Kết quả khả quan từ 'điện tử hóa' công tác trực ban, giám sát trực tuyến

Sau hơn 1 năm triển khai Quy chế thực hiện trực ban, giám sát trực tuyến (ban hành kèm theo Quyết định 888/QĐ-TCHQ ngày 17/3/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan), hoạt động trực ban, giám sát trực tuyến đã dần đi vào nề nếp, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý đối với trường hợp chưa thực hiện đúng quy trình, nghiệp vụ.

Có 7 cục nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan luân phiên thực hiện trực ban, giám sát trực tuyến tại Phòng Giám sát Hải quan trực tuyến (đặt tại trụ sở Tổng cục Hải quan). Ảnh: Q.H.

Thông tin phản hồi chỉ được tính bằng phút

6 tháng đầu năm 2018, Tổng cục Hải quan đã triển khai giải pháp kỹ thuật, tiếp tục kết nối hệ thống camera giám sát để tăng cường công tác theo dõi, giám sát từ các cửa khẩu, địa điểm làm thủ tục hải quan như cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước), cảng VIP Xanh, cảng Nam Hải Đình Vũ, trung tâm máy soi (Hải Phòng), Đồng Nai, Bình Dương... Văn phòng Tổng cục đã triển khai hệ thống “điện tử hóa” công tác trực ban, đảm bảo việc cung cấp thông tin, theo dõi, xử lý, chỉ đạo được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống điện tử.

Trước đây, việc thông báo ý kiến chỉ đạo của trực ban đến cá nhân, đơn vị; báo cáo kết quả thực hiện của cá nhân, đơn vị gửi về trực ban được thực hiện bằng văn bản hoặc thông qua máy điện thoại, máy fax, hộp thư điện tử... nên nhiều lúc còn chưa kịp thời do phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan như máy fax, đường dây điện thoại, hộp thư điện tử... Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý trực ban, giám sát trực tuyến từ tháng 7/2018 đã đảm bảo các thông tin từ trực ban, giám sát trực tuyến đều được cập nhật thường xuyên, liên tục. Đồng thời, quá trình xử lý, thông tin về việc tiếp nhận, phản hồi, hồi báo từ đơn vị cũng được theo dõi, chỉ đạo sát sao.

Trao đổi với phóng viên, một số cán bộ, công chức tham gia trực ban, giám sát trực tuyến chia sẻ: Nhờ áp dụng hệ thống, việc xử lý thông tin trực ban chỉ còn tính bằng phút, qua đó đáp ứng tính nhanh nhạy, kịp thời trong chỉ đạo kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm. Cụ thể, thực hiện công tác trực ban, ngày 14/7/2018, trực ban cơ quan Tổng cục Hải quan đã yêu cầu lấy mẫu giám định lô hàng NK phế liệu giấy ngày 14/7/2018 của Công ty P.D tại trung tâm máy soi Hải Phòng, chuyển Chi cục Kiểm định 2, kết quả bước đầu xác định lô hàng không đủ điều kiện NK, tiếp tục xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng tăng cường công tác rà soát, kiểm tra thông tin về việc NK mặt hàng gạch ốp lát, trực ban cơ quan Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo kiểm tra nhiều lô hàng NK mặt hàng gạch ốp lát tại cảng Cát Lái, Đà Nẵng, Long An. Kết quả kiểm tra đã phát hiện, xử lý nhiều doanh nghiệp khai sai số lượng, chủng loại để gian lận, trốn thuế với số tiền truy thu hàng trăm triệu đồng.

Song song đó, Tổng cục Hải quan cũng ban hành các văn bản chỉ đạo như kiểm tra trong thông quan phát hiện nhiều trường hợp khai báo sai số lượng, chủng loại, mã số đối với mặt hàng linh kiện phụ tùng xe ô tô, lốp xe, đèn led, loa tích hợp amply; dừng thông quan, kiểm tra với lô hàng xuất khẩu tại cảng Cát Lái, Hải Phòng, Đà Nẵng đã phát hiện việc khai báo sai số lượng, chủng loại đối với mặt hàng gỗ.

Chấn chỉnh hoạt động nghiệp vụ

Công tác trực ban, giám sát trực tuyến của ngành Hải quan đang được thực hiện xuyên suốt từ cấp Tổng cục Hải quan đến chi cục hải quan cửa khẩu. Công tác này không chỉ đáp ứng yêu cầu xử lý thông tin tức thời mà qua những thông tin nghi vấn, Tổng cục Hải quan đã kịp thời ban hành hàng chục văn bản cảnh báo, chấn chỉnh hoạt động động nghiệp vụ, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế, cũng như tăng cường trách nhiệm cán bộ công chức khi thực thi công vụ.

Điển hình là qua nắm bắt thông tin về tình hình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa là gạch ốp lát NK từ Trung Quốc, cơ quan Hải quan phát hiện có dấu hiệu một số DN lợi dụng khai báo không chính xác thông tin hàng hóa NK để gian lận về thuế suất, trị giá hải quan hoặc trốn tránh việc thực hiện chính sách quản lý đối với hàng hóa NK.

Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 4125/TCHQ-GSQL ngày 13/7/2018 yêu cầu các đơn vị tăng cường thu thập, xử lý thông tin trước, trong và sau thông quan đối với các lô hàng gạch ốp lát NK từ Trung Quốc về Việt Nam để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc làm thủ tục hải quan và kiểm tra sau thông quan đối với các lô hàng. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan lưu ý các đơn vị tăng cường thu thập, xử lý thông tin đối với trường hợp có các dấu hiệu vi phạm như: Thông tin rao bán hàng hóa trên thị trường là gạch tráng men, tuy nhiên, doanh nghiệp khai báo mặt hàng NK là gạch không tráng men để giảm trị giá tính thuế… Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với việc NK gạch ốp lát từ Trung Quốc có dấu hiệu doanh nghiệp lợi dụng khai báo không đúng số lượng, chủng loại, mã số để gian lận về thuế suất, trị giá hải quan hoặc trốn tránh việc thực hiện công bố hợp quy…

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cán bộ công chức khi thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa đối với các lô hàng có dấu hiệu trên cần kiểm tra kỹ các tiêu chí chủng loại (tráng men hay không tráng men), số lượng, kích cỡ để xác định chính xác mã số, trị giá hải quan của hàng hóa làm cơ sở xác định đúng số thuế phải nộp; kiểm tra thực tế hàng hóa theo đúng phân luồng của hệ thống và chỉ đạo của lãnh đạo chi cục hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan; cập nhật cụ thể thông tin về hàng hóa lên hệ thống.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị rà soát các lô hàng gạch ốp lát NK từ Trung Quốc đã được thông quan theo nhóm 69.07 theo các tiêu chí được hướng dẫn, trường hợp phát hiện sai phạm thực hiện ấn định thuế và xử lý vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định.

Cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố phân công cụ thể trách nhiệm từng đơn vị có liên quan. Trường hợp công chức không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ hải quan và các quy định của pháp luật có liên quan, để doanh nghiệp lợi dụng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Trường hợp công chức hải quan có hành vi vi phạm nghiệp vụ hải quan, nhũng nhiễu, tham nhũng thì xử lý công chức và trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị các cấp có liên quan có liên quan. Đồng thời, thực hiện điều chuyển sang vị trí khác để tăng cường trách nhiệm cán bộ công chức khi thực thi công vụ.

Ngay sau khi ban hành văn bản đôn đốc nhắc nhở, Trực ban cơ quan Tổng cục đã phối hợp Cục Hải quan Đà Nẵng xử lý nghiêm đối với trường hợp công chức không thực hiện đúng quy trình thủ tục trong việc kiểm tra thực tế hàng hóa vào ngày 20/7/2018.

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ket-qua-kha-quan-tu-dien-tu-hoa-cong-tac-truc-ban-giam-sat-truc-tuyen.aspx