Kết nối thị trường: Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng hưởng lợi

Với dân số khoảng 10 triệu người, mỗi tháng Hà Nội cần khoảng 83.400 tấn gạo, 20.000 tấn thịt lợn hơi và 5.000 tấn thịt bò… Đây là thị trường lớn, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp cung ứng nông sản, thực phẩm tiếp cận và cung ứng cho người dân Thủ đô.

Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, dự kiến trong dịp Tết Dương lịch và Tết Mậu Tuất 2018, lượng hàng hóa các tỉnh chuyển về Hà Nội đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 35% so với Tết năm 2017 (trong đó tiêu thụ tại Hà Nội khoảng 20.000 tỷ, còn lại chuyển đi các tỉnh lân cận khoảng 5.500 tỷ đồng). Đặc biệt, hàng hóa dự kiến ký kết cho cả năm 2018 khoảng gần 100.000 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn Hà Nội).

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm cho người dân, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm quảng bá, giới thiệu, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm các địa phương. Đồng thời, hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung ứng cho thị trường Hà Nội những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có xuất xứ rõ ràng. Thực hiện chọn lựa các cơ sở chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản và các mặt hàng để hỗ trợ xây dựng tem điện tử thông minh QR code cho 250 dòng sản phẩm trong đó có các sản phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh chuyển về Hà Nội...

Người dân có nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn.

Người dân có nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn.

Ông Sỹ Danh Phúc, Giám đốc Siêu thị Fivimart Trúc Khê cho biết, Fivimart tham gia vào hầu hết các chương trình kết nối để tìm kiếm nông sản, đặc sản các miền, bổ sung vào kệ siêu thị. Hiện nay, các địa phương còn ít DN quy mô lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa, điều này khiến DN Hà Nội gặp khó khăn trong quá trình thu mua lượng hàng lớn.

Trong khi đó, Giám đốc Cty đặc sản Tây Bắc Việt Nam, ông Đoàn Văn Triều cho biết, đơn vị của ông đã tham gia kết nối 2 năm, mức đầu tư thường không tính toán được vì đi xa hay gần, mang nhiều hay ít trong số 15 dòng sản phẩm. Mỗi lần tham dự các chương trình hợp tác, liên kết tiêu thu sản phẩm, công ty ông mong có thể gặp gỡ kết nối với các đơn vị bán lẻ để tìm đầu ra cho sản phẩm. “Thường thì mỗi lần tham gia kết nối sẽ có nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết và khoảng 80% số hợp đồng này sẽ được triển khai thực hiện. Đó là một kết quả khá cao”.

Ông Triều cũng cho biết, các dòng sản phẩm nông sản là đặc sản vùng Tây Bắc của công ty ông không thể tìm đến các kênh phân phối truyền thống vì giá cả không phù hợp với đa dạng khách hàng và sản phẩm Tây Bắc không thể cạnh tranh bằng giá cả vì chi phí làm ra một sản phẩm rất cao. Do đó, ông chủ yếu phát triển bán lẻ ở các chuỗi cửa hàng, ở các khu vui chơi giải trí như kết hợp với Sun Group bán ở các khu vui chơi của họ hoặc tìm kiếm các đối tác lớn để cùng thực hiện các hộp quà vào dịp Lễ, Tết, sinh nhật Cty....

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đánh giá, TP Hà Nội là địa bàn rất tiềm năng trong việc kết nối cung cầu hàng hóa. Hàng hóa của Đồng Tháp được nhiều người quan tâm. Hội nghị kết nối cung cầu là điều kiện rất thuận lợi cho các tỉnh đưa hàng hóa đến để giới thiệu, chào hàng cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Thủ đô.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, những năm qua, Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh thành phố trên cả nước đã giúp các doanh nghiệp sản xuất chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định được đầu vào và đầu ra. Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, chất lượng sản phẩm…. để đưa vào kênh phân phối hiện đại, không những tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn có nhiều cơ hội để đưa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài: Nhật (AEON), Hàn Quốc (Lotte), Thái Lan (BigC)…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, chương trình giao thương, kết nối cung cầu là giải pháp quan trọng để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp cận được người tiêu dùng để nắm bắt được nhu cầu thị hiếu người dân. Nhờ sự liên kết chặt chẽ nên có thể điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá, đặc biệt với các sản phẩm có tính thời vụ, cơ bản đã khắc phục được tình trạng “được mùa rớt giá”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cần số lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường cho các doanh nghiệp chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, xu hướng hiện nay là thương mại điện tử. Nếu Hà Nội phát triển được trang thương mại điện tử có uy tín, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định thì sẽ giúp thương mại phát triển tốt nhất, không chỉ cho thành phố mà còn cả các tỉnh, thành phố khác.

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ket-noi-thi-truong-doanh-nghiep-va-nguoi-tieu-dung-cung-huong-loi-d67327.html