Kết hợp múa chầu then, đàn tính trong diễn xướng hầu đồng: Nét độc đáo của Lạng Sơn

Lạng Sơn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Kinh... Trải qua quá trình cộng cư, các dân tộc đã có sự giao thoa văn hóa, thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng. Tiêu biểu, trong nghi lễ hầu đồng, theo truyền thuyết dân gian, một số vị thánh trong tín ngưỡng Mẫu xuất thân từ dân tộc Tày, Nùng, chính vì vậy, thời gian qua, các nghệ nhân, thanh đồng khi thực hành diễn xướng đã kết hợp các điệu múa chầu then, đàn tính đặc trưng của hai dân tộc này. Qua đó, phản ánh mối quan hệ khăng khít, gắn bó giữa văn hóa tín ngưỡng của người Tày, Nùng với người Việt.

Nghệ nhân sử dụng đàn tính trong biểu diễn nghi lễ hầu đồng tại Lễ hội Chùa Tiên (thành phố Lạng Sơn)

Những ngày đầu tháng 3/2024, chúng tôi có dịp tham dự Liên hoan diễn xướng Chầu văn tỉnh Lạng Sơn mở rộng tại di tích Quốc gia đền Cửa Đông, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Trong số gần 60 nghệ nhân, thanh đồng đến từ 15 tỉnh, thành phố, chúng tôi thực sự bị cuốn hút và ấn tượng với phần diễn xướng giá hầu “Chầu Lục” (một vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu có truyền thuyết xuất thân là người Nùng). Giá hầu do Nghệ nhân ưu tú Thìn Thu Hương, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn biểu diễn trong trang phục áo chàm, chiếc đàn tính trên tay cùng điệu múa chầu đặc trưng của then.

Nghệ nhân ưu tú Thìn Thu Hương cho biết: Hầu đồng, hát chầu văn là di sản văn hóa độc đáo. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, có một số vị thánh có xuất thân từ dân tộc Tày, Nùng như Chầu Năm, Chầu Lục, Chầu Mười, Chầu Bé... Vì vậy, khi diễn xướng giá hầu của các vị thánh này, tôi thường lồng ghép một số nét văn hóa Tày, Nùng như trang phục, trang sức... đặc biệt là múa chầu then và đàn tính, góp phần quảng bá văn hóa đến mọi người.

Không riêng Nghệ nhân ưu tú Thìn Thu Hương, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200 thanh đồng, trong đó có trên 30 thanh đồng thường xuyên sử dụng đàn tính, múa chầu then vào các giá đồng trong thực hiện nghi lễ hầu đồng tại các cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu trong và ngoài tỉnh, chủ yếu tập trung vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch hằng năm. Các thanh đồng này là những người vừa thực hành tín ngưỡng then, vừa thực hành nghi lễ hầu đồng. Theo quan niệm của người Tày, người thực hành then tín ngưỡng có khả năng tiếp cận với thế giới siêu nhiên. Then trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tín ngưỡng. Do vậy, việc kết hợp múa chầu then, đàn tính trong nghi lễ hầu đồng là nét văn hóa đặc trưng riêng có, khác biệt của nghi lễ diễn xướng hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Lạng Sơn so với những vùng, miền khác.

Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho rằng: Thực hành then và diễn xướng hầu đồng cùng là loại hình tín ngưỡng truyền thống đặc sắc, dùng âm nhạc để hành lễ. Lời ca và âm nhạc mang tính tâm linh, đậm bản sắc văn hóa dân gian để bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh. Chầu văn trong diễn xướng hầu đồng có nội dung ca ngợi công đức của các vị thánh trong đạo Mẫu Việt Nam có công với dân với nước. Trong khi đó, then nghi lễ cũng bày tỏ ân đức của tổ tiên và các vị thánh với cư dân lao động. Hai loại hình tín ngưỡng này hướng con người ta làm điều thiện và cầu cho quốc thái dân an, do có những nét tương đồng đó, khi kết hợp với nhau làm cho nghi lễ càng thêm ý nghĩa.

Với những nét độc đáo của sự kết hợp này, những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm phát huy việc kết hợp đàn tính, múa chầu then trong quá trình thực hành nghi lễ hầu đồng. Cụ thể, hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh hướng dẫn UBND các huyện, thành phố có các cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu thực hiện tốt việc thực hành diễn xướng hầu đồng, hát chầu văn đảm bảo đúng quy định, trong đó khuyến khích các nghệ nhân, thanh đồng phổ biến rộng rãi việc kết hợp sử dụng đàn tính, múa chầu then khi hầu một số giá đồng phù hợp.

Đơn cử tại Hữu Lũng - huyện có trên 30 cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu. Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Những năm qua, các cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn huyện đảm bảo tổ chức các nghi lễ hầu đồng, hát văn đúng theo quy định. Cùng đó, hầu hết thanh đồng là người địa phương thường xuyên sử dụng đàn tính làm đạo cụ trình diễn, múa chầu trong thực hành nghi lễ hầu đồng, đặc biệt là các nghi lễ được tổ chức ở đền Chầu Lục (xã Hòa Lạc), đền Bắc Lệ (xã Tân Thành).

Việc kết hợp múa chầu then, đàn tính trong nghi lễ hầu đồng là nét văn hóa đặc trưng riêng có, khác biệt của nghi lễ diễn xướng hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Lạng Sơn so với những vùng, miền khác.

Cùng đó những năm qua, Sở VHTT&DL cũng chỉ đạo Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh khai thác các chất liệu trong hầu đồng, hát văn để biên đạo một số tiết mục nghệ thuật, trong đó có sử dụng đàn tính, múa chầu then phục vụ biểu diễn tại các liên hoan, hội diễn trong nước. Sở còn tăng cường xúc tiến quảng bá giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu đồng đến với du khách gần xa trong và ngoài tỉnh trên trang thông tin du lịch của tỉnh và lồng ghép trong các sự kiện như phối hợp với Ban Quản lý di tích đền Cửa Đông tổ chức Liên hoan diễn xướng chầu văn mở rộng tỉnh Lạng Sơn vào tháng Giêng gắn với Tuần văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ hằng năm... Qua liên hoan, những nét riêng của loại hình tín ngưỡng này trên địa bàn tỉnh được quảng bá tới đông đảo du khách thập phương.

Ông Trần Văn Đường, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết: Dịp đầu xuân năm nay, tôi có cơ hội lên thăm người thân ở Lạng Sơn và có cơ hội được tham dự Lễ hội Chùa Tiên (ngày 18 tháng Giêng) tại thành phố Lạng Sơn. Xem đến tiết mục hầu đồng, tôi thấy rất độc đáo khi nghi lễ này có nét riêng, khác so với chầu văn nơi tôi sinh sống, đặc biệt là người diễn xướng sử dụng nhạc cụ dân tộc của địa phương với điệu múa chầu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của miền núi nơi đây. Nhờ đó mà tôi biết thêm về làn điệu hát then đàn tính, múa chầu then của người dân Xứ Lạng.

Qua đây có thể thấy, sự kết hợp, giao thoa giữa hầu đồng và đàn tính, múa chầu then đã tạo nên nét riêng, độc đáo của Lạng Sơn so với các địa phương khác. Nó cũng phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng tại địa phương, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.

HOÀNG NHƯ - HOÀNG HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ket-hop-mua-chau-then-dan-tinh-trong-dien-xuong-hau-dong-net-doc-dao-cua-lang-son-5002497.html