Kết nối cung cầu, khơi thông dòng chảy hàng hóa

Sự chủ động của các địa phương trong tổ chức kết nối cung - cầu không chỉ giúp giải quyết 'bài toán' đầu ra cho sản phẩm địa phương mà còn giúp người tiêu dùng tiếp cận được với hàng hóa chất lượng tốt, giá thành hợp lý.

Khai thác lợi thế

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 3.215,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng 2 con số này luôn được duy trì ổn định từ đầu năm tới nay. Có được kết quả trên không thể không kể tới những nỗ lực của ngành Công Thương trong đầu tư hạ tầng thương mại, tạo cơ chế thông thoáng sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Đặc biệt, công tác kết nối cung - cầu được Sở Công Thương các địa phương thực hiện rầm rộ, đạt hiệu quả tốt và khai thác được thế mạnh riêng của từng tỉnh, thành phố.

Nhiều hội nghị kết nối cung - cầu được các địa phương tổ chức

Thái Bình là một điển hình, những năm qua, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình luôn chủ động tổ chức các hoạt động liên kết thương mại với các địa phương trên cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh… nhằm đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, nhà hàng, chợ đầu mối… Hội chợ Nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ được tổ chức định kỳ hàng năm, thu hút trên 25.000 lượt người trong và ngoài tỉnh đến tìm kiếm đối tác liên doanh liên kết, tham quan, mua sắm… là kênh tiêu thụ hàng hóa tốt. "Thương mại, dịch vụ của Thái Bình đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm sau cao hơn năm trước; xuất khẩu hàng năm đạt trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, thương mại, dịch vụ hiện chiếm khoảng 35,94% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh" - ông Phạm Ngọc Kế - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình - cho biết.

Tương tự, do có lợi thế tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Lạng Sơn trở thành cầu nối xúc tiến xuất khẩu hàng hóa không chỉ của Việt Nam mà còn của ASEAN sang thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho hay, Lạng Sơn chủ động liên kết với Quảng Tây tìm hiểu nhu cầu; đồng thời kết nối với các địa phương có nguồn hàng dồi dào để hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản. Hàng năm, Lạng Sơn luôn tổ chức các hội nghị kết nối giữa tỉnh Quảng Tây, doanh nghiệp (DN) Trung Quốc với các tỉnh, thành phố và DN Việt Nam để tìm tiếng nói chung trong cung - cầu hàng hóa. Tỉnh cũng kêu gọi DN và các địa phương trên cả nước tới Lạng Sơn tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, cũng như đầu tư hạ tầng đô thị, giao thông, trồng cây nông - lâm nghiệp ăn trái, thương mại, dịch vụ.

Khắc phục điểm yếu về hạ tầng

Dù đã được đánh giá cao về tốc độ cũng như sự ổn định tăng trưởng, tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nhận định, thương mại, dịch vụ vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại còn phân tán, chưa được đầu tư thỏa đáng và logistics còn cách xa so với yêu cầu dẫn tới mối liên kết giữa các địa phương trong phát triển thương mại, dịch vụ còn lỏng lẻo.

Trước những hạn chế trên, mỗi địa phương đều có giải pháp riêng. Theo đó, Hải Phòng tiếp tục hoàn thiện chính sách phục vụ hoạt động logistics xuất khẩu; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đa dạng loại hình dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao. Hưng Yên đưa vào hoạt động sàn giao dịch điện tử hỗ trợ DN giao dịch, mua bán hàng hóa; dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ xây dựng và tổ chức mạng lưới thông tin thương mại, đáp ứng yêu cầu của DN về thông tin thị trường, giá đối với các mặt hàng nông sản nói chung, các loại quả đặc sản của tỉnh nói riêng…

Với vai trò dẫn dắt, Bộ Công Thương đã có những định hướng giải pháp khắc phục những bất cập trên. Bộ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý trong phát triển hạ tầng thương mại, bổ sung các chính sách theo hướng tạo đồng bộ, thuận lợi cho phát triển các loại hình kết cấu thương mại; phối hợp với đối tác nước ngoài hỗ trợ DN phát triển thiết kế và thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm...; tiếp tục hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về khu vực nông thôn. Đặc biệt, Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ giúp ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 10 năm qua, đã có hơn 1.000 hội nghị kết nối cung - cầu do Sở Công Thương các địa phương trên cả nước tổ chức; trên 50 hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa sản xuất trong nước cấp vùng, miền đã khơi thông đáng kể dòng chảy hàng hóa.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ket-noi-cung-cau-khoi-thong-dong-chay-hang-hoa-125622.html