Kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội miền Trung-Tây Nguyên

Với việc hoàn thành 468km, nối thông 6 quốc lộ ngang: 24B, 24, 19, 25, 29, 26 và nhiều tuyến đường thuộc các địa phương: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc và Lâm Đồng, đường Trường Sơn Đông góp phần kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên.

Tạo động lực phát triển

Đường Trường Sơn là con đường huyền thoại trong kháng chiến. Dọc theo tuyến đường này năm xưa, đồng bào các dân tộc miền Trung-Tây Nguyên một lòng một dạ vững tin theo Đảng, theo cách mạng, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên hiện nay, đời sống nhân dân khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế, việc xây dựng đường Trường Sơn Đông không những có ý nghĩa chiến lược về củng cố QPAN, mà còn là động lực góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH miền Trung-Tây Nguyên. Dự án đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều dài 213km (chiếm 32% tổng chiều dài toàn tuyến), đi qua 26 xã thuộc 6 huyện, thị xã: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa và Krông Pa. Đến nay, dự án đã hoàn thành 16/16 gói thầu và bàn giao cho Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) quản lý, khai thác sử dụng. Trao đổi với chúng tôi về ý nghĩa của dự án đối với địa phương, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên, cho biết: "Tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua nhiều khu căn cứ cách mạng, các buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất, ổn định đời sống; thuận lợi trong giao lưu, trao đổi hàng hóa với các địa phương và các trung tâm kinh tế lớn. Với điều kiện giao thông thuận lợi sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, phát huy các thế mạnh, tiềm năng của địa phương".

 Đoàn công tác Quốc hội nghe đại diện Ban Quản lý dự án 46 báo cáo kết quả triển khai thực hiện dự án đường Trường Sơn Đông.

Đoàn công tác Quốc hội nghe đại diện Ban Quản lý dự án 46 báo cáo kết quả triển khai thực hiện dự án đường Trường Sơn Đông.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S: Việc đầu tư xây dựng đường Trường Sơn Đông ngoài ý nghĩa bảo đảm QPAN, khi tuyến đường qua Lâm Đồng hoàn thành còn góp phần rất quan trọng giúp nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đi lại và giao lưu hàng hóa thuận lợi; đồng thời tạo điều kiện để các huyện vùng sâu như Lạc Dương, Đam Rông nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung phát triển KT-XH, du lịch.

Đánh giá kết quả triển khai dự án đường Trường Sơn Đông, Đại tá Văn Thái Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án 46 (Bộ Tổng Tham mưu) cho biết: "Dự án được triển khai đúng chủ trương, mục tiêu đề ra. Các thủ tục pháp lý triển khai dự án được thực hiện đúng quy định, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn cơ bản đáp ứng... Hiện nay, dự án đã triển khai 68 gói thầu, chiếm 86% chiều dài toàn tuyến (530/615km); đã thi công hoàn chỉnh 468km, 100 cầu các loại, hai đường đôi và một hầm. Những đoạn tuyến hoàn thành thực tế đã phục vụ lưu thông của nhân dân địa phương, bước đầu phát huy tốt hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, củng cố QPAN. Tuyến đường bảo đảm tính kết nối, hỗ trợ trong quy hoạch mạng giao thông khu vực giúp đồng bào các dân tộc miền Trung-Tây Nguyên có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Khai thác, sử dụng đồng bộ, hiệu quả

Những ngày đầu tháng 9, có mặt tại các gói thầu của dự án đường Trường Sơn Đông trên địa bàn huyện Hiệp Đức và huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), chúng tôi được chứng kiến khí thế thi đua sôi nổi của cán bộ, công nhân viên, người lao động các đơn vị thi công trên công trường. Ghi nhận từ thực tế chúng tôi nhận thấy, tuyến đường tại các gói thầu này đi qua địa hình quanh co, phức tạp, có nhiều suối, dốc ngang sườn và dốc dọc lớn… nên việc thi công, vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu gặp không ít khó khăn. Tại gói thầu Đ8B, liên doanh nhà thầu đã thi công móng đường và đang triển khai thi công mặt đường bê tông nhựa. Đại tá Đặng Văn Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Sơn 532 (Binh đoàn 12) cho biết: "Gói thầu này có tổng chiều dài 15,2km, nằm trọn trong vùng rừng núi thuộc xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My), do liên doanh Công ty Trường Sơn 532, Công ty Xây dựng 384 và Công ty Tiến Dung thi công. Hiện các đơn vị đang chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành gói thầu vào cuối tháng 12 năm nay".

Đường Trường Sơn Đông qua huyện KBang (tỉnh Gia Lai) hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Ban Quản lý dự án 46, trong số các gói thầu đang triển khai thi công từ đầu năm 2016 dài 62km (Quảng Nam: 52km, Lâm Đồng: 10km), đến nay, gói thầu C2 (cầu Khe Diên) đã bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, còn lại 10 gói thầu cơ bản hoàn thành nền đường và công trình thoát nước. Hiện, một số gói thầu chuyển sang giai đoạn thi công lớp móng mặt đường, dự kiến hoàn thành hợp đồng ký kết vào cuối năm 2018, thực hiện đúng Nghị quyết số 916/NQ-UBTVQH13 ngày 5-5-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm thông tuyến từ thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam) đến đường đôi S2, huyện M’Đrắk (Đắc Lắc) và một số đoạn thuộc tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, hiện khối lượng còn lại của dự án chưa triển khai (chủ yếu là đoạn cuối tuyến nối Đắc Lắc và Lâm Đồng) là 85km và một hầm. Vì vậy, để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, thực hiện thông tuyến nhằm phát huy hiệu quả toàn dự án, Đại tá Văn Thái Bình đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung số vốn còn thiếu giai đoạn 2016-2020 cho dự án; các địa phương liên quan tiếp tục chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về giải phóng mặt bằng; trên cơ sở tuyến đường hoàn thành, tiếp tục quy hoạch phát triển phù hợp để phát huy hiệu quả đầu tư; các bộ, ngành Trung ương phối hợp rà soát các dự án liên quan đã, đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai trên địa bàn, như: Giao thông, thủy lợi, viễn thông… để xử lý khớp nối kịp thời, tránh chồng chéo.

Để bảo đảm sử dụng đồng bộ, hiệu quả tuyến đường Trường Sơn Đông, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, bố trí vốn đầu tư nâng cấp quốc lộ 27, 55 (trên địa phận tỉnh Lâm Đồng) đang xuống cấp nghiêm trọng nhằm tăng cường kết nối giữa đường Trường Sơn Đông với hệ thống quốc lộ trên tỉnh; Bộ Giao thông vận tải xem xét, sớm chuyển tuyến đường tỉnh 668 (Gia Lai) và đường tỉnh 695 (Đắc Lắc) thành tuyến quốc lộ và bố trí vốn đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc lộ để kết nối giao thông giữa tuyến đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 25 (đoạn qua Gia Lai) với đường Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ket-noi-giao-thong-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-mien-trung-tay-nguyen-548956