Kết quả bước đầu trong xử lý chất thải y tế ở Hưng Yên

Với sự quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường của ngành y tế tỉnh Hưng Yên, vấn đề xử lý chất thải y tế từng bước được giải quyết hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống 'xanh, sạch, đẹp' ở nhiều bệnh viện trong tỉnh. Việc làm ý nghĩa này cần được tiếp tục phát huy, nhân rộng.

Hệ thống xử lý nước thải ở Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Hệ thống xử lý nước thải ở Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và mở rộng quy mô điều trị trong hệ thống y tế từ tỉnh đến xã, phường nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao. Đồng thời, ngành y tế đã quan tâm công tác bảo vệ môi trường, chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải y tế theo quy định. Các bệnh viện, trung tâm y tế đã triển khai đầu tư thực hiện tốt việc thu gom, xử lý chất thải rắn; tuy nhiên, việc xử lý chất thải lỏng y tế còn nhiều bất cập, chưa được xử lý theo quy định do: phần lớn các cơ sở y tế chưa có các hệ thống xử lý; một số cơ sở y tế được xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng công nghệ lạc hậu, xuống cấp dẫn đến nhiều chỉ tiêu nước thải xả ra môi trường vượt quá quy định cho phép. Việc xả chất thải lỏng y tế chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng không đạt yêu cầu đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong vùng và ở cả cơ sở y tế. Trước thực trạng nêu trên, ngành y tế tỉnh Hưng Yên quyết tâm xử lý vấn đề nước thải y tế gây ô nhiễm môi trường, trước mắt xử lý triệt để nước thải y tế ở 15 cơ sở khám, chữa bệnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sở Y tế Hưng Yên đã xây dựng dự án “xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế lỏng tại 15 cơ sở y tế tỉnh Hưng Yên” nhằm đáp ứng yêu cầu về xử lý chất thải y tế theo quy định bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững. Dự án được triển khai, huy động từ nhiều nguồn vốn: vốn ngân sách, trung ương, địa phương, vốn vay... đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều cơ sở y tế giải quyết triệt để vấn đề xử lý nước thải y tế.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu Vũ Thị Ngát cho biết: Trung tâm có quy mô 200 giường, hằng năm khám, chữa bệnh cho hơn 100 nghìn người; trong đó, có hơn 11 nghìn người bệnh nằm điều trị tại trung tâm cho nên lượng nước thải y tế ra môi trường khá lớn. Trong khi đó, trung tâm chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế, nhiều chỉ tiêu như: COD, BOD, tổng Ni-tơ, tổng Phốt-pho... vượt quy định cho phép gấp từ 2 đến 5 lần được xả thẳng ra môi trường. Năm 2017, hệ thống xử lý nước thải của trung tâm được xây dựng xong, đưa vào vận hành và cấp phép xả thải cho nên vấn đề này đã được giải quyết triệt để, môi trường được cải thiện. Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu đã phát động phong trào xanh, sạch, đẹp ở tất cả khoa, phòng; Đoàn Thanh niên là lực lượng xung kích được giao nhiệm vụ trồng, chăm sóc cây xanh, hoa và làm tổng vệ sinh cuối tuần ở khu vực khuôn viên trung tâm. Do vậy môi trường trong và ngoài khu vực Trung tâm Y tế huyện được cải thiện sạch đẹp và thoáng mát hơn, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và nhận được sự hài lòng của người bệnh.

Đánh giá hiệu quả của dự án “xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế lỏng tại 15 cơ sở y tế tỉnh Hưng Yên”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Anh cho biết: Dự án không những giải quyết tốt vấn đề xử lý nước thải y tế, mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế và cả người bệnh trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó tạo nên hình ảnh xanh, sạch, đẹp ở nhiều cơ sở khám, chữa bệnh.

Đến nay, ngành y tế tỉnh Hưng Yên có chín cơ sở y tế được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế mới, hiện đại đang hoạt động; trong đó, có bảy bệnh viện tuyến tỉnh, hai trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, bốn trung tâm y tế thuộc các huyện Tiên Lữ, Ân Thi, Văn Lâm, Văn Giang đang được đầu tư hệ thống nước thải y tế, dự kiến hoàn thành công trình trong năm 2018. Toàn bộ lượng chất thải lỏng y tế của những cơ sở y tế đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành xả thải ra môi trường bảo đảm sau xử lý không gây ô nhiễm môi trường, đạt tiêu chuẩn TCVN 7382-2004 mức I (nước thải y tế) và QCVN: 24:2009 cột A (nước thải công nghiệp). Trong thời gian tới ngành y tế tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh; nhất là việc sớm đưa toàn bộ 15 cơ sở y tế ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh.

Phạm Hà

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/37823302-ket-qua-buoc-dau-trong-xu-ly-chat-thai-y-te-o-hung-yen.html