Kết nối 'mắt xích' chuỗi giá trị: Kỳ 2: Vững vai trò 'bà đỡ' dẫn dắt sản xuất

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị được tỉnh ta xác định là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân. Đồng thời, bảo đảm các chủ thể tham gia chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm; điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ những chủ trương của Đảng, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả với dấu ấn của các HTX nông nghiệp có vai trò “bà đỡ” dẫn dắt sản xuất.

Khẳng định vai trò kinh tế tập thể

Cụ thể hóa Nghị quyết số 13, ngày 18.3.2002, Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành, các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển HTX được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, kịp thời, phù hợp thực tiễn. Nghị quyết số 13 đi vào cuộc sống giúp nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác, HTX có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử giúp Hợp tác xã Minh Quang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đến hết tháng 7 năm 2023, toàn tỉnh có 465 HTX nông nghiệp, chiếm 57% tổng số HTX trong các lĩnh vực, thu hút gần 3.310 thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là hộ nông dân. Các HTX nông nghiệp từng bước trở thành “mắt xích” quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tạo tiền đề thúc đẩy các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Ngoài ra, nhiều HTX nông nghiệp cung ứng các dịch vụ ở khu vực nông thôn như: Du lịch sinh thái, dịch vụ tổng hợp, nước sạch và nhiều dịch vụ khác, với mục tiêu đem lại lợi ích tối đa cho thành viên, cộng đồng.

Đến HTX Minh Quang, xã Xuân Minh (Quang Bình) dễ dàng chứng kiến không khí làm việc hăng say lao động trong công đoạn làm ra các sản phẩm từ chè – sản vật được xem là “vàng xanh” của núi rừng Hà Giang. Tận dụng lợi thế của vùng nguyên liệu chè Shan tuyết cổ thụ, HTX chủ động liên kết các hộ, nhóm hộ có diện tích chè tham gia vào quy trình sản xuất và chế biến sản phẩm chất lượng cao. Các sản phẩm chủ yếu của HTX là trà Shan tuyết, trà Tuyết Nón, trà Bạch Mẫu Đơn, trà Bạch Mao Tín Dương… Toàn bộ các sản phẩm của HTX đều được sản xuất theo chuỗi, đảm bảo chất lượng hữu cơ, đóng gói tại nhà máy đạt tiêu chuẩn HACCP, có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại nhiều sự kiện, hội chợ lớn trong, ngoài tỉnh và có sức tiêu thụ cao, được nhiều người biết đến đã giúp khẳng định thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang.

Anh Phùng Sùn Chòi, Giám đốc HTX Minh Quang cho biết: Để mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập cho các thành viên, HTX đầu tư nâng cấp nhà xưởng và hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị. Với số vốn ban đầu là 1 tỷ đồng, sau 5 năm hoạt động nguồn vốn tăng lên 4 tỷ đồng. HTX giải quyết việc làm cho 6 lao động trực tiếp với thu nhập 6 triệu đồng/tháng; việc làm gián tiếp cho 120 hộ, thu nhập ổn định từ 40 đến 100 triệu đồng/hộ/năm. HTX liên kết với 6 thôn trên địa bàn xã, trong đó có 3 tổ hợp tác gồm 120 hộ sản xuất làm vùng nguyên liệu sạch, an toàn cung cấp cho HTX chế biến sản phẩm chất lượng cao. Niềm vui lớn đối với HTX là tháng 10 vừa qua, HTX là đơn vị duy nhất của Hà Giang trong số 63 HTX tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh.

Theo tìm hiểu, thực hiện Kết luận số 56 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; thực hiện Luật HTX năm 2012, các HTX trên địa bàn tỉnh được tổ chức lại, từng bước khắc phục hạn chế trong tổ chức, quản lý và hoạt động, xác định lại tư cách thành viên, mở rộng kết nạp thành viên mới, huy động thêm vốn góp của thành viên; nhiều HTX nỗ lực đổi mới quản lý, điều hành, hiệu quả sản xuất ngày càng tăng, nâng cao đời sống của thành viên và nhân dân trong khu vực.

Đổi mới tư duy sản xuất

Có thể thấy, khi thực hiện theo mô hình HTX kiểu mới, những “bà đỡ” đã thay thế tư duy sản xuất cũ bằng tư duy sản xuất mới, đó là sản xuất kinh doanh phải gắn với thị trường, phải liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Công nhân Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ thực hiện các công đoạn chế biến chè búp tươi.

HTX chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) có cả một hành trình đầy gian khó để xây dựng thương hiệu và nay đã khẳng định vai trò “bà đỡ” dẫn dắt người nông dân sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo cung cấp ra thị trường những sản phẩm chè chất lượng, HTX thống nhất với các hộ trồng chè về kế hoạch và yêu cầu kỹ thuật thu mua nguyên liệu theo từng thời điểm. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ trồng chè trong từng khâu chăm sóc, thu hái, bảo quản. Đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào; thay đổi phương thức sản xuất, chế biến từ khâu chăm sóc vùng nguyên liệu; chủ động thuê vườn chè của nhân dân đạt chứng nhận hữu cơ tự chăm sóc, thu hái, thực hiện theo quy trình của HTX nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, đáp ứng tiêu chuẩn sạch theo thị hiếu người tiêu dùng.

Chị Lý Mùi Hương, Phó Giám đốc HTX chế biến chè Phìn Hồ chia sẻ: Thôn Phìn Hồ có 50 hộ chăm sóc gần 70 ha chè Shan tuyết cổ thụ. Số chè búp tươi được HTX thu mua ổn định với giá thành cao. Hiện nay, người dân thu hái búp tươi để chế biến ra các sản phẩm chè chất lượng cao với giá từ 250 - 300 nghìn đồng/kg. Mỗi năm sản lượng chè thu hái của thôn được hơn 40 tấn, đem lại nguồn thu lớn và ổn định cho người dân. Từ một thôn vùng cao nghèo khó, đời sống của người dân đã thay đổi nhờ nghề làm chè, cả thôn không còn hộ đói, nghèo, một số hộ chịu khó đã có của ăn, của để.

Mặt khác, HTX duy trì liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè Shan tuyết với hơn 1.000 hộ dân. Đến nay, HTX có vùng nguyên liệu trên 500 ha được công nhận tiêu chuẩn hữu cơ Organic. Mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; đổi mới toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất, đem đến nhiều dòng sản phẩm mới lạ, hấp dẫn thực khách như: Trà xanh, Hồng trà, Trà đen, Bạch trà, trà Móng rồng… Đặc biệt, HTX có 2 sản phẩm (trà Xanh và Hồng trà) đạt OCOP 5 sao quốc gia do Bộ Nông nghiệp và PTNT chứng nhận. Một số sản phẩm chè của HTX xuất khẩu sang các nước ở nhiều khu vực; thu nhập của người lao động tại HTX bình quân đạt 5 - 15 triệu đồng/tháng.

Từ việc đổi mới tư duy sản xuất đã giúp cán bộ quản lý, điều hành của các HTX tích cực học tập nâng cao trình độ qua các lớp tập huấn, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn. Một số HTX mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ HTX, hiệu quả hoạt động của HTX ngày càng cao hơn. Sự phát triển và hoạt động hiệu quả của các HTX góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo và góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý chia sẻ: Đơn vị luôn chủ động, tích cực phối hợp với Liên minh HTX trong việc tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thành viên hoạt động. Phối hợp để kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của HTX theo Luật HTX, củng cố các HTX yếu kém; kiên quyết giải thể các HTX ngừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả; tuyên truyền, vận động thành lập mới HTX ở những nơi đủ điều kiện, người dân có nhu cầu, gắn xây dựng phát triển HTX với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của HTX trong phát triển KT – XH.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu quán triệt, xác định trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết và các quy định pháp luật, chính sách về phát triển HTX; đưa nhiệm vụ phát triển HTX vào các nghị quyết, phương hướng, nhiệm vụ hàng năm, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đối với HTX; phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm pháp luật về HTX, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các HTX, thành viên và người lao động trong HTX. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng và phát triển HTX, xây dựng những mô hình HTX mang tính đặc thù... Tất cả đều hướng đến mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, nhằm phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

--------------

Kỳ cuối: Gỡ rào cản phát triển.

Bài, ảnh: Kim Tiến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202312/ket-noi-mat-xich-chuoi-gia-tri-ky-2-vung-vai-tro-ba-do-dan-dat-san-xuat-3800f80/