Kết quả pháp y quyết định việc xử lý người trầm cảm phạm tội

Thời gian qua, dư luận xã hội rúng động bởi nhiều vụ việc giết người thương tâm, mà người gây án lại có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Vậy với những trường hợp này, người gây án có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Những vụ án nổi cộm gần đây có nhiều dấu hiệu liên quan tới bệnh trầm cảm. Từ vụ việc nữ sinh ném con mới sinh từ tầng cao ở chung cư Linh Đàm, tới việc một nam thanh niên vô cớ lao vào sân nhà chém nhiều nhát lên người một bé gái 7 tuổi ở Hà Nội.

Những bị can này đều có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, không kiểm soát được hành vi nhưng việc họ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, và xử lý ra sao đang được dư luận hết sức quan tâm.

Thanh niên đâm bé gái 7 tuổi có dấu hiệu bị trầm cảm

Được biết, ngày 23/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” theo Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 đối với vụ nữ sinh viên ném con mới đẻ từ tầng 31 chung cư Linh Đàm xuống đất.

Đồng thời, ngày 25/10 cơ quan cảnh sát điều tra - Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với Lê Văn Vương (20 tuổi, trú tại tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) để điều tra làm rõ hành vi "Giết người".

Về những trường hợp như này, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, bệnh tâm thần là bệnh do rối loạn hoạt động não bộ gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm... Bệnh tâm thần điển hình bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện.

Muốn xác định một người có phải là trầm cảm hay mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi hay không thì phải thực hiện quy trình giám định pháp y tâm thần được quy định tại Thông tư số 18/2015/TT-BYT ngày 14 tháng 07 năm 2015 của Bộ Y tế.

Theo luật sư Thanh, trong trường hợp của 2 bị can trên, nếu kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y cho thấy họ đều có dấu hiệu trầm cảm dẫn đến mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì cơ quan tố tụng sẽ áp dụng một trong những biện pháp sau:

“Đối với người mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi: Áp dụng Điều 21 Bộ luật hình sự để tuyên bố người gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác không phải chịu trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đó.

Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự".

"Đối với người hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi: Áp dụng quy định của Bộ luật hình sự để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội”, luật sư Giang Hồng Thanh nói.

Hình thức xử phạt này cũng được áp dụng cho người phạm tội nói chung và người có hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác nói riêng bị trầm cảm dẫn đến mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Như vậy kết quả giám định pháp y tâm thần sẽ là yếu tố quan trọng để xác định người bị trầm cảm khi phạm tội giết người có bị truy tố trách nhiệm hình sự hay không.

Nguyệt Tú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ket-qua-phap-y-quyet-dinh-viec-xu-ly-nguoi-tram-cam-pham-toi-a408703.html