Keo tản nhiệt DSA: Quả ngọt mới từ hoạt động nghiên cứu khoa học

Lợi ích của dòng keo tản nhiệt 'Made in Việt Nam' này được nhiều doanh nghiệp trong nước đánh giá cao và sẵn sàng chọn thay thế sản phẩm nhập ngoại.

Keo tản nhiệt DSA do Phòng thí nghiệm công nghệ Nano (Trung tâm Nghiên cứu Triển khai - Khu Công nghệ cao TP.HCM) nghiên cứu và phát triển. Sản phẩm thuộc dự án khoa học và công nghệ thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu triển khai tại SHTP giai đoạn 2017 - 2018 theo quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 17/5/2017 của UBND TP.HCM.

Thành công của dự án nghiên cứu DSA là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự hỗ trợ của chính quyền TP.HCM, và các Sở, Ban ngành liên quan trong hoạt động thúc đẩy nghiên cứu KHCN, phát triển thị trường cho các đề tài và nghiên cứu KHCN có tính ứng dụng cao, thiết thực.

Tại buổi giới thiệu xu hướng nghiên cứu, ứng dụng gốm và graphene trong sản xuất keo tản nhiệt được Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 19/10/2018, nhóm chuyên gia ở Trung tâm Nghiên cứu Triển khai (Khu Công nghệ cao TP.HCM) đã giới thiệu công nghệ sản xuất keo tản nhiệt ứng dụng gốm và graphene, so sánh hiệu năng của keo tản nhiệt gốm và graphene với các sản phẩm thương mại trên thị trường, đồng thời trình bày kết quả ứng dụng cho đèn LED và chip điện tử nhằm tăng cường hiệu năng giải nhiệt dùng trong đèn LED và chip điện tử.

Xem video: Tổng quan về keo tản nhiệt và vật liệu sử dụng nhằm tăng cường hiệu năng giải nhiệt dùng trong đèn LED và chip điện tử trên thế giới và tại Việt Nam (Trình bày: Th.S Tiêu Tư Doanh – Trung tâm Nghiên cứu Triển khai, Khu Công nghệ cao TP.HCM)

Xem video: Phân tích xu hướng nghiên cứu và ứng dụng gốm và graphen trong sản xuất keo tản nhiệt trên cơ sở số liệu sáng chế quốc tế (Trình bày: CN. Nguyễn Trung Hiếu – Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM)

Xem video: Giới thiệu sản xuất keo tản nhiệt ứng dụng gốm và graphen tại Trung tâm Nghiên cứu Triển khai, Khu Công nghệ cao TP.HCM (Trình bày: TS. Đỗ Hữu Quyết và CN. Hoàng Công Quý – Trung tâm Nghiên cứu Triển khai, Khu Công nghệ cao TP.HCM)

Keo tản nhiệt DSA được sản xuất từ vật liệu than ống nano carbon và graphene, được ứng dụng làm vật liệu giao tiếp nhiệt (TIMs-Thermal Interface Materials) cho các thiết bị điện tử như chip máy tính, đèn LED... nhằm bảo đảm hiệu suất làm việc và tuổi thọ cho các thiết bị.

Sản phẩm đã đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) với mã số đăng ký SC 1-2016-03212, đạt chỉ tiêu môi trường QUATEST 3.

Trong đó, vật liệu graphene được nhóm nghiên cứu Phòng thí nghiệm công nghệ Nano chế tạo thành công bằng phương pháp hóa học. Các tính chất của loại vật liệu này đã được kiểm tra tại nhiều nơi như Viện công nghệ nano (ĐHQG TP.HCM), Phòng thí nghiệm trọng điểm vật liệu Polyme và Compozit (ĐHQG TP.HCM), Phòng kiểm định đánh giá chất lượng (Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp TP.HCM).

Graphene là một lớp các nguyên tử carbon được xắp xếp thành mạng lục giác hai chiều (mạng hình tổ ong), được phát hiện bởi Andre Geim và Kostya Novoselov vào năm 2004. Graphene là vật liệu có nhiều tính chất đặc biệt như dẫn nhiệt, dẫn điện tốt, có độ cứng rất lớn (gấp hàng trăm lần so với thép) và gần như trong suốt.

Ở dạng tinh khiết, graphene dẫn điện nhanh hơn bất cứ chất nào khác ở nhiệt độ bình thường. Graphene có thể truyền tải điện năng tốt hơn đồng gấp 1 triệu lần. Hơn nữa, các electron đi qua graphene hầu như không gặp điện trở nên ít sinh nhiệt. Bản thân graphene cũng là chất dẫn nhiệt, cho phép nhiệt đi qua và phát tán rất nhanh. Độ dẫn nhiệt của graphene cỡ 5.000 W/mK.

TS. Đỗ Hữu Quyết - Trưởng nhóm nghiên cứu năng lượng thuộc Phòng thí nghiệm công nghệ Nano giới thiệu sản phẩm keo tản nhiệt trong sản xuất các thiết bị điện tử tại buổi công bố sản phẩm diễn ra vào hôm 25/9.

Bởi vậy, vật liệu này đã và đang được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực quan trọng như tích trữ năng lượng, pin mặt trời, transistors, xúc tác, cảm biến, vật liệu polymer tổ hợp...

Bên cạnh loại keo tản nhiệt DSA có hệ số dẫn nhiệt 1,62 W/mK, còn thêm 2 sản phẩm khác là keo tản nhiệt DSA1 có hệ số dẫn nhiệt > 2 W/mK và DSA2 có hệ số dẫn nhiệt > 3 W/mK, đáp ứng đa dạng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Với độ ổn định cao, tương đương với sản phẩm từ các nước phát triển và nhất là giá thành sản xuất chỉ bằng khoảng 25% giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường, các loại keo tản DSA có nhiều cơ hội để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với quy mô 200 tỷ đồng/năm.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Triển khai (Khu Công nghệ cao TP.HCM) cho biết, hiện đã có một số doanh nghiệp trong nước như Robot, Rạng Đông, Điện Quang… tìm hiểu và muốn đặt hàng để thay thế sản phẩm nhập khẩu.

Trước đó, vào hôm 15/9, Trung tâm Nghiên cứu Triển khai (Khu Công nghệ cao TP.HCM) và Công ty Cổ phần Chíp Sáng đã ký kết hợp tác trong sản xuất và thương mại hóa keo tản nhiệt DSA.

Thị trường đầy hứa hẹn

TS Đỗ Hữu Quyết cho biết thêm: “Khi chúng tôi nghiên cứu và chế tạo keo tản nhiệt DSA thì bài toán thị trường được hướng đến. Cụ thể là thị trường trong nước với các công ty thiết kế, lắp ráp đèn LED; công ty lắp ráp, sản xuất máy tính, điện thoại, chip… và thị trường bán lẻ”.

Trước mắt, SHTP Labs cùng hợp tác với Công ty Chíp Sáng - một doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao - để làm “bàn đạp” cho sản phẩm này ra thị trường lớn hơn.

Giải thích cho mối hợp tác này, ông Phạm Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chíp Sáng, cho rằng từ một sản phẩm nghiên cứu vượt qua “thung lũng chết” để thương mại được trên thị trường là không dễ dàng. Đã có rất nhiều kết quả nghiên cứu tốt nhưng chỉ dừng lại ở những mẫu thử tại vài doanh nghiệp, những bài báo khoa học. Vậy nên rất cần một chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.

Công ty Chíp Sáng với bề dày trong phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ đặc biệt liên quan đến công nghệ điện tử, thiết bị điện…, thì với sản phẩm keo tản nhiệt DSA, họ nhìn thấy thị trường rộng mở.

“Chúng tôi liên kết, hợp tác, sản xuất và kinh doanh những sản phẩm công nghệ cao nên sản phẩm keo tản nhiệt DSA sẽ không đi theo hướng nhỏ, lẻ. Cụ thể, Chíp Sáng cùng SHTP Labs phát triển sản phẩm ở quy mô lớn hơn. Đưa sản phẩm ra thị trường bằng cách đi vào các doanh nghiệp sản xuất công nghệ lớn”, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết thêm.

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, khẳng định sản phẩm nghiên cứu đi vào thương mại hóa là cả một quá trình, với keo DSA cũng vậy, nên sự hợp tác với Công ty Chíp Sáng là hết sức cần thiết để sản phẩm được sản xuất công nghiệp, được đưa vào sử dụng ở các công ty sản xuất thiết bị điện tử.

(theo SGGP Online)

Hoàng Kim

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/giai-phap/2018/10/1258936/keo-tan-nhiet-dsa-qua-ngot-moi-tu-hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc/