Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay

TCCSĐT - Trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay, việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh là một trong những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là sự thể hiện một cách cụ thể trong nhận thức và tổ chức hoạt động thực tiễn trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp dân làm đường giao thông nông thôn - Nguồn: bienphong.com.vn

1- Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, ngày 05-8-2008 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã đề ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương khóa X đã ban hành các kết luận về một số nội dung trong Nghị quyết. Thủ tướng đã ký Quyết định Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04-6-2010 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 gồm 11 nội dung, với bộ tiêu chí quốc gia gồm 19 tiêu chí nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh phải quy hoạch phát triển nông thôn gắn với đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động.

Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: “Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” và “ Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa đô thị và nông thôn, tăng cường kết nối nông thôn - đô thị, phối hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị”(1).

Như vậy, có thể thấy, trong các văn kiện trên đây đã đề cập khá toàn diện vấn đề xây dựng nông thôn mới, trong đó có đề cập đến nội dung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề tăng cường quốc phòng và việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh chưa được đề cập hoặc có đề cập nhưng chưa đậm nét.

Trong xây dựng nông thôn mới, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, thì vấn đề tăng cường quốc phòng - an ninh, cũng như vấn đề kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh là một trong những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi vì, đây là sự thể hiện một cách cụ thể trong nhận thức và tổ chức hoạt động thực tiễn trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện quan trọng để tăng cường quốc phòng - an ninh; ngược lại, chăm lo tăng cường quốc phòng - an ninh lại là điều kiện quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trong xây dựng nông thôn mới không thể không quan tâm đến việc nhận thức và tổ chức hoạt động thực tiễn kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới là thể hiện sinh động, cụ thể sự nhận thức và vận dụng quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước trong quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc ta; thể hiện quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; thể hiện sự nhận thức và tổ chức thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn nông thôn Việt Nam. Đây là một trong những mối quan hệ cơ bản phải được nhận thức đúng đắn và giải quyết hợp lý trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.

2- Hoạt động nhận thức và giải quyết việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và của toàn thể nhân dân; trong đó hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới có vị trí, vai trò rất quan trọng.

Việc quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới được thể hiện ở chỗ sau khi có nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy đảng các cấp về những quan điểm, chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới thì chính quyền các cấp phải xây dựng thành các chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới.

Để cho việc tổ chức triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới, thì trong các chương trình, kế hoạch của chính quyền phải xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và các giải pháp, biện pháp cụ thể để thực hiện việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, phải xác định rõ vị trí, vai trò của các lực lượng tham gia (vị trí, vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, các địa phương và việc tham gia của các lực lượng vũ trang, của các đơn vị quân đội…).

Bên cạnh đó, cần xác định rõ yêu cầu về khối lượng, chất lượng và thời gian cụ thể phải hoàn thành đối với mỗi công việc cụ thể; xác định những điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện mỗi công việc. Trong quá trình thực hiện, chính quyền các cấp phải kịp thời đánh giá được những kết quả, hạn chế, những vấn đề đặt ra phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Trong từng nhiệm vụ, từng mặt công tác phải quan tâm đến công tác tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình làm tốt, đồng thời, chỉ ra được những địa phương còn có những hạn chế, bất cập để chỉ đạo rút kinh nghiệm kịp thời. Phải xác định cả kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, vừa bảo đảm theo những tiêu chí chung của việc xây dựng nông thôn mới, vừa phù hợp với tình hình, đặc điểm riêng của mỗi địa phương, tránh áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc.

Tùy theo vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền mỗi cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận, xã, phường, thị trấn… mà xác định chương trình, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với yêu cầu quản lý, điều hành của chính quyền cấp đó, bảo đảm làm sao cho việc quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới luôn có sự thống nhất chặt chẽ trong hệ thống chính quyền từ trung ương đến các địa phương.

Việc xác định chương trình, kế hoạch quản lý, điều hành của chính quyền cấp dưới trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới phải trên cơ sở chương trình, kế hoạch chung của chính quyền cấp trên, đồng thời cần bám sát các tiêu chí chung về xây dựng nông thôn mới, căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương để xác định chương trình, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới luôn bảo đảm được tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch.

Trên cơ sở chương trình, kế hoạch đã xác định trong quản lý, điều hành kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới, chính quyền các cấp phải luôn quan tâm đến khâu tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy, có lúc, có nơi, có địa phương xác định chương trình, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới khá đầy đủ, toàn diện, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện chưa đạt được kết quả như mong muốn. Điều đó cho thấy, việc tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới phụ thuộc rất lớn vào việc quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

3- Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp không chỉ trong việc xác định các chương trình, kế hoạch, mà còn cả trong quá trình thực hiện các chương trình, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới, cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong bộ máy chính quyền các cấp nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về các quan điểm, chủ trương, của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhất là việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên trong bộ máy chính quyền các cấp về số lượng, chất lượng, cơ cấu, bảo đảm cho bộ máy chính quyền các cấp có đủ khả năng để tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, nhất là việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng với tự bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên trong bộ máy chính quyền các cấp cả về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, đảm bảo cho bộ máy chính quyền các cấp có đủ khả năng để tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, nhất là việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, phát huy tốt vai trò của chính quyền các cấp, trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và của toàn thể nhân dân trong việc tạo điều kiện cho chính quyền các cấp quản lý, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, cơ chế phối hợp, kết hợp trên cơ sở nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ sáu, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đảm bảo thông tin, tài liệu, kinh phí cho hoạt động của chính quyền các cấp tổ chức triển khai thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ bảy, tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi thông tin, học hỏi các địa phương trong nước và nước ngoài về những kinh nghiệm quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở kết quả, hạn chế, những mặt làm được và chưa làm được, những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn, cần tổ chức hội thảo, tọa đàm, sơ kết, tổng kết hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới./.

-------------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2016, tr. 92 - 93

PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Thắng

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/an-ninh-quoc-phong/2018/50754/ket-hop-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-voi-tang-cuong.aspx