Kênh tình báo với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

Khả năng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày càng trở nên rõ ràng, khi xuất hiện các thông tin xác nhận Washington và Bình Nhưỡng đã tiến hành các cuộc đối thoại bí mật và thẳng thắn để lãnh đạo hai nước gặp nhau.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên được cho là sẽ diễn ra vào tháng 5 tới

Đài truyền hình CNN (Mỹ) đưa tin Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo - người sắp đảm nhận cương vị Ngoại trưởng Mỹ và một nhóm nhân viên đang làm việc thông qua các kênh tình báo để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Thông tin này phù hợp với tin được đăng trên tờ New York Times tháng trước, cho biết CIA đang dẫn đầu các công tác chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh này.

Trên thực tế, phía Triều Tiên chưa chính thức gửi lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mới chỉ có tiết lộ rằng một phái viên Hàn Quốc đã chuyển lời mời này tới phía Mỹ khi có cuộc gặp với ông Donald Trump ngày 8-3 vừa qua. Tuy nhiên, việc các cuộc gặp bí mật đang diễn ra là dấu hiệu cho thấy công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có tiến triển.

Trong quá khứ, Washington từng nhiều lần sử dụng kênh đối thoại bí mật để đạt được các thỏa thuận với Triều Tiên. Chẳng hạn như các cuộc trao đổi dẫn đến việc Bình Nhưỡng trao trả sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người bị bắt vào tháng 1-2016 và bị tòa án tối cao Triều Tiên kết án 15 năm tù khổ sai vì lấy trộm biểu ngữ tuyên truyền trong khách sạn ở Bình Nhưỡng. Không chỉ riêng Mỹ, Phái đoàn Nghị viện châu Âu mới đây cũng tiết lộ đã bí mật tiếp xúc 14 lần với Triều Tiên trong suốt 3 năm qua nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng đàm phán kết thúc chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia hiện đều hoài nghi về khả năng Triều Tiên sẵn sàng ngồi vào bàn thảo luận nghiêm túc về phi hạt nhân hóa với Mỹ. Thực tế trong các năm 1994, 2000 và 2007, Bình Nhưỡng từng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại viện trợ và nới lỏng trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, kết quả như thế nào đến giờ phút này đã rõ.

Trở ngại là bởi cách tiếp cận vấn đề cũng như sự nghi kỵ quá lớn giữa hai bên. Đòi hỏi của phía Mỹ là việc thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên phải được tiến hành một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Chẳng hạn, các lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên phải bị phá hủy, các thanh nhiên liệu phải được chuyển đến Mỹ...

Thế nhưng, kịch bản giao nộp hạt nhân của Libya dưới thời ông Muammar Gaddafi đã khiến Bình Nhưỡng do dự. Năm 2004, dưới sự thuyết phục của Anh và Mỹ, ông Gaddafi đồng ý từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Toàn bộ chương trình hạt nhân của Libya sau đó được “đóng gói” và đưa tới Mỹ. Tuy nhiên, 7 năm sau sự kiện trên, chính Mỹ đã dẫn đầu liên minh 15 nước không kích lật đổ chế độ của ông Gaddafi, còn bản thân ông Gaddafi thì bị hành quyết không qua xét xử.

“Bài học Libya” luôn khiến Triều Tiên phải cảnh giác. Vì thế, nếu Mỹ vẫn kiên định tiếp cận theo cách áp đặt, xung đột giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ có thể hóa giải, và cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên sẽ chỉ là bước đi chiến thuật của Bình Nhưỡng nhằm đổi lấy viện trợ chứ không phải thực chất.

Trong bối cảnh đó, chưa ai có thể dự đoán về triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Có điều là sau cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Triều giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng trước, việc Washington và Bình Nhưỡng bí mật tiếp xúc khiến khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra đúng dự kiến và tháng 5 tới.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/kenh-tinh-bao-voi-cuoc-gap-thuong-dinh-my-trieu-tien/763528.antd