'Kẻ xâm nhập' nguy hiểm

Dị ứng thuốc tùy thuộc cơ địa từng người, không phụ thuộc vào liều thuốc sử dụng. Bất kỳ loại thuốc nào cũng có nguy cơ gây dị ứng, kể cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên.

Theo dược sĩ Vĩnh Phú, thuốc là hợp chất hoặc hỗn hợp nhiều chất được đưa vào cơ thể nhằm mục đích phòng, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Tuy nhiên, cùng với việc mang lại tác dụng trị liệu thì nó cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn, hoặc những biến cố có hại trong quá trình sử dụng. Mà trong đó, dị ứng thuốc là một trong những phản ứng có hại của thuốc không đoán được. Đó chính là “kẻ xâm nhập” nguy hiểm.

Về nguyên tắc, dị ứng thuốc là khi cơ thể không dung nạp được với hoạt chất hoặc tá dược có trong thuốc, dẫn đến phản ứng của hệ miễn dịch, gây nên các biểu hiện bất thường và có hại cho cơ thể người sử dụng thuốc. Dị ứng thuốc tùy thuộc cơ địa từng người, không phụ thuộc vào liều thuốc sử dụng. Bất kỳ loại thuốc nào cũng có nguy cơ gây dị ứng, kể cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên. Tuy nhiên, gây dị ứng nhiều nhất là các thuốc kháng sinh và tiếp đến là vitamin, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs).

Có thể kể đến một số dị ứng thuốc như sau:

- Dấu hiệu trên da: Hầu hết các trường hợp dị ứng thuốc đều có các biểu hiện đầu tiên trên da, là những dấu hiệu dễ nhận biết nhất xuất hiện sau vài phút đến vài ngày. Người mắc thường nổi mề đay, bệnh nhân có cảm giác ngứa rát, châm chích vài chỗ trên da, khu trú ở đầu, mặt, cổ, tứ chi hoặc toàn thân. Càng gãi sẽ càng lan rộng. Người mắc cũng có thể bị phát ban đỏ, thường từ thân mình rồi lan sang các chi, đầu cổ, có thể kèm theo ngứa và sốt nhẹ.

Cần lưu ý, những dấu hiệu dị ứng đầu tiên trên da có thể là khởi đầu cho tình trạng dị ứng nặng và nghiêm trọng, vì vậy không được chủ quan, cần theo dõi và đến bệnh viện ngay nếu chúng tiến triển nhanh chóng hoặc có thêm các dấu hiệu bất thường khác.

- Các dấu hiệu toàn thân và sốc phản vệ: Liên quan đến nhiều hệ thống của cơ thể do hệ miễn dịch phản ứng thái quá với thuốc - đây chính là “kẻ xâm nhập” nguy hiểm. Với tai biến sốc phản vệ nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ dần hôn mê, nghẹt thở, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhồi máu, ngừng tim và có thể tử vong.

Cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay nếu có các dấu hiệu sau: Cảm giác bất thường: Tê cứng và sưng môi, lưỡi, bồn chồn, hốt hoảng. Khó thở, thở nhanh và nông, có thể có tiếng rít do phù nề thanh khí quản, co thắt cơ trơn. Huyết áp hạ do giãn mạch nặng, tim đập nhanh. Đau quặn bụng, nôn, chảy nước mũi, tiêu tiểu không kiểm soát.

Để phòng tránh dị ứng thuốc thì nhất thiết phải ngừng ngay loại thuốc đang sử dụng khi có các dấu hiệu dị ứng đầu tiên và báo với bác sĩ điều trị. Khai báo những loại thuốc đã từng gây dị ứng và các loại thuốc (kể cả thuốc Nam, thuốc Bắc), thực phẩm chức năng đang sử dụng khi bác sĩ kê toa hoặc khi mua thuốc ở nhà thuốc. Không tự ý mua thuốc điều trị. Tuyệt đối không dùng lại những loại thuốc đã có dấu hiệu dị ứng dù là tình trạng nhẹ, vì phản ứng dị ứng lần sau sẽ nặng nề hơn rất nhiều do hệ miễn dịch đã “ghi nhớ” và sẽ phản ứng nhanh, mạnh hơn với loại thuốc đó.

Dược sĩ LƯU TUẤN HUY

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ke-xam-nhap-nguy-hiem-508612.html