Kết quả phúc thẩm liên quan khu đất hơn 3.000 tỉ đồng

HĐXX bác kháng cáo của bị đơn, người liên quan là Công ty VK Housing và kháng nghị phúc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM.

Sáng 11-9, sau thời gian nghị án kéo dài, HĐXX TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án theo hợp đồng liên doanh giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần phát triển và kinh doanh nhà (Nhà nước chiếm 30% cổ phần) và bị đơn là Công ty DWS Star Bridge Limited Liability (gọi tắt là DWS).

HĐXX phúc thẩm đã bác kháng cáo của bị đơn, kháng cáo của người liên quan là Công ty VK Housing và kháng nghị phúc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM.

Tại phiên tòa chiều tối 10-9, DWS và Công ty VK Housing đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án.

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM giữ nguyên toàn bộ kháng nghị, đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy án sơ thẩm để xét xử lại vì án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và cách áp dụng pháp luật.

Theo diễn biến vụ án, năm 2007, Công ty Cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà (gọi tắt là Công ty Kinh doanh nhà) và hai công ty nước ngoài là Công ty P&D Korea Co P&D Korea Co., Ltd (P&D) và Lucky Vietnam Construction Co., Ltd (LVC) ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH Quy hoạch và phát triển nhà Việt Nam – Hàn Quốc (Công ty VK Housing) để cùng thực hiện dự án khu nhà thương mại và chung cư The Mark. Dự án nằm trên khu đất hơn 29.000 m2 tại khu dân cư Tân Mỹ, đường Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM với tổng vốn đầu tư 79 triệu USD.

Trong quá trình hợp tác liên doanh, ngày 22-7-2015, P&D và LVC bị tuyên bố phá sản theo quyết định của tòa án tại Hàn Quốc.

Ngày 16-3-2016, quản tài viên được tòa án Hàn Quốc chỉ định đã nhân danh P&D và LVC ký các hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của hai công ty Hàn Quốc trong Công ty VK Housing cho Công ty DWS Star Bridge Limited Liability (Công ty DWS).

Ngày 21-4-2016, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần 2) cho Công ty VK Housing. Theo đó, Công ty VK Housing chỉ còn hai thành viên là Công ty Kinh doanh nhà và Công ty DWS.

Dự án The Mark mà các bên tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án theo hợp đồng liên doanh.

Dự án The Mark mà các bên tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án theo hợp đồng liên doanh.

Không đồng ý, Công ty Kinh doanh nhà khởi kiện yêu cầu không công nhận hiệu lực hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của P&D và LVC trong Công ty VK Housing cho Công ty DWS; hủy giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 có liên quan đến Công ty DWS. Công ty Kinh doanh nhà cũng yêu cầu được quyền quản lý Công ty VK Housing, phần vốn góp của P&D và LVC trong khi chưa có người kế thừa, thụ hưởng phần vốn góp nêu trên.

Xử sơ thẩm hồi tháng 10-2018, TAND TP.HCM chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Kinh doanh nhà. Theo tòa sơ thẩm, khi ký hợp đồng liên doanh, các bên thỏa thuận một trong các bên liên doanh muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình thì phải thông báo bằng văn bản cho các bên còn lại… Tuy nhiên, việc chuyển nhượng vốn góp của P&D và LVC trong Công ty VK Housing cho Công ty DWS không tuân thủ điều kiện và trình tự theo hợp đồng nên không có giá trị ràng buộc đối với công ty hoặc các bên liên doanh.

Lập luận của VKSND Cấp cao tại TP.HCM

Kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng HĐXX sơ thẩm áp dụng thỏa thuận trong hợp đồng liên doanh để giải quyết vụ án này là không phù hợp. Bởi P&D và LVC bị tòa án Hàn Quốc tuyên bố phá sản nên các công ty không thể thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng liên doanh giữa các bên.

Mặt khác, người thực hiện việc chuyển nhượng là quản tài viên do Tòa án Quận Trung tâm Seoul chỉ định. Vì vậy, từ việc nhận định không đúng của HĐXX sơ thẩm dẫn tới việc bản án sơ thẩm áp dụng quy định pháp luật sai, sau đó tuyên vô hiệu các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa quản tài viên với Công ty DWS là không có căn cứ.

Ngoài ra, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng nêu BLTTDS không điều chỉnh giao dịch dân sự thực hiện ở nước ngoài do các đương sự là người nước ngoài thực hiện. Vì vậy, TAND TP.HCM không có thẩm quyền giải quyết yêu cầu “không công nhận các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp” giữa quản tài viên với Công ty DWS tại Hàn Quốc và tuyên bố các hợp đồng liên quan vô hiệu…

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/ket-qua-phuc-tham-lien-quan-khu-dat-hon-3000-ti-dong-857420.html