Kết nối giao thương đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc

Chương trình giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc tại thành phố Cần Thơ đã diễn vào chiều 21-4. Sự kiện được xem là cơ hội để doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kết nối với doanh nghiệp Trung Quốc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, thủy sản vào quốc gia này.

Sản phẩm được các doanh nghiệp, hợp tác xã của vùng ĐBSCL giới thiệu đến doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh

Sự kiện do Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và hội chợ triển lãm thành phố Cần Thơ (CPA) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cùng đơn vị liên quan của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức.

Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, việc tổ chức sự kiện nêu trên nhằm tạo “sân chơi” cho doanh nghiệp khu vực ĐBSCL và phía Trung Quốc trực tiếp gặp gỡ, kết nối để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản. “Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp của châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam được trực tiếp khảo sát, đánh giá đúng tiềm năng, quy mô sản xuất nông, thủy sản của thành phố Cần Thơ và vùng lân cận”, ông Hiền cho biết.

Theo thông tin từ CPA, sự kiện lần này đã thu hút 13 doanh nghiệp của Trung Quốc và trên 150 doanh nghiệp của Việt Nam tham dự kết nối.

Theo ông Hiền, với vị trí nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh và là cửa ngõ quan trọng kết nối các nước trong khu vực ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc, cho nên, kinh tế cửa khẩu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. “Hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh có xu hướng tăng lên hàng năm”, ông nói và cho rằng, Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây, thủy sản và nhập từ Trung Quốc các loại nguyên nhiên liệu như: phân bón, hóa chất, than cốc… để phục vụ sản xuất trong nước.

Cụ thể, ông Hiền dẫn chứng, vào năm 2019, tức trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lào Cai đạt 3,8 tỉ đô la Mỹ, trong đó, nông sản xuất khẩu đạt 1,6 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,2 tỉ đô la Mỹ. “Năm 2022, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của chúng tôi vẫn đạt trên 2,2 tỉ đô la Mỹ”, ông cho biết.

Các doanh nghiệp tham dự chương trình kết nối giao thương diễn ra vào chiều nay, 21-4. Ảnh: Trung Chánh

Trong khi đó, ông Trần Cương, Phó cục trưởng cục thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho biết, năm 2022 thương mại giữa châu Hồng Hà với Việt Nam đạt 970 triệu đô la Mỹ, chiếm 30% mậu dịch giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với Việt Nam.

Theo ông Cương, riêng đối với thương mại nông sản, thì giữa châu Hồng Hà với Việt Nam đạt 440 triệu đô la Mỹ, trong đó, thương mại rau quả đạt 120 triệu đô la Mỹ và thủy sản như cá, tôm đạt 810.000 đô la Mỹ.

Ông Cương cho biết, qua cam kết thương mại giữa hai nước, thì các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam như: thanh long, chuối, lương thực, đậu xanh và cá, tôm là những mặt hàng có lợi thế bán vào Trung Quốc nói chung và châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam nói riêng. “Trong khi đó, nông sản của Trung Quốc bán sang Việt Nam chủ yếu là trái cây ôn đới như: nho, cam, các loại rau nhóm lá, nhóm củ và rễ”, ông Cương dẫn chứng.

Còn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan cho thấy, trong quí đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 11,923 tỉ đô la Mỹ, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu từ quốc gia này 23,636 tỉ đô la Mỹ, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài chương trình kết nối giao thương tại thành phố Cần Thơ, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, các doanh nghiệp của Trung Quốc cũng sẽ khảo sát các cơ sở nuôi thủy sản, sản xuất nông sản, trái cây ở tỉnh Tiền Giang (ngày 22-4) và tại tỉnh Long An (ngày 23-4).

Được biết, Tiền Giang và Long An là hai địa phương có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu các loại trái cây như: thanh long, chuối, sầu riêng, mít; chế biến cá tra và sản xuất, chế biến lúa gạo để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Tại chương trình kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam- Trung Quốc diễn ra vào chiều nay, 21-4, tại thành phố Cần Thơ, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, hợp tác xã của các địa phương vùng ĐBSCL cũng đã trực tiếp trưng bày, giới thiệu đến các doanh nghiệp phía Trung Quốc nhiều loại sản phẩm chủ lực của vùng như: trái cây, lúa gạo và thủy sản.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ket-noi-giao-thuong-day-manh-xuat-khau-nong-thuy-san-sang-trung-quoc/