Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Nhiệm vụ thường xuyên, liên tục

Tổng số tiền các NH cam kết hỗ trợ cho 6.599 khách hàng DN theo chương trình đạt 105.154 tỷ đồng. Ngành NH cũng đã hỗ trợ cho 2.885 DN và 750 đối tượng khách hàng khác thông qua các hình thức cơ cấu nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… với tổng dư nợ được hỗ trợ khoảng 18.123 tỷ đồng.

Mở rộng kết nối

Thời điểm cuối năm 2011 và năm 2012, các DN ở TP. Hồ Chí Minh kêu khó khăn, nhưng sau khi ngành NH triển khai quyết liệt Chương trình kết nối NH - DN thì nhiều vướng mắc đã được giải tỏa. Được xem là mô hình điểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ năm 2013, Chương trình kết nối NH - DN có ý nghĩa thiết thực, tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố và được Chính phủ đánh giá cao.

Các cấp, các ngành phải vào cuộc tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình DN, trang trại, hộ nông dân, các TCTD hoạt động hiệu quả

Tính đến ngày 25/8/2014, Chương trình kết nối NH - DN đã được triển khai trên tất cả 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Trong đó, có 49 địa phương đã tổ chức các buổi hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN với 109 hội nghị đã được tổ chức. Ngành NH đã hỗ trợ DN với nhiều hình thức như: cho vay mới với lãi suất thấp, giảm lãi suất các khoản vay cũ, nâng hạn mức tín dụng, cơ cấu lại các khoản nợ cũ…

Tổng số tiền các NH cam kết hỗ trợ cho 6.599 khách hàng DN theo chương trình đạt 105.154 tỷ đồng. Ngành NH cũng đã hỗ trợ cho 2.885 DN và 750 đối tượng khách hàng khác thông qua các hình thức cơ cấu nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… với tổng dư nợ được hỗ trợ khoảng 18.123 tỷ đồng.

“Để nhân rộng và phát huy hiệu quả của Chương trình trên phạm vi toàn quốc, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động của ngành NH và các bộ, ngành liên quan, sự chỉ đạo, tham gia tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng vào thành công của chương trình, góp phần tăng cường sự kết nối, thúc đẩy quan hệ tín dụng giữa NH và DN” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh trong công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh vào tháng 4/2014.

Tại Thái Bình, thông qua hội nghị kết nối NH - DN, đại diện các NH đã giải đáp trên 25 kiến nghị của DN liên quan đến vay vốn, ký kết 11 hợp đồng tín dụng, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay NH, số tiền 938 tỷ đồng… giúp các DN tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức kết nối được 141 DN và 7 khách hàng cá nhân với vốn vay NH đạt gần 900 tỷ đồng. Trong đó, cho vay mới gần 473 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lãi suất gần 204 tỷ đồng và tăng hạn mức tín dụng 223 tỷ đồng. Thông qua chương trình, các chi nhánh NHTM trên địa bàn cũng đã cơ cấu lại thời hạn nợ với số dư gần 960 tỷ đồng cho các khách hàng.

Ông Trịnh Văn Chiến – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện Chương trình kết nối NH – DN trên địa bàn tỉnh, đã có 7 chi nhánh NHTM ký cam kết cho vay ưu đãi 13 DN thuộc lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng nông nghiệp, chế biến thủy sản xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng xây lắp… với tổng số vốn 768,8 tỷ đồng; mức lãi suất cho vay ngắn hạn 7-8%/năm, cho vay trung và dài hạn 11,5%/năm.

“UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với NHNN chi nhánh Thanh Hóa triển khai chương trình đến các địa phương trên địa bàn tỉnh; trước hết tập trung triển khai đến các địa bàn có nhiều DN, có nhu cầu vay vốn lớn” - ông Chiến cho biết thêm.

Ông Đỗ Văn Vẻ - đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch thường trực Hội DN tỉnh Thái Bình cho biết, vai trò của chi nhánh NHNN các địa phương được khẳng định thông qua chương trình kết nối. Bên cạnh đó, bản thân các NHTM cũng hoàn thiện mình về chính sách, thủ tục tiếp cận NH. Thông qua kết nối NH - DN, hiệp hội DN của các tỉnh đóng vai trò là mái nhà chung, cầu nối giữa DN và các cấp với chính quyền, giữa DN với đối tác, DN với NH.

Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Theo đánh giá của NHNN các tỉnh, thành phố, trong quá trình thực hiện Chương trình kết nối NH - DN cho thấy còn một số vướng mắc, khó khăn. Trong đó, nhiều DN đã phải vay vốn để tiếp tục thi công xây dựng cho các dự án có nguồn từ ngân sách nhưng thanh toán chậm dẫn đến DN có nợ quá hạn, nợ đọng lớn nên gặp nhiều khó khăn về tài chính, khó tiếp cận với nguồn vốn vay mới.

Các NHTM cũng phản ánh, mặc dù đã rất tích cực tìm kiếm các khách hàng, tuy nhiên còn nhiều hạn chế trong việc tìm kiếm các DN đúng nghĩa là đang khó khăn cần tháo gỡ và có phương án kinh doanh mới hiệu quả. Đối tượng DN này lại thường thiếu tài sản đảm bảo, khó tiêu thụ hàng tồn kho và khó đáp ứng điều kiện cho vay.

Lãnh đạo một NHTM Nhà nước cho biết, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chương trình kết nối NH - DN, đồng thời kiến nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành vào cuộc để tạo sự thông thoáng về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình DN, trang trại, hộ nông dân, các TCTD trên địa bàn hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đặc thù, có chính sách kích cầu như miễn thuế, giảm hoặc giãn thuế, có các giải pháp hỗ trợ DN như giải pháp hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, về thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến thành lập và hoạt động của DN.

Trong chuyến công tác tại các địa phương mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh cần chủ động tham mưu cùng chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn thông qua chương trình kết nối NH - DN. Phải xem kết nối NH - DN là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục.

Ngày 2/10, tại UBND quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, các NH Sacombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã ký kết hợp đồng tín dụng với tổng nguồn vốn 657,7 tỷ đồng hỗ trợ cho 32 DN trên địa bàn quận Thủ Đức.

Đức Nghiêm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/2-ket-noi-ngan-hang---doanh-nghiep--nhiem-vu-thuong-xuyen--lien-tuc-25724.html