Kết nối sản xuất và tiêu thụ tạo sức bật mới cho kinh tế nông nghiệp

Sự thay đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã góp phần đưa kinh tế nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng duy trì bình quân hàng năm đạt 5,6%. Việc kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản cũng được chú trọng thực hiện mang lại sức bật cho kinh tế nông nghiệp của thành phố.

Hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố phát triển nhóm sản phẩm chủ lực như rau, hoa cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ và cá cảnh xuất khẩu. Trong 6 tháng/2020, diện tích gieo trồng rau đạt 7.139ha, cây kiểng đạt 2.549ha, tăng 12,5% so cùng kỳ. Tổng đàn bò đạt 121.000 con, tăng 1,7% so với cùng kỳ...

Vùng sản xuất rau an toàn theo công nghệ thủy canh

Thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, trong 6 tháng/2020 bình quân vốn đầu tư đạt 1.824 triệu đồng/hộ/phương án cao hơn 1,2 lần bình quân năm 2019 (1.519 triệu đồng/hộ/phương án).

Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn thành phố. Chương trình OCOP của thành phố sẽ tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh cùng các sản phẩm thuộc làng nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn có sử dụng nguyên liệu nguồn gốc nông nghiệp như bánh tráng Phú Hòa Đông, đan đát xã Thái Mỹ, mành trúc Tân Thông Hội, đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, làng nghề se nhang Lê Minh Xuân, xoài - Long Hòa; cá dứa - Cần Giờ…

Kết quả triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đến nay được đông đảo hộ sản xuất, tổ chức, DN, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia. Tính từ năm 2011 đến nay đã phê duyệt khoảng trên 8 ngàn quyết định phương án hỗ trợ vay vốn cho các tổ chức, hộ dân, cá nhân với tổng số lượng hộ dân tham gia vay vốn là trên 24.000 lượt hộ vay, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 13 ngàn tỷ đồng, trong đó tổng vốn vay được ngân sách của thành phố hỗ trợ lãi vay là trên 8 ngàn tỷ đồng, trong số đó vay vốn để phát triển sản phẩm OCOP chiếm khoảng 72%.

Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, trong bối cảnh thành phố đang tập trung, ưu tiên phát triển một nền nông nghiệp đô thị chất lượng cao, việc phát triển các sản phẩm chủ lực là một hướng đi mang tính chất dài hạn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế xã hội, trực tiếp giúp nông dân làm giàu bền vững.

Kết nối sản xuất và tiêu thụ

Trên thực tế, nhiều DN, nông dân, hợp tác xã (HTX) đang trực tiếp nuôi, trồng, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là nỗi trăn trở của HTX và DN sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Tủi - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh - do quỹ đất canh tác ít, chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, nên chi phí đầu tư cho việc canh tác ứng dụng công nghệ cao sản xuất các sản phẩm chủ lực gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa phát huy hiệu quả. Các sản phẩm nông nghiệp làm ra chưa bảo đảm tiêu chí quy chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng theo yêu cầu nhà phân phối do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, phương thức thanh toán chưa hợp lý… gây nhiều khó khăn cho người sản xuất và hoạt động tiêu thụ.

Từ thực tế này, việc đưa ra các giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rất cần thiết. Số liệu từ Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh - Saigon Co.op - cho thấy, trong năm 2019, mới chỉ có 17 hợp đồng thương mại giữa Saigon Co.op ký với các HTX, DN để tạo nguồn cung ổn định cho đơn vị này.

Theo bà Nguyễn Thanh Phượng - Phụ trách thu mua nông sản của Saigon Co.op - các HTX, DN nuôi trồng, ngoài việc chọn lọc sản phẩm đầu tư theo xu hướng tiêu dùng, nên phân khu vực nuôi trồng ra thành vườn nhỏ để kinh doanh cho kênh siêu thị, khắc phục tình trạng yêu cầu siêu thị thu mua cả vườn với sản lượng lớn một lần, chưa phù hợp với nhu cầu của kênh phân phối lẻ. Từ phía các đơn vị sản xuất cũng cần có sự cam kết về lượng và bảo đảm chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không thu gom các nguồn hàng không đạt tiêu chuẩn hoặc không rõ nguồn gốc. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật công nghệ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm, đáp ứng nguồn hàng ổn định vào mùa mưa.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục triển khai đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, đề xuất đầu tư thêm một khu nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng, triển khai các giải pháp giới thiệu, quảng bá tiếp thị trên website, logo nhãn hiệu, các hội chợ triển lãm, sự kiện kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ket-noi-san-xuat-va-tieu-thu-tao-suc-bat-moi-cho-kinh-te-nong-nghiep-141335.html