Kết quả bất ngờ từ phương pháp chữa nghiện mới

Bệnh nhân số 1 là một người đàn ông mảnh dẻ, khuôn mặt gầy gò và đầu gối nhô ra. Đầu anh ta đã được cạo sạch tóc và trùm khăn trắng để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật.

Ảnh chụp não của bệnh nhân nghiện đã được cấy điện cực. (Ảnh: AP)

Ảnh chụp não của bệnh nhân nghiện đã được cấy điện cực. (Ảnh: AP)

Nhiều năm nghiện ma túy khiến người đàn ông này mất vợ, hết tiền và cả lòng tự trọng. Rồi anh ta tìm đến căn căn phòng màu vàng buồn tẻ trong một bệnh viện ở Thượng Hải để trải qua ca phẫu thuật kéo dài 72 giờ đồng hồ. Các bác sĩ sẽ khoan 2 lỗ nhỏ trên hộp sọ của anh ta rồi luồn các điện cực vào sâu trong não.

Điều trị bằng cách can thiệp sâu vào não từ lâu đã được sử dụng đối với những bệnh rối loạn cử động như Parkinson. Giờ đây, ca phẫu thuật thử nghiệm đầu tiên trên bệnh nhân nghiện ma túy đang được thực hiện ở bệnh viện Ruijin ở Thượng Hải. Bệnh nhân nói trên là trường hợp đầu tiên trải qua phương pháp điều trị mới.

Theo phương pháp này, các bác sĩ cấy một thiết bị hoạt động như máy tạo nhịp cho não, kích điện vào các khu vực mục tiêu. Trung Quốc đang nổi lên như một trung tâm mới của phương pháp này.

Các nhà khoa học ở châu Âu từ lâu đã tuyển bệnh nhân tham gia thử nghiệm phương pháp chữa nghiện mang tên DBS này. Nhiều câu hỏi phức tạp về xã hội, đạo đức và khoa học khiến DBS không được thúc đẩy ở Mỹ. Các thiết bị cấy ghép có chi phí lên đến 100.000 USD.

Trung Quốc có một lịch sử phẫu thuật não để điều trị nghiện từ khá lâu. Hiện nay, luật chống ma túy của nước này buộc những người nghiện điều trị bắt buộc trong vài năm, trong đó có thời gian “phục hồi” bằng lao động. Trung Quốc có rất nhiều bệnh nhân, ngân sách của chính phủ và các công ty thiết bị y tế tham vọng sẵn sàng chi trả cho nghiên cứu phương pháp DBS.

Mới có 8 trường hợp đăng ký thử nghiệm phương pháp điều trị nghiện DBS trên thế giới, theo số liệu của Viện Y tế quốc gia Mỹ. 6 trường hợp trong số đó ở Trung Quốc.

Nhưng nhiều vấn đề do chứng nghiện ma túy gây ra có thể đang thay đổi tính toán của các bác sĩ và các nhà quản lý sở Mỹ. Phẫu thuật thử nghiệm trên Bệnh nhân số 1 sắp được triển khai tại Mỹ.

Tháng 2 năm nay, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ bật đèn xenh cho phẫu thuật thử nghiệm DBS đầu tiên đối với người nghiện ở Tây Virginia.

Chấp nhận rủi ro
Bệnh nhân số 1 ở Trung Quốc chỉ tiết lộ anh ta họ Yan. Yan sợ sẽ mất việc nếu lộ danh tính.
Các bác sĩ nói với Yan rằng ca phẫu thuật này không rủi ro, nhưng anh vẫn lo lắng.
Yan bị 3 người bạn lừa dùng ma túy “đá” trong khách sạn, không lâu sau khi con trai anh ra đời vào năm 2011.

Lúc đầu cảm thấy hơi khó chịu, nhưng sau đó Yan chỉ thích chơi bạc sau khi dùng “đá”. Lần nào hút xong anh ta cũng đánh bạc, và lần nào cũng thua. Yan mất tổng số khoảng 150.000 USD kể từ khi bắt đầu dùng “đá”.

Vợ Yan quyết định ly dị. Anh ta hiếm khi được gặp con.

Yan vào bệnh viện để dùng liệu pháp detox, chuyển nơi ở để tránh bạn xấu, sử dụng Đông y để cai. Nhưng lần nào cũng thất bại. “Ý chí của tôi quá yếu”, Yan nói.

Năm ngoái, bố Yan đưa ra tối hậu thư: Đi cai nghiện tiếp hoặc phẫu thuật não. “Tất nhiên tôi chọn phẫu thuật, vì cách đó còn giúp tôi có cơ hội quay lại cuộc sống bình thường”, Yan nói.

Trước khi có biện pháp cấy thiết bị vào não, ở Trung Quốc đã sử dụng biện pháp gây tổn thương não. Nhiều gia đình tuyệt vọng vì người nghiện đã chi hàng nghìn đô la cho các biện pháp phẫu thuật rủi ro và chưa được chứng minh, mà trong đó các bác sĩ phá hủy một phần tế bào não.

Phương pháp này trở thành nguồn kiếm lời trong nhiều bệnh viện, nhưng cũng khiến nhiều bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, mất trí nhớ và thay đổi ham muốn tình dục.

Năm 2004, Bộ Y tế Trung Quốc yêu cầu dừng triển khai biện pháp này tại hầu hết bệnh viện. 9 năm sau, các bác sĩ ở Tây An báo cáo rằng gần một nửa trong só 1.167 người nghiện từng trải qua phương pháp gây tổn thương não đã bỏ được ma túy trong ít nhất 5 năm.

DBS ra đời từ lịch sử đó. Nhưng khác với biện pháp gây tổn thương não bằng cách tiêu diệt các tế bào não, DBS cho phép can thiệp vào não, và về lý thuyết là không thể đảo ngược. Công nghệ này mở ra một lĩnh vực thử nghiệm trên người hoàn toàn mới.

Tại Trung Quốc, mỗi bệnh nhân sử dụng phương pháp DBS phải trả khoảng 25.000 USD.
Các bác sĩ nói với Yan rằng phương pháp này rất an toàn. Nhưng trên thực tế vẫn có rủi ro. Yan có thể chết vì xuất huyết não, hoặc sẽ thay đổi tính cách, bị co giật hoặc nhiễm trùng. Hoặc rút cục vẫn nghiện.

Những người phản đối cho rằng không nên cho phép thực hiện loại phẫu thuật này, vì các nhà khoa học chưa hiểu đầy đủ cơ chế hoạt động của DBS và vẫn tranh cãi về cách đặt DBS để chữa nghiện.

Cuộc sống mới
2 ngày sau ca phẫu thuật, các bác sĩ bắt đầu bật thiết bị DBS cho Yan. Khi các điện cực được kích hoạt, Yan nói anh cảm thấy phấn khích hẳn. Dòng điện chạy qua người khiến anh cảm thấy tỉnh táo, và anh đã nghĩ về ma túy suốt cả đêm.

Đến hôm sau, Yan ngồi trước mặt bác sĩ. Bác sĩ dùng chiếc máy tính bảng để điều chỉnh thiết bị trong đầu Yan.

“Vui không?” bác sĩ hỏi khi đang điều chỉnh máy tính. “Có”, Yan trả lời.

Bác sĩ thay đổi chế độ. “Giờ thì sao?” bác sĩ hỏi. “Lo lắng”, Yan nói. Rồi anh cảm thấy trống ngực đập thình thịch, thấy tê và mệt. Rồi anh bắt đầu vã mồ hôi.

Bác sĩ tiếp tục chỉnh. “Giờ vui hơn rồi”, Yan nói.

Giờ thì tâm trạng anh rất hưng phấn. “Cái máy này khá kỳ diệu. Bác sĩ làm tôi hạnh phúc thì tôi sẽ hạnh phúc, làm tôi lo lắng thì tôi sẽ lo lắng”, Yan nói.

Yan ra viện trong buổi sáng hôm sau.

Hơn 6 tháng sau, Yan vẫn chưa tái nghiện. Làn da anh cải thiện đáng kể. Khi bạn cũ rủ rê, anh từ chối chơi thuốc. Anh cố hàn gắn quan hệ với vợ cũ, nhưng cô ấy đang có bầu với người chồng mới.

“Điều hổ thẹn duy nhất là anh đến quá muộn”, cô nói.

Với cuộc sống mới, đôi khi Yan sờ vào sợi dây trên cổ chạy từ não xuống rồi tự hỏi: “Cái máy này đang làm gì trong đầu mình vậy?”

Bình Giang

theo AP

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/ket-qua-bat-ngo-tu-phuong-phap-chua-nghien-moi-1412730.tpo