Kết hợp đa yếu tố mang lại kết quả cao trong phòng bệnh ĐTĐ

BSCKII.Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc TTDD TP.HCM

Năm 2011 là năm thứ 3 Dự án quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường triển khai trên toàn quốc (PCBĐTĐ). Trung tâm dinh dưỡng (TTDD)TP.HCM là một trong những đơn vị đã kết hợp được đa yếu tố để triển khai tốt dự án này. Dưới đây là chia sẻ của BSCKII.Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc TTDD TP.HCM.

Thưa bà, trong 2 năm thực hiện Dự án quốc gia PCBĐTĐ, xin bà cho biết TTDD TP.HCM đã triển khai những công tác gì?

Khi Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM được Sở Y tế được giao nhiệm vụ là đơn vị thường trực của Dự án PCĐTĐ, chúng tôi đã triển khai chương trìnhtới 24 TTYTDP quận huyện, phòng y tế quận huyện và các bệnh viện trên địa bàn thành phố; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế với các chuyên đề về sàng lọc bệnh ĐTĐ, quản lý dữ liệu, tư vấn dinh dưỡng và luyện tập trong phòng ngừa và điều trị bệnh ĐTĐ với sự tham dự của các cán bộ phụ trách tại bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng và trạm y tế phường của các quận triển khai sàng lọc trên địa bàn thành phố; Tổ chức lớp tập huấn dinh dưỡng phòng ngừa ĐTĐ cho cán bộ và cộng tác viên y tế phường, xã; Giám sát các hoạt động của dự án; Hỗ trợ các tỉnh bạn tổ chức tập huấn trao đổi kinh nghiệm PCĐTĐ; Tổ chức hội nghị khoa học... Chúng tôi cũng đã tiến hành sàng lọc cho 20.000 người dân. Trong đó có 10.000 đối tượng có yếu tố nguy cơ được khám, xét nghiệm đường huyết, làm nghiệm pháp dung nạp đường. Hiện nay, tỉ lệ người mắc bệnh ĐTĐ ở TP là 7% và người tiền ĐTĐ là 27%.

Ngoài ra, công tác truyền thông tới cộng đồng cũng được TT chú trọng. Qua đó, đã tổ chức 200 lớp truyền thông về Đái tháo đường sau sàng lọc cho bệnh nhân; tổ chức câu lạc bộ Dinh dưỡng - Đái tháo đường tại Trung tâm Dinh dưỡng; Thành lập các Câu lạc bộ bệnh nhân ĐTĐ tại các BV lớn và tại TTYT Dự phòng của các quận huyện, bước đầu đã duy trì hoạt động định kỳ và thu hút quan tâm của đông đảo bệnh nhân. Tổ chức mitting với nhiều hình thức hấp dẫn nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11. Viết bài đăng báo, xây dựng phóng sự, nói chuyện chuyên đề về Đái tháo đường trên các phương tiện truyền thông; thiết kế tài liệu truyền thông về đái tháo đường và phát cho người dân…

Mô hình kết hợp tư vấn dinh dưỡng trong bệnh ĐTĐ là ưu thế nổi bật tại TT, xin bà cho biết TT đã triển khai mô hình này như thế nào?

Chúng tôi đã tổ chức phòng khám, điều trị BNĐTĐ kết hợp tư vấn về chế độ dinh dưỡng và xây dựng thực đơn cho từng bệnh nhân do bác sĩ chuyên khoa và nhân viên tiết chế thực hiện. TTDD còn tổ chức các buổi thực hành chế biến các món ăn cho bệnh nhân có kỹ năng đúng.CLB bệnh nhân ĐTĐ được TTDD tổ chức là nơi BN được hướng dẫn về cách thức tính khẩu phần, chọn lựa thực phẩm, xây dựng thực đơn, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về dinh dưỡng, vận động, thử đường huyết, theo dõi bệnh, cách sử dụng thuốc…

Những thuận lợi và khó khăn mà TT gặp phải khi triển khai thực hiện chương trình là gì, thưa bà?

Trong quá trình triển khai dự án PC ĐTĐ chúng tôi luôn có được sự chỉ đạo, quan tâm của Sở Y tế và BV Nội tiết Trung ương. Có sự phối hợp tốt của ban ngành đoàn thể, các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố. Đội ngũ cán bộ y tế của chúng tôi cũng rất tích cực tham gia các hoạt động của dự án. Thế mạnh của chúng tôi là cán bộ y tế có chuyên môn sâu về dinh dưỡng trong ĐTĐ. Chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm ủng hộ của giới truyền thông đại chúng và sự quan tâm tới sức khỏe của người dân.

Câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường tập luyện.

Bên cạnh đó, có không ít những khó khăn mà chúng tôi gặp phải. Về mặt nhân sự còn rất thiếu, nhất là nhân sự phụ trách chương trình tại tuyến cơ sở, làm ảnh hưởng đến viêc triển khai hoạt động. Về mặt kinh phí, định mức chi của chương trình còn rất thấp, chưa cân xứng với tình hình thực tế. Kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên tại địa phương rất hạn chế nên cộng tác viên làm việc không bền lâu. Kinh phí hàng năm chuyển về trễ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hoạt động của chương trình. Ngoài ra, để thực hiện tốt thì chương trình phải phối hợp nhiều ban ngành, do đó đòi hỏi nhiều nỗ lực của đơn vị thường trực.

Dù gặp phải những khó khăn như vậy, nhưng theo đánh giá từ kết quả điều tra – giám sát của BVNTTW thì TTDD TPHCM là một trong những đơn vị triển khai rất tốt chương trình mục tiêu quốc gia PCBĐTĐ. Xin bà chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị khác?

Từ thực tiễn của TTDD thành phố, theo tôi, để triển khai tốt dự án, mỗi đơn vị cần: Thành lập Ban chỉ đạo để thống nhất kế hoạch và triển khai đồng bộ; cần có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo chính quyền các cấp; cần xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; có đầu tư kinh phí thích đáng và kịp thời; huy động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước; xã hội hóa công tác phòng chống bệnh đái tháo đường; Cần có đội ngũ cán bộ được đào tạo có kiền thức vững về bệnh lý, dinh dưỡng, vận động, điều trị thuốc, tâm lý, quản lý và điều phối thực hiện; cần tâm huyết của lãnh đạo các cấp và đồng thuận của xã hội; truyền thông bằng nhiều hình thức. Đặc biệt vai trò quan trọng của truyền thông đại chúng, nâng cao nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe,

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi cởi mở này!

Thu Hà (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/2011112310401047p45c53/ket-hop-da-yeu-to-mang-lai-ket-qua-cao-trong-phong-benh-dtd.htm