Kết hôn rồi gọi tháp Eiffel là 'chồng', người phụ nữ bị thiên hạ chê cười quái dị

Một số người thông cảm cho hành động của cô, nhưng cũng không ít người cho rằng hành động đó thật kỳ cục.

Nhắc tới tháp Eiffel - biểu tượng nổi tiếng nhất của Thành phố tình yêu Paris - thì hầu hết mọi người đều không còn xa lạ. Nhưng ít ai biết rằng, tòa tháp cao 300 mét là "chồng" trên danh nghĩa của người phụ nữ tên Erika LaBrie - một cung thủ chuyên nghiệp người Mỹ.

Năm 2007, Erika LaBrie tuyên bố kết hôn với tòa tháp nổi tiếng này sau 3 năm "quen biết". Erika lần đầu gặp "chồng" vào năm 2004 và ngay lập tức phải lòng với anh chàng bằng sắt với những đường cong quyến rũ này. Cô thậm chí còn đổi tên mình thành Erika Eiffel để cùng họ với chồng giống như bao cặp vợ chồng bình thường khác.

Erika LaBrie tuyên bố kết hôn với tháp Eiffel sau 3 năm quen biết.

Câu chuyện tình yêu kỳ lạ của người phụ nữ này đã xuất hiện trong bộ phim tài liệu "Married to the Eiffel Tower" và được đưa vào cuốn sách "Iron Lovers - My Trip to Erika Eiffel's World" (xuất bản năm 2012) của một nhà báo người Phần Lan.

Câu chuyện của Erika trở thành đề tài bàn tán, không chỉ giới truyền thông mà còn cả trên mạng xã hội. Một số người thông cảm cho hành động của cô nhưng cũng không ít người cho rằng hành động đó thật kỳ cục.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng Erika là một trong số vài chục người trên thế giới được biết đến là có khuynh hướng tình dục được gọi là "Objectum Sexuality" (viết tắt là OS) - bị quyến rũ bởi các vật thể, đồ đạc vô tri. Họ nói rằng họ đang yêu một vật thể nào đó một cách cực kỳ nghiêm túc. Họ có tình cảm với những vật thể này và thường tin rằng vật thể đó cũng đáp lại tình yêu của họ.

Những người như Erika bắt đầu các mối quan hệ bền chặt với các vật thể và họ xem các đối tượng đó như những đối tác bình đẳng. Đối tượng đầu tiên mà Erika yêu là một cây cung tên, cô thậm chí đặt tên cho nó là Lance. Tình yêu cháy bỏng, sự tôn thờ của Erika nghiêm túc và tận tâm đến nỗi nó đã giúp cô 2 lần trở thành nhà vô địch thế giới trong bộ môn bắn cung.

Trước khi trở thành "vợ" của tháp Eiffel, Erika từng yêu say đắm một chiếc cung tên.

Năm 2004, Erika yêu một vật thể khác, chính là tháp Eiffel. Erika kết hôn với tháp Eiffel vì tin rằng các mối quan hệ mà cô có với các vật thể là thực tế như bất kỳ mối quan hệ nào khác có sự đồng ý của hai người lớn.

Việc ai đó có tình yêu đặc biệt với một vật thể vô tri vô giác là rất hiếm, nhưng ngoài trường hợp của Erika, vẫn có những trường hợp tương tự khác trên thế giới đã được các nhà khoa học ghi nhận.

Edward Smith đem lòng yêu những chiếc xe của mình một cách lãng mạn như thể chúng là "nàng thơ". Anh viết thơ về những chiếc xe và nói chuyện với chúng như thể đang nói chuyện với một người bạn gái bằng xương bằng thịt. Edward nói rằng anh không muốn có mối quan hệ với một cô gái thật sự nào cả.

Năm 2017, một người phụ nữ tên Amanda Liberty, 33 tuổi, tới từ thành phố Leeds (Anh) cũng gây xôn xao khi kể về câu chuyện kết hôn với đèn chùm. Ngay từ ánh nhìn đầu tiên với chiếc đèn chùm kiểu cổ có xuất xứ từ Đức, Amanda đã ngất ngây và quyết định nhấn nút đặt mua qua eBay. Chiếc đèn chùm cao 70cm có giá 400 bảng (hơn 12 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) này được Amanda nâng niu, chiều chuộng, lau chùi hàng ngày kèm theo những nụ hôn ấm áp.

Sau đó, Amanda quyết định đính hôn với chiếc đèn Đức này. Điều kỳ lạ vẫn chưa hết, trong khi "hôn phu" bị treo ở phòng khách, Amanda hằng đêm lại "lên giường" với một chiếc đèn chùm khác. Thực tế, cả hai chỉ là một phần nhỏ trong số 25 chiếc đèn chùm khác, nằm trong bộ sưu tập tình ái của Amanda.

Câu trả lời nào cho những hiện tượng kỳ lạ này?

Năm 2017, các nhà tâm lý học đã bắt đầu nghiên cứu những người có quan hệ với đồ vật. Họ nói rằng việc bị lạm dụng tình dục hoặc chấn thương thời thơ ấu không nhất thiết là một yếu tố quyết định một người có bị thu hút bởi đồ vật hay không.

Tuy nhiên, một giả thuyết cho rằng những người bị OS có thể chỉ đơn giản là sợ hãi bị từ chối bởi một con người đang sống, đang thở. Vì những trải nghiệm bị từ chối hoặc yêu đơn phương trong quá khứ, những người mắc phải OS có thể có một niềm tin sâu sắc rằng họ không xứng đáng được yêu.

Tiềm thức của những người bị OS có thể đang cố gắng bảo vệ họ khỏi nỗi đau về tình cảm bằng cách hướng sự chú ý và tình cảm của họ đến một thứ gì đó "an toàn" để yêu như một vật vô tri. Vật thể đó không thể đòi chia tay, lừa dối hay tự quyết định chúng sẽ ngừng yêu.

Nhà tình dục học người Đức, Volkmar Sigusch, cho rằng OS cũng là kết quả của việc con người ngày càng trở nên cô lập với nhau. Ông nói: "Ngày càng có nhiều người công khai tuyên bố hoặc có thể bị bắt gặp sống mà không có bất kỳ mối quan hệ thân mật hoặc tin cậy nào với người khác. Các thành phố đông đúc nhưng chỉ toàn là những cá nhân sống cô lập với xã hội…".

(Nguồn: Medium)

L.T

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ket-hon-roi-goi-thap-eiffel-la-chong-nguoi-phu-nu-bi-thien-ha-che-cuoi-quai-di-222020188181710789.htm