Kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) ở Thái Bình

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình.

Xác định rõ việc "Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) là nhiệm vụ rất cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng đảng, đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, thời gian qua, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở ở Thái Bình đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để các Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai việc học tập, quán triệt các nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; xác định lộ trình cụ thể để mỗi cấp, mỗi địa phương, mỗi tổ chức triển khai thực hiện ngay những việc đã rõ, thí điểm thực hiện những việc mới mà Nghị quyết yêu cầu. Yêu cầu chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, khoa học, hiệu quả, tạo sự chuyển biến thực sự về đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Để việc triển khai đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập đoàn công tác trực tiếp nghe các huyện, thành phố và các sở, ngành báo cáo quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời đôn đốc các địa phương, cơ quan, đơn vị tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện nghị quyết với quan điểm: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng và pháp luật Nhà nước, đảm bảo sự thống nhất lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong sắp xếp bộ máy; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn làm mục tiêu hàng đầu để sắp xếp. Khi sắp xếp tổ chức bộ máy phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; vừa có tính kế thừa, ổn định, vừa đảm bảo tính đổi mới, phát triển; gắn đổi mới bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế; chú trọng về chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là trọng dụng người có năng lực, có đức, có tài thực sự. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả. Yêu cầu thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài để đạt được mục tiêu về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Qua gần một năm triển khai thực hiện các Nghị quyết, tỉnh Thái Bình đã đạt được một số kết quả bước đầu:

Thứ nhất, thực hiện mô hình trưởng ban dân vận cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc cấp huyện, đến nay toàn tỉnh có 3 huyện (Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương) đã thực hiện xong. Các huyện, thành phố còn lại đang triển khai thực hiện. Đối với việc bố trí chức danh trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, đã có 4 huyện (Đông Hưng, Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy) kiện toàn xong, 4 huyện, thành phố còn lại đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trong năm 2018.

Thứ hai, về tổ chức bộ máy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Đến ngày 30-9-2018, toàn tỉnh đã giảm được 8 công đoàn giáo dục trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện, thành phố; 2 công đoàn ngành trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh; 4 phòng, chi cục trực thuộc sở, 24 khoa, phòng trực thuộc các chi cục và trung tâm; 123 đơn vị sự nghiệp công lập (khối đảng, đoàn thể 2 đơn vị, khối nhà nước 121 đơn vị); trong đó đã giảm 63 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sau khi sáp nhập. Điển hình 3 huyện đã thực hiện xong việc sáp nhập các trường theo kế hoạch (huyện Thái Thụy giảm 23 trường, huyện Quỳnh Phụ giảm 16 trường, huyện Hưng Hà giảm 15 trường); Sở Y tế đã hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm Da liễu vào Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn và đổi tên thành Bệnh viện Da liễu; sáp nhập 8 Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện, thành phố vào 8 Trung tâm Y tế huyện, thành phố và chuyển về trực thuộc Sở Y tế quản lý.

Thứ ba, về tinh giản biên chế, đến nay toàn tỉnh đã giảm được 1.848 biên chế, so với số được giao năm 2015 (công chức giảm 108 biên chế; viên chức giảm 1.740 biên chế); trong đó biên chế giảm do thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ là 272 người. Các đơn vị sự nghiệp ngành y tế chuyển từ nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước sang nguồn trả lương từ khoản thu sự nghiệp đối với 3.514 viên chức.

Thứ tư, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc bố trí cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các vị trí công chức khuyết thiếu, đến nay toàn tỉnh đã giảm được 640 cán bộ, công chức cấp xã (giảm 11% so với tổng số biên chế cán bộ, công chức cấp xã và giảm 19% so với tổng số biên chế công chức cấp xã); tiết kiệm chi ngân sách nhà nước 36.220.636.900 đồng/năm do không phải thực hiện chi trả lương, phụ cấp công vụ, chi đóng BHXH, BHYT cho 640 biên chế.

Thứ năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Kết luận số 34-KL/TW ngày 7-8-2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25-7-2018 của Ban Bí thư Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để nêu gương và tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị.

Những kết quả bước đầu đạt được sau gần một năm thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TWHội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Thái Bình nêu trên có phần đóng góp không nhỏ của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Thái Bình. Kết quả đó đã tạo động lực rất quan trọng cho tỉnh Thái Bình tiếp tục triển khai thành công kế hoạch thực hiện Nghị quyết đã đề ra. Trong thời gian tới, nhiệm vụ còn hết sức nặng nề, phát huy những kết quả đã đạt được, ngành Tổ chức xây dựng Đảng quyết tâm cùng các cấp, các ngành tích cực tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18,19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).

Vũ Thị HằngPhó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/to-chuc/2018/12215/ket-qua-buoc-dau-trong-thuc-hien-nghi-quyet-so-18-19.aspx