Kết nối các vùng di sản để du lịch cất cánh

Ninh Bình kỳ vọng việc làm chủ nhà Năm Du lịch quốc gia 2020 sẽ là cơ hội để kết nối các miền di sản, tạo bệ phóng cho du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Năm Du lịch quốc gia 2020 với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm" được xem là sự kiện lớn nhất của ngành văn hóa được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình. Sự kiện có 27 hoạt động do tỉnh Ninh Bình chủ trì tổ chức, 11 hoạt động hưởng ứng do các cơ quan của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức và 79 hoạt động do 24 tỉnh, TP phối hợp tổ chức. Tỉnh Ninh Bình kỳ vọng sự kiện này là cơ hội để du lịch địa phương "cất cánh", sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tổ chức hàng loạt hoạt động

Ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết trong năm 2020, địa phương sẽ tổ chức các hoạt động chính như: Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2020 (diễn ra ngày 22-2-2020), Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, giao lưu nghệ thuật giữa các tỉnh có di sản thế giới, vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Kinh đô ASEAN 2020...

Cũng nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2020, 24 tỉnh, TP khác sẽ tổ chức các hoạt động như: Giải đua ôtô Công thức 1 thế giới, Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2020, Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2020, Tuần Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2020, Lễ hội Tịch điền, Lễ hội chùa Tam Chúc (Hà Nam), Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2020 (Đà Nẵng), Lễ hội Du lịch biển Thanh Hóa, Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM...

Một gia đình tham quan khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động, thuộc quần thể danh thắng Tràng An

Một gia đình tham quan khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động, thuộc quần thể danh thắng Tràng An

"Là chủ nhà đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2020, chúng tôi kỳ vọng đây là cơ hội để Ninh Bình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch tới đông đảo người dân trong nước, đặc biệt là du khách quốc tế. Từ đó tạo sự phát triển đột phá về du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo" - ông Đông phấn khởi.

Cũng theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, những năm qua, du lịch của tỉnh đã chuyển mình mạnh mẽ, dần trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Bằng chứng là doanh thu từ du lịch luôn tăng cao. Năm 2018, Ninh Bình đón gần 7,4 triệu lượt khách (876.000 lượt khách quốc tế), doanh thu du lịch đạt trên 3.200 tỉ đồng. Năm 2019, đón 7,6 triệu lượt khách (khách quốc tế khoảng 910.000 lượt), ước doanh thu đạt 3.600 tỉ đồng.

Với lợi thế về tiềm năng du lịch sẵn có, Ninh Bình mong muốn đến năm 2020 sẽ trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Ninh Bình. Để đạt được mục tiêu đó, Ninh Bình sẽ phấn đấu năm 2025 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế, 9 triệu lượt khách nội địa với doanh thu trên 11.800 tỉ đồng.

Hút khách 4 mùa

Năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Những năm sau đó, Ninh Bình luôn là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (tốp 15 điểm đến hàng đầu) và được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế nhắc đến. Chuyên trang du lịch "This is insider" của Mỹ bình chọn Ninh Bình đứng đầu trong 50 địa điểm hấp dẫn mà bạn phải đến trong năm 2018. Báo The Telegraph nước Anh bầu chọn Ninh Bình là 1 trong 15 địa điểm tuyệt đẹp nhưng chưa được nhiều người biết tới trên thế giới. Tờ Butterfield & Robinson của Canada bình chọn Ninh Bình là 1 trong 7 địa danh có cảnh quan đẹp nhất ở Đông Nam Á.

Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết để "ngành công nghiệp không khói" của địa phương phát triển bền vững, tỉnh nỗ lực đầu tư phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với nâng cao chất lượng. Đến nay, một số loại hình du lịch đã khai thác và phát triển như: tham quan danh lam thắng cảnh, sinh thái, văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng... Để xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch liên tỉnh, Ninh Bình đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, TP như: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An.

"Ngoài tích cực triển khai các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, chúng tôi cũng quan tâm phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung xây dựng để năm 2020 đưa trung tâm bảo tồn gấu, công viên động vật hoang dã quốc gia, bãi biển Cồn Nổi... vào khai thác nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách về Ninh Bình tất cả các mùa trong năm" - ông Mạnh kỳ vọng.

Cũng theo ông Mạnh, với việc tổ chức sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2020, cơ quan chức năng địa phương sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Ninh Bình thân thiện, an toàn và mến khách đến với du khách. Đặc biệt, sẽ xây dựng ngành du lịch Ninh Bình không thể tách rời mối liên kết hợp tác với các tỉnh, TP trong vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Quá tải

Với việc du khách đổ về Ninh Bình tăng cao trong vài năm trở đây khiến nhiều điểm du lịch địa phương quá tải, trong đó có quần thể danh thắng Tràng An khiến UNESCO phải đưa ra khuyến cáo. Bên cạnh đó, các nhà hàng, khách sạn, điểm lưu trú ồ ạt mọc lên trong vùng lõi di sản này cũng đang là một thách thức không nhỏ cho Ninh Bình trong việc vừa bảo tồn, gìn giữ vẻ nguyên sơ cho di sản vừa làm cách nào để tăng thu ngân sách từ hoạt động du lịch.

Bài và ảnh: THANH TUẤN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ket-noi-cac-vung-di-san-de-du-lich-cat-canh-20191221205231288.htm