Kết nối, chia sẻ quan điểm tầm nhìn và kinh nghiệm tiếp cận, triển khai công nghiệp 4.0 tại tỉnh Quảng Ninh

Đó là chủ đề của tọa đàm trong khuôn khổ Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 được phối hợp tổ chức bởi Bộ KHCN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Quảng Ninh diễn ra vào sáng 22/8 tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh.

Tham dự tọa đàm, có Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cùng hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt trong và ngoài nước hoạt động ở nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hóa, robotics…

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc mong muốn tọa đàm sẽ là nơi để các đại biểu thống nhất hướng đi để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kết nối chặt chẽ với mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Từ đó, hình thành, hoàn thiện cơ chế, chính sách và mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển gia công nghệ.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc phát biểu khai mạc buổi lễ (Ảnh: Trương Gia)

Theo các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, hiện nay, mặt bằng KHCN của Quảng Ninh đang có bước phát triển rất tốt. Cụ thể, “những kết quả bước đầu trong việc tiếp nhận, triển khai cuộc CMCN 4.0 tại Quảng Ninh cho thấy mặt bằng KHCN của tỉnh đang tương tự với những nước phát triển”, GS. Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm công nghệ nước tại Đại học Công nghệ Sydney (Australia) khẳng định.

Hơn nữa, Quảng Ninh cũng đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn, đặc biệt có động lực từ sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh đối với việc đổi mới sáng tạo.

“Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra, tôi nhận thấy tỉnh vẫn thiếu một trường đại học chuyên ngành về KHCN. Để khắc phục vấn đề này, trước mắt tỉnh có thể kết hợp với các tài năng, trí tuệ Việt Nam và nước ngoài trên toàn thế giới. Sự hợp lực của hai bên sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, giúp Quảng Ninh tiếp tục là địa phương tiên phong, đi đầu cả nước trong lĩnh vực này”, TS Nguyễn Vinh Chương, Viện Nghiên cứu Quốc gia Australia nhận định.

Các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tại tọa đàm (Ảnh: Hoàng Dương)

Tương đồng với quan điểm đó, TS Nguyễn Hữu Hoàng, Đại học California (Mỹ) cũng cho rằng: Trong 6 trục năng lực cốt lõi của mô hình chính quyền điện tử là: Công nghệ - Quy trình nghiệp vụ - Con người - Chiến lược - Tổ chức và chính sách, tỉnh nên đặt yếu tố “Con người” làm mục tiêu hàng đầu.

Bởi lẽ hiện nay, đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin của tỉnh còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, cuộc cách mạng 4.0 muốn thành công thì bắt buộc phải có đội ngũ nhân tài trí thức trong lĩnh vực KH-CN làm nòng cốt, thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Mặt khác, PGS.TS Hồ Anh Văn, Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản cho biết: “Tỉnh cần có thêm các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài. Chỉ khi kết nối được nguồn lực trí tuệ của các nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài thì chúng ta mới tạo lập được một mạng lưới sáng tạo và đổi mới”.

Phan Minh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ket-noi-chia-se-quan-diem-tam-nhin-va-kinh-nghiem-tiep-can-trien-khai-cong-nghiep-40-tai-tinh-quang-ninh-d422360.html