Kết quả mới, thách thức mới

ng với dự đoán, kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vừa được công bố cuối giờ chiều qua (7-11) với chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện, còn đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số tại Thượng viện. Đây là lần đầu tiên đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện kể từ năm 2010 và điều này được dự báo sẽ tác động đáng kể tới chương trình nghị sự mà Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa đang theo đuổi.

Cử tri đảng Dân chủ ăn mừng sau khi đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Hạ viện.

Theo thông báo của Ủy ban Bầu cử Mỹ, đảng Dân chủ đã giành được 220/435 ghế, vượt quá 2 ghế cần thiết để nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Trong khi đó, đảng Cộng hòa đã giành được 51/100 ghế tại Thượng viện. Kết quả này cho thấy thực trạng chia rẽ của nước Mỹ, vốn được thổi bùng lên từ khi tỷ phú D.Trump đắc cử tổng thống.

Nếu ví cuộc bầu cử như thước đo đánh giá độ tín nhiệm của cử tri với các quyết sách và đường lối lãnh đạo đất nước của Tổng thống D.Trump sau hai năm cầm quyền, có thể thấy uy tín của người đứng đầu nước Mỹ đã giảm sút. Với quyền lực kiểm soát cả hai viện Quốc hội trong tay, chính quyền đảng Cộng hòa đã có hai năm “gây nhiều sóng gió” trên chính trường Mỹ.

Về đối nội, không thể phủ nhận những thành tựu kinh tế mà ông chủ Nhà Trắng đạt được khi Xứ Cờ hoa tăng trưởng tích cực và ổn định nhất trong nhiều năm qua. Mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III-2018 đạt 3,2%, mặc dù giảm so với mức kỷ lục 4,2% của quý liền kề trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức ấn tượng 3,7%.

Tuy nhiên, thành tựu kinh tế không thể khỏa lấp những mâu thuẫn trong xã hội liên quan đến các vấn đề tôn giáo, sắc tộc cũng như tâm lý bất an của người dân. Các quyết sách gây tranh cãi như hạn chế người Hồi giáo đến Mỹ, siết chặt kiểm soát người nhập cư, triển khai quân tới biên giới Mexico để ngăn người nhập cư… đã khiến xã hội Mỹ "dậy sóng".

Về đối ngoại, bên cạnh bước ngoặt ít người ngờ tới là thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên bằng cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đa phần các quyết sách của Tổng thống D.Trump đều khiến thế giới nghi ngại.

Từ việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - đến việc buộc các nước tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), xem xét lại Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, “quay lưng” với tính hữu dụng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)... cho thấy Nhà Trắng đang muốn đóng cửa với thế giới bên ngoài.

Dù những quyết sách này nhằm mục tiêu xuyên suốt "Nước Mỹ trên hết", nhưng lại dấy lên sự hoài nghi về vị thế của nước Mỹ trên toàn cầu. Nhiều ý kiến cho rằng, về mặt lý thuyết, chính sách "Nước Mỹ trên hết" tối ưu hóa quyền lợi của đất nước và người dân Mỹ, nhưng trên phương diện ngoại giao dường như lại là bước đi ngược, mà hậu quả có thể biến từ “Nước Mỹ trên hết” thành “Nước Mỹ cô lập”.

Chiến thắng của đảng Dân chủ ở Hạ viện được dự báo sẽ có nhiều ảnh hưởng đến Tổng thống D.Trump và các nghị sĩ Cộng hòa. Trước mắt, áp lực sẽ đến từ nhiều vấn đề đối nội, như chương trình cải cách y tế, chế độ nhập cư, thuế và kiểm soát súng đạn…

Bên cạnh đó, phe Dân chủ có khả năng sẽ mở các cuộc điều tra với Tổng thống và các thành viên trong nội các của ông liên quan tới hồ sơ thuế cá nhân hoặc nghi vấn Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ. Nói một cách ngắn gọn, chặng đường hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với nửa đầu nhiệm kỳ, khi đảng Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/917965/ket-qua-moi-thach-thuc-moi