Kết nối để các dự án khởi nghiệp ươm mầm và lan tỏa

Chợ công nghệ - Thiết bị và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL (Techmart - Techfest Mekong 2019) vừa diễn ra tại TP Cần Thơ trong 2 ngày 22 và 23-10-2019. Ngoài hoạt động trưng bày, giới thiệu, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN), Techmart - Techfest Mekong 2019 còn ghi dấu ấn về việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vùng ĐBSCL với hoạt động quảng bá sản phẩm, kết nối startup với nhà đầu tư…

Gian hàng trưng bày của một startup tại Techmart - Techfest Mekong 2019.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc Techmart - Techfest Mekong 2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng thông tin: Riêng về hoạt động khởi nghiệp, Techmart - Techfest Mekong 2019 trưng bày, giới thiệu sản phẩm của hơn 30 cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố và các tỉnh ĐBSCL. Trong khuôn khổ sự kiện còn có phiên kết nối giữa quỹ đầu tư, nhà đầu tư với các dự án khởi nghiệp và hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thành công, thất bại trong quá trình khởi nghiệp. Có các hoạt động nói trên có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối các thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng ĐBSCL (doanh nghiệp khởi nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức nghề nghiệp, cộng đồng sinh viên, giảng viên,... ) với Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Một trong những điểm nhấn nổi bật về khởi nghiệp trong Techmart - Techfest Mekong 2019 là Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL. Qua vòng tuyển chọn hồ sơ, có 16 ý tưởng/dự án của các startup đến từ Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh... tham gia tranh tài trong buổi chung kết. Các ý tưởng/dự án lần này tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, công nghệ thông tin, thực phẩm, đồ uống, công nghệ sinh học... Đơn cử như: Dự án Chế phẩm sinh học chức nano kẽm; đèn diệt côn trùng bằng năng lượng; giấy dừa Bến Tre; hệ thống điều khiển và giám sát tự động quạt nước hồ tôm, Máy tách cá cơm, Kỹ thuật sản xuất ống hút từ nước dừa; sản xuất thiết bị làm rau mầm tự động; lan tỏa mầm xanh (nuôi cấy mô)…

Trải qua phần thuyết trình và trả lời câu hỏi chất vấn từ Ban Giám khảo, có 5 ý tưởng/dự án xuất sắc được trao giải Nhất, Nhì và Ba. Trong đó, Dự án Giấy dừa Bến Tre đoạt giải Nhất; Dự án Sữa bí đỏ Vạn Tín đạt giải Nhì; Hệ thống điều khiển và giám sát tự động quạt nước hồ tôm, Máy tách cá cơm, Kỹ thuật sản xuất ống hút từ nước dừa đoạt giải Ba. Bà Trương Thị Cẩm Hồng, người sáng lập Dự án Kỹ thuật sản xuất ống hút từ nước dừa, chia sẻ: “Tham dự cuộc thi lần này, tôi mong muốn góp sức cho phong trào giảm rác thải nhựa mà Chính phủ phát động. Hiện nay giá bán ống hút làm từ nước dừa trên thị trường là 600 đồng/ống (tương đương với ống hút gạo). Mức giá này chúng tôi thực chất chưa có lời. Vì vậy, nếu dự án của tôi được quan tâm và gọi được vốn đầu tư dây chuyền sản xuất tự động thì giá bán tới tay người tiêu dùng sẽ giảm đi đáng kể”.

Hoạt động kết nối giữa startup và nhà đầu tư.

Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra Hội thảo Kết nối đầu tư giữa Startup vùng ĐBSCL với doanh nghiệp. Hội thảo nhằm tạo điều kiện để quỹ đầu tư, nhà đầu tư và các dự án khởi nghiệp tiếp cận và tham gia các nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Chính phủ. Hoạt động này thu hút 20 startup và 8 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ tham dự. Qua 34 phiên kết nối, trao đổi trực tiếp, các startup có cơ hội tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng thông qua việc trình bày ý tưởng, tính khả thi của dự án/ý tưởng khởi nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ thẩm định tính khả thi, từ đó định hướng, tư vấn cho các startup tạo được một mô hình kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu.

Ông Lâm Siêu Hải, Trưởng Dự án Khởi nghiệp Mekong, cho biết: Với tư cách là tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tôi đến đây để thăm dò, tìm kiếm các dự án/ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng để trực tiếp đầu tư hoặc đóng vai trò kết nối, gắn kết với các startup và Dự án khởi nghiệp của chúng tôi đang triển khai. Qua trao đổi trực tiếp, tôi nhận thấy Dự án Dịch vụ đi chợ nhanh, ứng dụng hôm nay ăn gì Vietfood và Dự án Xử lý phế thải nông nghiệp bằng trùn quế là những dự án có thể kết nối với một số dự án đang triển khai tại ĐBSCL. Theo Ban Tổ chức, ngoài việc kết nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư, Hội thảo cũng là dịp để các startup trong vùng có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, kết nối từ đó góp phần hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Được biết, Techmart - Techfest Mekong 2019 là sự kiện nằm trong chuỗi Ngày hội khởi nghiệp tại các vùng trọng điểm như Techfest vùng Đông Nam bộ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Techfest Tây Nguyên tại Lâm Đồng, Techfest vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi Bắc Bộ tại Hà Nội. Đây cũng sẽ là tiền đề cho việc tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (TECHFEST) sẽ được tổ chức từ ngày 3 đến 6-12 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ket-noi-de-cac-du-an-khoi-nghiep-uom-mam-va-lan-toa-a114424.html