng, không chỉ có vụ việc vừa xảy ra tại Trung tâm hỗ trợ xã hội của TP HCM mà ta nói là số vụ việc tương tự nó đang gia tăng hay tăng đột biến. Tôi cho rằng, do sự phát triển của truyền thông và nhất là hệ thống mạng ngày nay mà người dân nhận được thông tin nhanh.

Ngoài ra, vụ việc khiến dư luận bất bình cùng với việc nhanh chóng vào cuộc của cơ quan chức năng nên vụ việc được phanh phui. Đã có ý kiến cho rằng, tình trạng XHTD trẻ có vẻ gia tăng là không đúng. Vì những vụ xâm hại trẻ em (ngay cả ở Vatican hay ở Hàn Quốc đã xảy ra vụ trẻ được nuôi dạy ở trường khuyết tật bị XHTD) ở Việt Nam chúng ta có nhiều vụ xâm hại tương tự nhưng vì nhiều yếu tố mà thường bị “ẩn” đi.

Cho tới nay, nước ta cũng chưa có khảo sát nào để làm rõ vấn đề số vụ việc XHTD trẻ em tăng hay giảm. Tôi chỉ “lưu ý” những vụ việc có tính chất bị “ẩn” đi do những vụ xâm hại đã từng được xử lý, cho thấy, pháp luật của ta mới chỉ qui định một số hành vi được coi là xâm hại thôi. Còn những hành vi xâm hại được xác định vô thức hay những hành vi mà LHQ qui định đó là hành vi xâm hại thì chúng ta chưa chú ý đến.

PV: Về quy định của pháp luật hiện hành trong việc xử lý những đối tượng XHTD trẻ em, nhiều người cho rằng mức xử phạt còn quá nhẹ, chưa xử lý nghiêm?

TS Đoàn Văn Báu: Từ vụ việc trên, cho thấy một mối lo ngại có thật, đó là sự buông lỏng quản lý về con người tại những trung tâm mà cần hơn bao giờ hết về tình người, tình thương đối với con trẻ. Ngoài ra, cho tới nay, pháp luật của nước ta mới qui định: Hiếp dâm, giao cấu với người dưới 16 tuổi là hành vi dâm ô trẻ em. Còn những hình thức như: Bắt trẻ nhìn, quay lén hay bắt nhìn bộ phận sinh dục, bắt “đụng”, chạm, sờ, mó… thì ta vẫn chưa qui định. Tức là, pháp luật của ta chưa bao quát được tất cả hành vi dùng làm căn cứ kết tội XHTD trẻ em.

Pháp luật ta cũng chưa qui định hành vi cụ thể nên khá khó khăn cho cơ quan thực thi, xử lý. Những vụ “dâm ô” thì cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Gần đây, TAND tối cao mới đưa ra hướng dẫn mới thế nào là hành vi được xác định là dâm ô, để làm căn cứ pháp lý để xét xử. Hay Bộ Công an mới có dự thảo tăng mức phạt với các hành vi dâm ô, hay như hành vi ...“cưỡng hôn” tại nơi công cộng (trước đây là 200.000 đồng thì nay tăng lên từ 3-5 triệu đồng).

Tuy nhiên tăng mức phạt là chưa đủ. Vì chúng ta phải hiểu, các đối tượng XHTD trẻ em không hề sợ số tiền phạt là bao nhiêu. Trên thế giới, hiện trong xử lý tội XHTD thì ngoài việc kẻ vi phạm bị nộp mức tiền phạt rất cao còn bị “đánh” vào nhân phẩm, danh dự. Đó là, sau khi chấp hành án phạt về tội XHTD trẻ em xong thì kẻ vi phạm còn bị công khai danh tính trong vòng 5 hay 10 năm tại khu vực đã “gây án” để người dân đều biết mà tránh. Có như vậy mới mang tính răn đe cao.

TS Đoàn Văn Báu.

TS Đoàn Văn Báu.

PV: Theo Tiến sĩ, để phòng ngừa nạn XHTD trẻ em thì cần thực hiện những vấn đề gì trước mắt cũng như lâu dài?

TS Đoàn Văn Báu: Vấn đề cốt lõi nhất là đầu tiên ta nên xem xét, thay đổi các qui định pháp luật, theo hướng hoàn thiện và bao quát nhất liên quan tới tất cả tới thế nào là hành vi XHTD trẻ em.

Kể cả những hành vi mới, chưa được pháp luật qui định xuất hiện gần đây, như: Hành vi dùng camera quay lén ở nơi công cộng; hay hành vi của kẻ “biến thái” khoe “của quí” nơi công cộng.

Bên cạnh đó cần bổ sung mức chế tài có sức răn đe với kẻ vi phạm như đã nói; quan trọng nữa là cần đưa môn học kỹ năng sống với môn học phòng ngừa bị XHTD cho trẻ ở tất cả các cấp học cho phù hợp: Mầm non, Tiểu học hay THCS. Vì bố mẹ sẽ không thể ở bên con 24/24, chính trẻ phải tự được học, để trang bị cho mình khả năng tự phòng vệ trước hành vi của kẻ xấu; nâng cao ý thức của PHHS trong quản lý, giáo dục con biết bảo vệ an toàn khi bị tình huống XHTD.

Ta đã có Hội bảo vệ Bà mẹ trẻ em với Tổng đài là 111 cho việc này. Thế nhưng rất ít người liên hệ tới Tổng đài này nhờ tư vấn hay xin “cấp cứu” về vấn đề XHTD trẻ em. Do vậy, ta cần củng cố đơn vị này. Trong đó qui tụ các chuyên gia tâm lý, luật sư, bác sĩ ... những người có thể trợ giúp các em khi bị XHTD. Còn hiện nay ta đang xử lý các vụ XHTD trẻ em theo kiểu mạnh nơi nào xử lý theo cách nơi đó. Phải củng cố lại cơ quan chuyên trách xử lý vi phạm XHTD trẻ em, từ đó mới có phương pháp phòng chống, đó là những giải pháp căn cơ cần thực hiện. Ngoài ra, phải xét xử thật nghiêm minh những vụ việc XHTD trẻ em từ vụ ông Nguyễn Hữu Linh, ông Đinh Bằng Mi (ở Phú Thọ); và tới đây là vụ ông Nguyễn Tiến Dũng tại Trung tâm hỗ trợ trẻ em thì mới có tác dụng răn đe.

PV: Thưa TS, kẻ vi phạm tội XHTD có thể được liệt kê vào danh sách những người có bệnh lý bẩm sinh hay do trong quá trình làm việc có môi trường khiến họ nảy sinh ý định xấu với trẻ?

TS Đoàn Văn Báu: Theo ghi nhận của Y văn cho thấy chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ những kẻ có hành vi XHTD có tình trạng lệch lạc về tình dục; mà đa số trước đó họ là người bình thường, thực tế có kẻ vi phạm là những người bề ngoài trông đạo mạo, có chức quyền…

Do đó, số liệu thống kê cho biết: 93% kẻ XHTD là người mà nạn nhân quen biết; người lạ chỉ có 7%. Và 47% là người thân trong gia đình. Do vậy những người làm về vấn đề pháp luật liên quan trong lĩnh vực xử lý tội phạm XHTD cần thay đổi nhận thức về đối tượng vi phạm. Kẻ xâm hại có thể là bất kỳ ai, và không loại trừ người thân trong gia đình. Do đó, đơn cử, khi dạy trẻ phòng ngừa, cũng không nên chỉ dạy các em là chỉ phòng ngừa người lạ, mà không loại trừ cả người thân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huyền Nga -Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giai-dap-phap-luat/ke-xam-hai-tre-em-co-the-chinh-nguoi-than-570982/