Kết nối ứng dụng phát triển nông nghiệp vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Ngày 24/3, tại TPHCM, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN- (Bộ KH&CN), Sở KH&CN Khánh Hòa phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển Thương hiệu Việt đã tổ chức công bố Chương trình 'KH&CN phát triển nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2018'.

Quang cảnh buổi công bố chương trình

Theo đó, Chương trình “KH&CN phát triển nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên 2018” sẽ được diễn ra từ 28/6 đến ngày 1/7/2018 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự kiến sẽ thu hút 400 gian hàng đến từ 20 tỉnh thành trên cả nước.

Chương trình sẽ giới thiệu các thiết bị công nghệ, sản phẩm nông nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý, các viện, trường ĐH, có điều kiện giao lưu, kết nối, tăng cường hợp tác đầu tư phát triển, và ứng dụng khoa học công nghệ.

Ngoài các nội dung từ triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghệ, hội thảo chuyên đề, chương trình còn tổ chức các chương trình khuyến nông, tham quan trực tiếp các làng nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và các vùng lân cận.

Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN ( Bộ KH&CN) chia sẻ: Nam Trung bộ và Tây Nguyên là vùng có thế mạnh về ven biển để phát triển nông nghiệp và du lịch. Nông nghiệp của vùng đã có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đất nước.

Tuy nhiên, sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng thực sự vốn có của vùng. “Việc tổ chức Chương trình tại vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên với mong muốn thúc đẩy sự liên kết, mang đến cơ hội để chia sẻ giữa những người làm nông nghiệp của vùng với các nhà khoa học, nhà quản lý, để KH&CN thực sự gắn với quá trình sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng thu nhập cho bà con nông dân” – ông Đích cho biết.

Ông Huỳnh Kỳ Hạnh – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hiện tỉnh Khánh Hòa đang rất quan tâm đến ứng dụng KH&CN trong việc phát triển nông, ngư nghiệp của địa phương. Tỉnh Khánh Hòa với lợi thế hiện có 3 viện nghiên cứu thuộc Trung ương, 1 trường ĐH hàng đầu về thủy sản nhưng yêu cầu phát triển công nghệ lúc nào cũng là đề tài cấp thiết để khôi phục, phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng”, ông Hạnh nói.

Ông Hạnh dẫn chứng, công nghệ sau thu hoạch cho hoạt động đánh bắt cá ngừ hiện vẫn đang là khâu yếu khiến thu hoạch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu chất lượng cao.

Ngành trồng trọt cũng đặt ra nhiều thách thức như nguồn giống bị thoái hóa hoặc cơ giới hóa trên ruộng mía còn khó ở các huyện vùng cao. Các sản phẩm đặc sản như xoài Cam Lâm, hay tỏi Lý Sơn trồng trên đất Khánh Hòa làm thương hiệu và đầu ra chưa tốt.

"Tỉnh Khánh Hòa mong muốn được kết nối với các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, đặc biệt là chất lượng để có thể xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương như xoài, tỏi, dược liệu,…

Đồng thời, mong các doanh nghiệp nắm bắt được các nhu cầu của địa phương và trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, chứ không chỉ tiếp nhận các kết quả nghiên cứu đã có” – ông Hạnh chia sẻ.

Tiến Vượng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ket-noi-ung-dung-phat-trien-nong-nghiep-vung-nam-trung-bo-tay-nguyen-3920028-c.html