'Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước' - Cơ hội nắm bắt xu thế Startup trên thế giới

Diễn đàn là dịp để các Startup Việt trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Sáng 26/6, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước”. Đây là diễn đàn tiếp nối thành công của “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức tại San Francisco, Hoa Kỳ vào tháng 12/2017.

Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương và khoảng 400 đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức hỗ trợ đổi mới khởi nghiệp, sinh viên các trường đại học…

Diễn đàn là dịp để các Startup Việt trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, diễn đàn giúp kết nối các Startup của người Việt trong và ngoài nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư tiềm năng, các quỹ đầu tư; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam về những thuận lợi, khó khăn, nhu cầu hỗ trợ để phát triển.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết: TP.Hồ Chí Minh có diện tích nhỏ chưa bằng 1% diện tích cả nước nhưng chiếm 9% dân số cả nước, đóng góp 22% GDP, khoảng 27% tổng thu ngân sách, năng suất lao động gấp 2,5 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Với những tiền đề như vậy, Thành phố hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố trở thành thành phố văn minh, hiện đại, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh những điểm mạnh, Thành phố cũng còn những điểm yếu cần phải khắc phục và một trong những điểm yếu đó là việc ứng dụng khoa học - công nghệ, sự kết nối giữa người nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp còn hạn chế.

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Diễn đàn

Để giải quyết vấn đề này, cần đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ cho doanh nghiệp có thói quen đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu, làm cho giới khoa học đào tạo và doanh nghiệp tìm đến nhau. Bên cạnh đó, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp mới đã có sự kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh, nếu kết hợp được khoa học và kinh doanh sẽ là lợi thế cho doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Hiện nay, Chính phủ và TP.Hồ Chí Minh đã có chương trình về khởi nghiệp sáng tạo. Qua chuyến thăm Hoa Kỳ và Israel của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh vừa qua, Thành phố nhận thấy việc kết nối trong nước và ngoài nước rất quan trọng. Việc này sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm, kết nối để phát triển doanh nghiệp từ giai đoạn nghiên cứu thị trường, định hướng công nghệ, tập hợp đội ngũ; hoàn thiện sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh đến giai đoạn sản xuất quy mô lớn hơn, thị trường thật và tiến tới thương mại hóa sản phẩm.

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện thân mật với các diễn giả

Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước” diễn ra trong 1,5 ngày. Trong buổi sáng nay, các đại biểu đã được nghe về tình hình hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh đặc biệt là về các chính sách hỗ trợ của Thành phố, giới thiệu các cơ hội đầu tư vào StartUp tại TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng nghe 8 diễn giả là các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp đến từ Việt Nam, Mỹ, Canada, Israel trình bày các vấn đề liên quan đến Startup, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp, đưa ra định hướng chính về xu hướng công nghệ chủ đạo hiện tại và tương lai, những mô hình khởi nghiệp phù hợp với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong Diễn đàn lần này, các đại biểu sẽ còn tập trung thảo luận 3 chủ đề: "Giai đoạn đầu của khởi nghiệp", "Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp" và "Đưa Startup Việt ra với thế giới”; các Startup trình bày ý tưởng, và các chuyên gia sẽ góp ý kiến tư vấn, định hướng phát triển sản phẩm và phát triển doanh nghiệp, gọi vốn đầu tư...

* Báo cáo của Sở Sở Khoa học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh cho thấy trong hơn 2 năm qua, Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngân sách chi cho hoạt động khoa học, công nghệ của Thành phố giai đoạn 2016-2017 khoảng 90 triệu USD. Thành phố hiện có 760 nhóm cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm 42% của cả nước. Có hơn 46% (tương đương 350 startup) đã và đang tham gia các chương trình hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành Phố; trong đó có 222 startup (chiếm 63%) đã và đang được hỗ trợ ươm tạo tại 10 cơ sở ươm tạo của Nhà Nước trong giai đoạn từ 2011 đến nay. Ngoài ra, có khoảng 49% startup đã tìm được nhà tài trợ và đầu tư; trong đó, có khoảng 70% đang ở các giai đoạn đầu tiên của quá trình gọi vốn đầu tư.

Tin, ảnh: VL

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/thoi-su/ket-noi-startup-viet-trong-va-ngoai-nuoc-co-hoi-nam-bat-xu-the-startup-tren-the-gioi-488530.html