Ken Block đối mặt 'Tử thần' khi làm clip Climbkhana Ford Mustang 1400hp

Để thực hiện video Climkhana - chinh phục đỉnh Pikes Peak, tay đua Ken Block cùng ekip đã phải đối mặt với thách thức từ thiên nhiên và chiếc xe độ Ford Mustang 1400 mã lực.

Được tung ra trong tuần vừa qua, Climbkhana là sản phẩm mới nhất trong loạt video trình diễn kỹ thuật lái xe của tay đua Ken Block. Trong video mới nhất, Ken Block sử dụng chiếc Ford Mustang độ đời 1965 có tên "Hoonicorn V2" để chinh phục con đường đồi leo lên đỉnh Pikes Peak tại Colorado, Mỹ. Dù chỉ có độ dài 10 phút nhưng trên thực tế, để thực hiện Climbkhana, ekip sản xuất đã phải mất tổng cộng 12 ngày, chia thành 3 chuyến đi tới Pikes Peak trong vòng 1 năm và phải đối mặt với đủ thách thức - từ "mẹ thiên nhiên" lẫn chiếc Ford Mustang.

Lần đầu tới Pikes Peak:

Liên tục đặt ra những giới hạn mới trong mỗi video, Ken Block và đội sản xuất nội dung Hoonigan Media Machine của anh đã cố gắng đưa Climbkhana lên một tầm cao mới với ekip quay chuyên nghiệp như từ Hollywood. Như các video Gymkhana trước đây, Ken là tay lái chính và người bạn thân của anh - Brian Scotto là giám đốc sáng tạo - đồng đạo diễn. Tuy nhiên lần này, họ còn có sự góp mặt của một tay đua huyền thoại đã từng nhiều lần chinh phục đỉnh Pikes Peak.

Ken Block (trái) và Brian Scotto (phải).

Hiện tại là một đạo diễn nhưng ông Jeff Zwart - Giám đốc công ty truyền thông Radical Media trước đây đã từng là nhà vô địch 8 lần giải đua leo đồi Pikes Peak. Chưa dừng lại ở đó, Jeff cũng đã làm nghề nhiếp ảnh đua xe trong một khoảng thời gian. Những kinh nghiệm tại Pikes Peak mà Jeff có được từ góc nhìn của một tay đua, cũng như một đạo diễn đã khiến ông được lựa chọn để cùng chỉ đạo với Brian Scotto.

Jeff Zwart.

Vào khoảng thời gian này 1 năm trước, chiếc Ford Mustang đời 1965 với tên gọi Hoonicorn, từng xuất hiện trong video Gymkhana 7 đã được chính thức nâng cấp lên cấu hình Hoonicorn V2 để có thể thực hiện Climbkhana. Nếu như mọi chuyện thuận lợi, Climbkhana đã được tung ra vào năm ngoái. Tuy nhiên do kế hoạch của đoàn liên tục bị phá vỡ, họ đã phải đi tới Pikes Peak 3 lần chỉ để hoàn thành gần 10 phút của Climbkhana.

Mỗi khi tới Pikes Peak, ekip thực hiện lại phải đối mặt với những cơn gió cực mạnh và tuyết rơi, khiến mỗi ngày quay bị rút ngắn xuống rất nhiều. Đôi lúc đoàn phải nghỉ quay do thậm chí còn không thể đặt chân lên núi được. Sau 2 lần thất bại, dự án Cilmbkhana đã suýt nữa bị hủy, tuy nhiên Ken Block đã quyết tâm thực hiện nó bằng được.

Không chỉ có thời tiết, động cơ tăng áp kép của Hoonicorn V2 cũng là một thách thức không nhỏ. Cụ thể hơn, áp suất thân máy tăng quá lớn khi động cơ tạo ra 1400 mã lực đã khiến dầu bị xì ra ngoài khi Ken chạy trên Pikes Peak. Mỗi lần xì dầu, đội thợ máy phải "thay nóng" động cơ tại hiện trường, hoặc nghỉ quay sớm. Chính vì vậy, Climbkhana không chỉ là một cuộc chiến giữa con người với thiên nhiên, mà còn là giữa con người với cỗ máy.

Tuy nhiên khi thời tiết thuận lợi và Hoonicorn V2 hoạt động đúng như dự tính, các cảnh quay được hoàn thành rất nhanh chóng. Những cột khói được tạo ra do lốp cháy hòa lẫn giữa các ngọn cây tạo thành một cảnh tượng kỳ vĩ. Nếu như chiếc xe vẫn ở cấu hình động cơ nạp khí tự nhiên như khi quay Gymkhana 7, khung cảnh này sẽ không thể có được.

Ở độ cao ngang mực nước biển, động cơ nạp khí tự nhiên của Hoonicorn có thể tạo ra 845 mã lực. Tuy nhiên do đỉnh Pikes Peak nằm ở độ cao 4302,25 m so với mực nước biển, nhiều khả năng tối đa 30% công suất này sẽ bị mất đi do không khí loãng. Trong khi đó, sau khi được nâng cấp lên cấu hình Hoonicorn V2, khối động cơ V8 tăng áp kép chạy methanol của chiếc xe được thiết kế để duy trì được 1400 mã lực.

Do methanol không có màu sắc, khi cháy không phát ra lửa và rất độc khi tiếp xúc với con người nên mỗi lần tiếp nhiên liệu, những thợ máy phải mặc đầy đủ đồ bảo hộ. Một thách thức khác của Climbkhana đó là giữ cho chiếc xe không bị lộ ra trước công chúng khi quay phim. Thời điểm Climbkhana được quay là ngay sau khi Ken Block hoàn thành Gymkhana 9 và lúc này dự án Climbkhana vẫn còn nằm trong vòng bí mật.

Công suất mạnh mẽ của Hoonicorn V2 khiến cho Ken có thể dễ dàng thực hiện các đường drift hay "đốt lốp", tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc động cơ hao mòn và hư hỏng nhanh hơn. Rất nhanh chóng sau khi đoàn bắt đầu quay, các lá côn của xe đã mòn vẹt. Mỗi lần động cơ hỏng, đội thợ máy sẽ phải ngay lập tức sửa chữa hoặc thay thế nó. Quá trình này nhiều lúc khiến họ phải thức trắng đêm.

Nếu như bạn là một khách du lịch tự lái xe lên đỉnh Pikes Peak, bạn sẽ phải dừng lại ở giữa đỉnh để kiểm tra nhiệt độ phanh xe. Phanh quá nóng, lực hãm sẽ bị giảm đi và nhiều khả năng dẫn tới mất phanh khi đang leo đèo. Nếu như nhân viên kiểm tra thấy phanh xe quá nóng, người lái sẽ phải vào trạm nghỉ để đợi phanh nguội trước khi có thể tiếp tục hành trình lên đỉnh. Ken Block cũng phải thực hiện bước kiểm tra này khi quay Climbkhana.

Trong cảnh quay tiếp theo, Ken muốn drift hết 1/3 đỉnh Pikes Peak chỉ trong một lần chạy. Tuy nhiên, trong chính phân đoạn này, dầu lại một lần nữa bị xì ra khỏi động cơ. Do không còn có động cơ thay thế, đoàn đã buộc phải bỏ cuộc giữa chừng và quay lại Pikes Peak trong một ngày khác.

Gian nan nối tiếp gian nan:

Vài tuần sau, đoàn làm phim lại tới Colorado lần thứ hai để cố hoàn thành Climbkhana. Ở lần này, các thợ máy đã tìm ra vấn đề, sửa đổi và thử nghiệm trước chiếc xe. Sau khi test thử hết công suất, Ken và đội của anh đã sẵn sàng để quay trở lại Pikes Peak, tuy nhiên ngọn núi này lại không chiều lòng người...

Mặc dù đoàn tới Pikes Peak lần thứ 2 vào tháng 8/2016, tuy nhiên tuyết vẫn rơi trên đỉnh núi này như thể đang mùa đông. Tầm nhìn bị giới hạn bởi sương mù, trong khi 1/3 đỉnh Pikes Peak đã bị bao phủ bởi tuyết mới. Điều khó chịu hơn, một ngày trước đó trời vẫn còn rất sáng sủa và nắng.

Tuy nhiên khá may mắn khi sau một khoảng thời gian buộc phải tạm nghỉ, đoàn đã được "mẹ thiên nhiên" ủng hộ khi nắng quay trở lại. Đó là một cơ hội rất nhỏ, tuy nhiên Ken và ekip đã ngay lập tức không để nó trôi qua một cách lãng phí.

Tiếp nối cảnh quay sau lần đầu tiên, Ken lại chạy hết 1/3 ngọn núi chỉ trong một lượt. Trong lần này, anh có thể nhìn thấy được đích đến, và chỉ còn phải quay một số cảnh nhỏ như mở đầu/kết thúc. Tuy nhiên, động cơ của chiếc Ford Mustang lại một lần nữa bị hỏng. Lần này do lý do an toàn, nên đoàn đã buộc phải ngừng quay dù vẫn còn có khả năng sửa chữa và tiếp tục.

Sau lần quay thứ hai, đoàn quay đã phải nghỉ tới 1 năm do không thể quay lại được Pikes Peak trong mùa đông. Vào thời điểm này, toàn bộ nửa trên của ngọn núi bị đóng băng.

Những nỗ lực cuối cùng:

1 năm là khoảng thời gian để các thợ máy và kỹ sư nghiên cứu, tìm cách khắc phục hoàn toàn các khiếm khuyết của động cơ để dự án Climbkhana có thể kết thúc được. Thậm chí, họ còn thuê sân bay nằm cao nhất so với mực nước biển tại Mỹ chỉ để chạy thử hết công suất "con quái vật" Hoonicorn V2.

Sau gần 1 năm chờ đợi, ekip thực hiện Climbkhana đã quay trở lại Pikes Peak lần thứ 3. Lần này, họ không còn đường lùi và nếu không thành công, dự án Climbkhana sẽ chính thức bị hủy bỏ. Từ góc độ kỹ thuật, mọi việc khá suôn sẻ khi chiếc xe đã có thể vận hành hoàn hảo.

Ken cũng đã sẵn sàng để thực hiện những cảnh quay cuối. Việc phải quay một dự án 3 lần liên tục đã thử thách sự kiên nhẫn của tất cả mọi người. Cảnh quay đầu tiên trong lần thứ 3 đó là Ken sẽ drift chiếc Mustang qua những cỗ máy dọn tuyết đang chạy trên đường. Do đã được lắp hệ thống chống trễ tăng áp (anti-lag), Hoonicorn V2 phát ra những tiếng nổ "chát chúa" và kích thích hơn.

Không chỉ nghe có vẻ nhanh hơn, chiếc xe còn đạt tốc độ cao hơn. Khả năng tăng tốc của Hoonicorn V2 khiến bất kỳ ai cũng có thể "choáng ngợp" khi nhìn từ bên ngoài. Ở các đoạn thẳng, Ken đã nhanh chóng chuyển qua các cấp số của xe do nó tăng tốc quá nhanh. Tất cả mọi người đều có thể "thở phào nhẹ nhõm" và hạnh phúc khi không còn gặp trở ngại kỹ thuật nào nữa.

Trước khi ngọn núi mở cửa, đoàn làm phim hoàn toàn có quyền tự do kiểm soát Pikes Peak. Tuy nhiên sau 9 giờ sáng, những đoàn xe của người tham quan đỉnh đã dần bò lên, thôi thúc ekip phải tăng tốc. Từ trước tới nay, họ chưa từng quay được shoot nào ở gần đỉnh núi do thời tiết và các lỗi kỹ thuật của chiếc xe. Ở các đoạn thẳng, chiếc Hoonicorn V2 liên tục đạt tốc độ tối đa nằm trong khoảng 3 chữ số.

Vào cuối ngày quay đầu tiên, họ đã có đủ tư liệu để làm một video hoàn chỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc Ken có thể tự do thực hiện các pha stunt "điên" hơn trong ngày thứ hai. Thời tiết trong ngày quay thứ hai hơi tệ một chút khi dù có nắng, nhưng tuyết vẫn rơi vào cùng một thời điểm.

Tuy nhiên, một ý tưởng của Ken Block khiến mọi người thực sự lo ngại, khi anh muốn drift ở một góc cua sát lề vực thẳm. Đoàn làm phim có lý do phải lo lắng, khi tay đua Jeremi Foley đã từng "phá tan" một chiếc xe đua Mitsubishi Lancer Evolution khi rơi xuống vực, cũng tại góc cua này.

Ken xếp một tháp bằng đá ở sát lề góc cua. Mục tiêu của anh là đánh đổ tháp đá này bằng phần đuôi của chiếc Hoonicorn V2. Và Ken đã thực hiện được nó. Trong khoảnh khắc khi Ken drift sát lề, gần như tất cả mọi người đều đã nghĩ rằng anh sẽ rơi xuống. Tuy nhiên cuối cùng, hệ thống dẫn động 4 bánh đã khiến cầu trước có độ bám để kéo Ken cùng chiếc xe ra khỏi góc cua.

Bức ảnh trên đã cho thấy Ken đã "suýt chết" như thế nào, khi bên dưới anh là vực sâu. Điều phi thường hơn, anh đã chỉ thực hiện được pha stunt nguy hiểm này với một lần chạy thử trước để tìm ra quỹ đạo phù hợp nhất.

Khi được cho xem lại thước quay, chính Ken cũng không thể tin được mình đã sát lề vực đến chừng nào. Việc thực hiện được cú drift sát lề cũng khiến cho không khí của cả đoàn làm phim trở nên tích cực hơn.

Hiện trường góc cua sau khi Ken Block thực hiện cú drift. Anh đã thực hiện cảnh quay này "mượt" đến mức đường trượt của lốp xe giữa mặt đường nhựa và nền đất nối tiếp hoàn hảo với nhau. Với cảnh quay nguy hiểm nhất đã hoàn thành, đương nhiên Ken sẽ phải ăn mừng bằng một cú "đốt lốp" nhiệt tình.

Những đám mây đen bắt đầu kéo đến, nhưng đoàn làm phim vẫn muốn quay một số cảnh nữa trước khi đóng máy. Chiếc Mustang đã được gắn bộ cẩu cồng kềnh, nhưng do động cơ mạnh nên hiệu năng của nó không bị ảnh hưởng nhiều.

Ken đã chạy một vài lần, sau đó tháo cẩu và thực hiện cảnh quay cuối cùng. Cả đoàn làm phim lên tới đỉnh Pikes Peak và dừng lại ở vạch đích. Do không khí loãng, đứng ở độ cao này đã trở nên khó khăn, chưa kể tới việc họ phải chạy đi chạy lại, Nếu không dừng lại hít thở, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bị choáng.

Jeff là người vẫy cờ đón chào Ken Block về đích. Sau nhiều năm ngồi trên ghế lái, đây là lần đầu tiên ông có dịp vẫy cờ đón chào tay đua ở Pikes Peak. Ken cố tình "đốt lốp" thêm một lần nữa tại vạch đích, chính thức kết thúc quá trình quay Climbkhana. Tất cả mọi người đều vui mừng khôn xiết. Với tổng cộng 12 ngày quay liên tục, Climbkhana là dự án video dài nhất mà Ken Block từng thực hiện. Tại các video Gymkhana trước, ekip chỉ mất tối đa 4 tới 5 ngày.

Sự thành công của Climbkhana đã khiến người yêu xe đặt câu hỏi: liệu Ken Block và ekip sẽ cho khán giả thấy gì trong Gymkhana phần 10? Câu trả lời sẽ có trong tương lai, nhưng có một điều chắc chắn rằng anh sẽ không khiến họ thất vọng!

Nguyễn Huy (theo SpeedHunters)

(Theo Nghe nhìn Việt Nam)

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/nhip-song/ken-block-doi-mat-tu-than-khi-lam-clip-climbkhana-ford-mustang-1400hp-21281.html