Kết cục nào cho Trump nếu cùng tuyên chiến cả IS và Iran?

Lo sợ về tam giác liên minh Nga – Thổ - Iran, liệu ông Trump có quyết “đánh” cả Iran và IS?

Thái độ “hằn học” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Iran đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nảy lửa, về những khả năng xung quanh “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ tại Syria và Iraq. Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra đó là, liệu các chiến dịch tiêu diệt lực lượng khủng bố trong khu vực của Mỹ có thành công, nếu nước này quyết định cô lập Iran – quốc gia Hồi giáo đã và đang giữ vai trò không thể bị xem thường, trong những nỗ lực tìm và tiêu diệt khủng bố tại Trung Đông.

Cùng lúc tuyên chiến với cả Iran và IS không có lợi gì cho Mỹ

Trong một bài viết cho tạp chí American Conservative về tương lai mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, Sharmine Narwani - nhà phân tích địa chính trị và chuyên gia về các vấn đề Trung Đông – cho rằng, Washington sẽ không thể đạt được điều gì nếu họ tiến hành chiến tranh với cả IS và Iran tại khu vực Trung Đông.

Tổng thống Trump, trong cuộc phỏng vấn gần đây với kênh Fox News, từng gọi Iran là “quốc gia khủng bố số một”. Hai ngày sau đó, ông tiếp tục khẳng định lại điều này trên trang Twitter của mình. “Tôi không biết Putin, không có thỏa thuận gì tại Nga, và những kẻ ganh ghét đang phát điên lên – nhưng Obama có thể thỏa thuận với Iran, kẻ khủng bố số 1, không vấn đề gì cả,” ông Trump “chia sẻ” với 24 triệu người theo dõi trên Twitter.

Ông Trump tiếp tục gọi Iran là "kẻ khủng bố số 1" trên Twitter

Đáp trả lại, nước Nga đưa ra tín hiệu thể hiện sự không hài lòng với cách tiếp cận vấn đề của Tổng thống Mỹ. “Chúng tôi không đồng ý với cách nhìn nhận này,” phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov phát biểu hồi đầu tuần. “Chúng tôi đã hợp tác trong một số lĩnh vực [với Iran]. Chúng tôi trân trọng các mối quan hệ thương mại và kinh tế [giữa hai quốc gia] và hy vọng, chúng sẽ tiếp tục phát triển.”

Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh rằng, chưa từng có bằng chứng nào cho thấy Tehran có liên hệ gì với IS, Mặt trận al-Nusra hay bất kỳ nhóm khủng bố nào. “Iran chưa từng bị phát hiện có bất kỳ mối quan hệ nào với IS, Mặt trận al-Nusra hay có bất kỳ hình thức nào dính dáng đến các tổ chức khủng bố này cũng như những tổ chức nằm trong danh sách của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc,” ông Lavrov nói.

Ngài Bộ trưởng Nga cũng ca ngợi những đóng góp của Iran vào cuộc chiến chống lực lượng IS tại Trung Đông, và theo ông, quốc gia này xứng đáng trở thành một phần của liên minh chung trong những nỗ lực chống lại khủng bố: “Chúng tôi từ lâu đã tán thành ý tưởng thành lập một mặt trận chống khủng bố thống nhất. Tôi tin rằng, nếu chúng ta có được cách tiếp cận khách quan đối với những thành phần tham gia liên minh, Iran chắc chắn cần phải là một phần của mặt trận chung này.”

Chuyên gia Narwani đồng tình với lập trưởng của Moscow: “Cộng hòa Hồi giáo Iran có mối quan hệ tốt với cả Damascus và Baghdad. Iran đã thành công huấn luyện, cung cấp vũ khí hoặc hướng dẫn các lực lượng quân đội và du kích trong cuộc chiến chống lại các binh lính Hồi giáo cực đoan.”

“Mỗi lần Mỹ can thiệp nhằm cố gắng cô lập hoặc phủ quyết vai trò của Iran, họ rốt cuộc lại chỉ đang phá hoại những lực lượng [quân sự] đang chiến đấu khốc liệt nhất chống lại IS và al-Qaesa,” Narwani nhận định. Bà cũng cho biết, các nhóm khủng bố thường nhìn nhận Tehran như một trong những “kẻ thù chủ chốt trong khu vực”.

Mối đe dọa từ tam giác liên minh Nga- Thổ- Iran

Theo Narwani, Iran xứng đáng giữ một vai trò có ảnh hưởng lớn tại Trung Đông, và không thể đứng ngoài liên minh chống khủng bố nếu được lập ra trong tương lai.

Chuyên gia người Nga đề cập đến lời hứa “tìm kiếm tình hữu nghị và thiện chí với các quốc gia trên thế giới” của ông Trump trong lễ nhậm chức. Tân Tổng thống Mỹ cũng từng thừa nhận, không có gì sai trái với việc “mọi quốc gia đặt lợi ích của mình lên trên đầu tiên.” “Vì vậy, cần phải công nhận mong muốn theo đuổi lợi ích quốc gia – tại chính khu vực họ đang sống - của Nga, Syria, Iran, Iraq và Lebanon,” Narwani nhấn mạnh. Bà cũng đồng thời lý giải, nỗi lo sợ của Washington về Tehran xuất phát từ vị thế ngày càng lớn mạnh của Iran trong khu vực.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Alexander Kazakov, lý do trên không phải là cái cớ duy nhất giải thích cho thái độ “sặc mùi thuốc súng” của Mỹ dành cho Iran. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik, ông Kazakov nhận định, Tổng thống Trump “chủ yếu e ngại về tam giác liên minh bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.”

Ngoại trưởng ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong một cuộc họp báo tại Moscow tháng Mười hai năm ngoái

“Không có gì đáng ngạc nhiên. Tam giác liên minh này sẽ kiểm soát một cách không chính thức tình hình Trung Đông. Mỹ đã hiện diện tại khu vực này từ rất lâu, và chắc chắn sẽ không có dự định rút lui sớm. Điều này giải thích tại sao liên minh Nga, Thổ và Iran trở thành một vấn đề lớn cho Mỹ,” Kazakov nói.

Rõ ràng, các cuộc thảo luận tại Astana cho thấy, ít nhất, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã thành công trong việc sắp xếp để các bên chủ chốt trong cuộc chiến Syria ngồi vào chung một bàn đàm phán. Theo Narwani, quyền quyết định có tham gia liên minh hay không thuộc về Tổng thống Trump. Nếu ông chọn cô lập Iran, những nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố rất có thể sẽ vấp phải khó khăn, thậm chí là thất bại – bà Narwani đưa ra dự đoán.

(Theo Sputnik)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/ket-cuc-nao-cho-trump-neu-cung-tuyen-chien-ca-is-va-iran-228048.html