Kết nối mạnh mẽ, hiệu quả hai nền kinh tế

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân Cùng nằm trong Cộng đồng ASEAN, Xin-ga-po - quốc đảo Sư tử, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam rất tốt đẹp trên các lĩnh vực. Xin-ga-po hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam ở khu vực với hơn 2.000 dự án và 43 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD. Xin-ga-po diện tích tuy nhỏ, dân số ít nhưng lại là nước có trình độ phát triển cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cả về kinh tế và khoa học công nghệ; là đầu mối giao lưu thương mại, cảng biển, hàng không, logistics...; là nơi các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đặt trụ sở. Chính vì vậy, chưa bao giờ, yêu cầu kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Xin-ga-po lại cấp bách như hiện nay, nhất là trong thời đại hội nhập kinh tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) đang diễn ra mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Xin-ga-po và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra chương mới cho thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trong tình hình mới. Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Hiển Long, hai nhà lãnh đạo Chính phủ đã đạt nhiều sự nhất trí về thúc đẩy quan hệ chính trị gắn kết, gần gũi giữa lãnh đạo hai nước cả về nhận thức cũng như về mô hình phát triển; đẩy mạnh sự kết nối sâu rộng hai nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hai nước, nhất là trong bối cảnh cuộc CMCN4.0 đang diễn ra sâu rộng và các hiệp định thương mại tự do mà hai nước là thành viên cũng đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các hoạt động thương mại và đầu tư. Hai bên cam kết đẩy mạnh khoa học - công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, giao lưu con người... Bên cạnh lĩnh vực truyền thống, hai bên mở rộng sang lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao hơn như năng lượng tái tạo, xây dựng các thành phố thông minh, kinh tế số, thương mại điện tử, kết nối cảng biển, hàng không...

Một sự kiện được cộng đồng DN hai nước mong chờ trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Diễn đàn DN Việt Nam - Xin-ga-po với sự tham dự của khoảng 700 đại biểu. Sự kiện này cho thấy “sức nóng” của các cơ hội đầu tư, làm ăn ở Việt Nam đối với các DN Xin-ga-po. Bộ trưởng Phát triển quốc gia và Tài chính Xin-ga-po Lo-ren Oong đánh giá, các DN hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, dầu khí, xây dựng thành phố thông minh. Các DN Xin-ga-po cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế số, nhất là khi Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau 5 năm trở thành đối tác chiến lược của nhau, hai nước cần có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tương xứng quan hệ chính trị tốt đẹp. Thủ tướng nhắc lại câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Xin-ga-po Lý Quang Diệu: “...Nếu có vị trí số 1 ở Đông - Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về mặt địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”; nhấn mạnh, câu nói này vẫn luôn là lời động viên chân thành đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Và kể từ năm 1992, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước, trong đó ông đã đặt vấn đề cần kết nối hai nền kinh tế Xin-ga-po - Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ quyết tâm hành động đưa kinh tế Việt Nam tiến bước mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo đó, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên nền tảng năng suất, đổi mới sáng tạo, chủ động tận dụng cơ hội của CMCN4.0. Thủ tướng mong muốn các đối tác Xin-ga-po mang đến những kinh nghiệm hay về thành tựu của quốc gia khởi nghiệp đến Việt Nam. Thông điệp mạnh mẽ, hết sức rõ ràng của nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã được cộng đồng DN hai nước nhiệt liệt hoan nghênh. Diễn đàn được lãnh đạo, cộng đồng DN hai nước đánh giá hết sức thành công khi có tới 16 thỏa thuận hợp tác giữa hai bên được trao đổi dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà nổi bật nhất trong số này là thỏa thuận thành lập liên doanh sửa chữa, bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng máy bay giữa Vietnam Airlines với ST Aerospace; TH Truemilk và Tập đoàn UBM thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh doanh và phân phối các sản phẩm sữa của TH Truemilk tại Xin-ga-po... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tham dự khai trương gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Thực phẩm và Khách sạn châu Á 2018 (FHA). Có khoảng 20 DN Việt Nam tham dự nhằm quảng bá sản phẩm như sữa, cà-phê, gạo, thủy hải sản...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dành thời gian để đối thoại với các tập đoàn đa quốc gia đóng tại Xin-ga-po như Zuellig Pharma, DHL, Cargill, Sojitz... Các tập đoàn này đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện đáng kể; khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư, làm ăn lớn ở Việt Nam lâu dài, do đó họ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam. Buổi đối thoại diễn ra thẳng thắn, cởi mở khi các tập đoàn này đề đạt thẳng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư. Thủ tướng và lãnh đạo một số bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp ngay mọi thắc mắc, được các nhà đầu tư hết sức hoan nghênh. Tại buổi đối thoại với 15 chủ tịch, tổng giám đốc điều hành các tập đoàn, DN hàng đầu của Xin-ga-po đang và chuẩn bị triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao các cơ chế đối thoại chính sách để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng DN, trong đó có các DN Xin-ga-po. Qua đó, hỗ trợ giải quyết những vướng mắc cụ thể của các DN, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần vào thành quả thu hút FDI từ Xin-ga-po. Ông Hô Meng Kít, Chủ tịch Liên đoàn DN Xin-ga-po (SBF) cảm ơn và đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian đối thoại với các DN Xin-ga-po, thể hiện sự lắng nghe và đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài. Đánh giá cao Việt Nam là thị trường đầu tư đầy tiềm năng, ông kêu gọi các DN Xin-ga-po tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Xin-ga-po cũng cam kết sẽ mang những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất trên thế giới đến với Việt Nam.

Thăm Supply Chain City (Thành phố Chuỗi Cung ứng) - hệ thống cung ứng, logistics hiện đại hàng đầu của Xin-ga-po cũng như thế giới, Thủ tướng khuyến khích các đối tác Việt Nam hợp tác với nước ngoài, nhất là Xin-ga-po để phát triển logistics. Ấn tượng trước hệ thống logistics hiện đại ở đây có mức độ tự động hóa rất cao, sử dụng cả thiết bị bay không người lái để giám sát hàng hóa, Thủ tướng bày tỏ, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung xây dựng một trung tâm phân phối hàng hóa và một số dịch vụ logistics; khuyến khích, hỗ trợ mở trung tâm đào tạo nhân lực ngành này; mong đối tác Xin-ga-po chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực này. Thủ tướng cũng dành thời gian tìm hiểu thực tế tại Công ty quản lý cảng biển Xin-ga-po (PSA), thăm cảng biển và một số công trình phụ trợ với những thiết bị, công nghệ vận hành hiện đại, thông minh nhất hiện nay. Chuyến thị sát các trung tâm cảng biển, logistics này hết sức thiết thực, giúp chúng ta tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý trong lĩnh vực này khi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển logistics ở Việt Nam.

Với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động phục vụ người dân và DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tìm hiểu các mô hình xây dựng Chính phủ điện tử, Kế hoạch xây dựng quốc gia thông minh của Xin-ga-po tại Cơ quan Công nghệ Chính phủ Xin-ga-po (GovTech). Thủ tướng dự đối thoại với các chuyên gia, học giả Xin-ga-po và Việt Nam về lĩnh vực công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, thực hiện CMCN4.0 ở Việt Nam; đánh giá cao các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý, nhận diện thách thức và tận dụng các cơ hội đó. Bày tỏ mong muốn tiếp tục được lắng nghe và chia sẻ các kinh nghiệm quý báu của các nhà khoa học, trí thức, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để xử lý tốt vấn đề này.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32. Tại Phiên họp toàn thể, Thủ tướng Lý Hiển Long đã chia sẻ về chủ đề hợp tác ASEAN 2018, hướng tới xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo. Theo đó, các nước ASEAN sẽ cùng nhau triển khai các định hướng hợp tác nêu trong Tuyên bố về Tầm nhìn của lãnh đạo ASEAN về một ASEAN tự cường và sáng tạo, thành lập Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh và tăng cường hợp tác về an ninh mạng.

Chia sẻ quan điểm với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chủ đề và ưu tiên do Chủ tịch ASEAN 2018 đề xuất; khẳng định năng lực tự cường tập thể của ASEAN cần được vun đắp và phát huy trên cả ba trụ cột mà trong đó duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN có ý nghĩa then chốt. Thủ tướng cho rằng, phát huy hiệu quả tính sáng tạo sẽ là đòn bẩy gia tăng sức mạnh tự cường của ASEAN. Trong bối cảnh CMCN4.0, các nhà lãnh đạo ASEAN nhận thức cơ hội và thách thức lớn, do đó ASEAN phải sáng tạo, tự cường. Vì vậy, việc thành lập mạng lưới các thành phố thông minh là đi đúng hướng tiến trình này. Theo đó, mỗi nước cử ba thành phố, trong đó Việt Nam cử Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh tham gia mạng lưới này. Tại phiên họp hẹp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với cách tiếp cận chung của ASEAN về quan hệ đối ngoại hiệu quả, thực chất với các đối tác, khẳng định ASEAN cần tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực trên cơ sở đẩy mạnh năng lực tự cường tập thể và đề cao đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò đầu tàu của ASEAN trong thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực.

HÀ THANH GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36243902-ket-noi-manh-me-hieu-qua-hai-nen-kinh-te.html